Bao giờ thủ tục bồi thường mới đơn giản hơn?

(PLO) - Sau 6 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ Tư pháp “khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế đặc thù để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra; góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp”.
Viện kiểm sát tỉnh Long An giải quyết bồi thường cho công dân.
Viện kiểm sát tỉnh Long An giải quyết bồi thường cho công dân.
Hơn 111 tỷ cho bồi thường thiệt hại
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), còn lại 54 vụ việc đang tiếp tục giải quyết, với tổng số tiền bồi thường là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng.
Bên cạnh việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước (các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường theo quy định tại điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước - TNBTCNN), đã giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền là 32 tỷ 529 triệu 484 nghìn đồng, còn 12 vụ việc đang giải quyết. 
Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, trong 6 năm, số lượng vụ việc đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả là 22 vụ việc, với tổng số tiền là 676 triệu 742 nghìn đồng. 
Bộ Tư pháp đánh giá, qua từng năm triển khai thực hiện Luật, công tác bồi thường nhà nước đang từng bước đi vào ổn định và đạt hiệu quả nhất định, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã quan tâm, sát sao hơn trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước; công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật được đẩy mạnh. 
Hoạt động giải quyết bồi thường đã được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện nghiêm túc hơn, kịp thời thụ lý các vụ việc yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ; giải quyết bồi thường đúng pháp luật; một số vụ việc phức tạp, kéo dài phát sinh đã được giải quyết dứt điểm ... 
Thực tế cho thấy, ở bộ, ngành, địa phương nào quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường thì ở bộ, ngành, địa phương đó, công tác giải quyết bồi thường đạt kết quả tốt, được nhân dân và dư luận đồng tình, ủng hộ, góp phần bảo đảm giữ vững ổn định trật tự xã hội ở địa phương. 
Kết quả hoạt động giải quyết bồi thường trong 6 năm qua cho thấy, Luật TNBTCNN đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời bảo đảm sự ổn định của hoạt động công vụ, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại. 
Nhiều bất cập cần phải sửa đổi
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế sau 6 năm triển khai Luật. Trong đó, số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đã thụ lý, giải quyết trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án là không nhiều, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực thi pháp luật và chế độ công vụ của đội ngũ công chức, nhất là trong hoạt động quản lý hành chính. 
Theo báo cáo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thì có tới 20 bộ, cơ quan ngang bộ và 39 địa phương không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, trong khi các cơ quan quản lý hành chính hàng năm phải giải quyết rất nhiều khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, cấp, thu hồi đất đai...
Việc xác định các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; xác định mức thiệt hại được bồi thường gặp nhiều khó khăn (nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự) nên thực tiễn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường. Các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường không đảm bảo thời hạn theo quy định của pháp luật. 
Nhiều trường hợp, người bị thiệt hại không thực sự hợp tác với cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong quá trình giải quyết bồi thường (do đó trong một số vụ việc, mặc dù cơ quan có trách nhiệm bồi thường rất chủ động trong việc giải quyết bồi thường nhưng về phía người bị thiệt hại lại thường xuyên không chịu gặp mặt thương lượng, không ký biên bản thương lượng hoặc không nhận quyết định giải quyết bồi thường theo quy định làm cho việc giải quyết bồi thường tồn đọng, kéo dài). 
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc công khai xin lỗi đối với người bị thiệt hại chưa kịp thời, còn mang tính hình thức, không có sự thống nhất về mặt trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện đối với các vụ việc bồi thường.
Đáng chú ý, theo luật hiện hành, quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính rườm rà, chưa tạo điều kiện cho cơ quan giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại thực hiện việc giải quyết bồi thường và quyền yêu cầu bồi thường. Luật TNBTCNN chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại trong việc thực hiện công khai xin lỗi người bị thiệt hại. 
Bên cạnh đó, việc cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chưa được thực hiện kịp thời; việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện./.

Đọc thêm