Đào tạo chung thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư: “Đầu ra” phải “đúng địa chỉ”

(PLO) - Còn quá nhiều ngổn ngang đặt ra trước mục tiêu có lớp thí điểm đào tạo chung thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đầu tiên ngay trong tháng 9/2014. Hôm qua (28/2), đại diện các cơ quan liên quan đã có cuộc thảo luận nhằm giải quyết vấn đề.
Lễ bế giảng một lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư. Ảnh minh họa
Lễ bế giảng một lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư. Ảnh minh họa
Quan tâm cả “đầu vào”, “đầu ra”
Ông Nguyễn Thái Phúc (Giám đốc Học viện Tư pháp) cho biết, Học viện đã từng đào tạo 4 khóa chung các chức danh này trước khi chuyển sang đào tạo riêng cho từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư như hiện nay. Dù đào tạo riêng nhưng vẫn có điểm chung, giao thoa giữa chương trình đào tạo các chức danh này. Bên cạnh đó, qua đào tạo các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chất lượng đào tạo và chứng chỉ đào tạo của Học viện Tư pháp cấp đã được ngành Tòa án, Kiểm sát công nhận...  
“Đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng để Học viện Tư pháp triển khai việc đào tạo chung thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” - Giám đốc Học viện Tư pháp khẳng định.
Thời gian qua, theo phản ánh của ngành Tòa án, Kiểm sát và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác cán bộ của hai ngành này cũng như sự phân bố luật sư đáp ứng yêu cầu về dịch vụ pháp lý chính là thiếu nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Vì thế, ông Nguyễn Thái Phúc cho rằng, “đào tạo 3 chung” sẽ là giải pháp để giúp các ngành giải quyết tình trạng khan hiếm cán bộ ở cơ sở, địa phương ngoài các thành phố lớn.
Để “đào tạo 3 chung”, cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu và các điều kiện cần thiết để thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong giai đoạn 2013 - 2015 với qui mô 100 người/năm. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc đào tạo thí điểm, hoàn thiện nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu, thực hiện đào tạo chung từ năm 2016 với qui mô 500 người/năm.
Tăng cường hoạt động phối hợp giữa Học viện Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM, các cơ sở đào tạo luật khác trong hoạt động hướng nghiệp nghề nghiệp tư pháp cho sinh viên; thiết kế chương trình đào tạo theo hướng liên thông với chương trình đào tạo cử nhân luật, tạo điều kiện cho sinh viên từng bước tiếp cận chương trình đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh tư pháp, kiểm sát viên, luật sư.
Quan tâm đến “đầu vào” của lớp “đào tạo 3 chung”, đại diện các cơ quan băn khoăn nên lấy cán bộ ngành Tư pháp đã có kinh nghiệm hay sinh viên từ các cơ sở đào tạo luật để đảm bảo tính hiệu quả cũng như tương thích với yêu cầu về cán bộ của ngành Tòa án, Kiểm sát.
Cần chính sách để “đào tạo đúng địa chỉ”
Đó là yếu tố cần thiết đảm bảo tính khả thi cho việc “đào tạo 3 chung” được đại diện các cơ quan nhấn mạnh. Đại diện Đại học Kiểm sát (VKSNDTC) lưu ý: “Chuẩn đầu ra không chỉ đảm bảo về số lượng, chất lượng mà còn phải đáp ứng vấn đề nhân sự cho vùng miền vì ngành Tòa án, Kiểm sát đang chịu “sức ép” vì khó thu hút nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Giải pháp được thống nhất là phải có “cơ chế, chính sách tốt để thu hút học viên tham gia đào tạo chung”. 
Lo ngại khả năng dù có cam kết nhưng học viên vẫn không chấp nhận đi địa bàn khó khăn sau khi được đào tạo, sẵn sàng bồi hoàn chi phí đào tạo, nên đại diện Bộ Tài chính thấy cần cụ thể hóa chủ trương “đào tạo theo địa chỉ” bằng qui định “cơ quan, địa phương nào cần nguồn nhân sự thì “đặt hàng” và cử người đi học “đào tạo 3 chung” để ngay từ đầu học viên đã nhận thức được “địa chỉ công tác sau đào tạo” của mình, ngăn chặn được sự lãng phí trong đào tạo các chức danh này”. 
Theo đề án, một nhiệm vụ để thực hiện “đào tạo 3 chung”  là nghiên cứu xây dựng và áp dụng chính sách miễn, giảm học phí cho học viên thuộc diện đối tượng chính sách hoặc ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, cấp học bổng cho học viên giỏi để thu hút, khuyến khích người tài, góp phần bảo đảm cơ cấu vùng miền của học viên tham gia chương trình đào tạo chung và được tuyển dụng vào các cơ quan tư pháp sau khi tốt nghiệp. 
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm để ngành Tòa án, Kiểm sát tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ nguồn học viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Học viện Tư pháp.

Đọc thêm