Người có đủ điều kiện được cấp phép hành nghề thi hành án

(PLO) - Luật Thi hành án dân sự (THADS) hiện hành đã có nhiều quy định thể hiện việc xã hội hóa trong hoạt động THADS, tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Vì vậy, Luật Sửa đổi lần này dự kiến sẽ bổ sung nhiều quy định nhằm khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động THADS.
Người có đủ điều kiện được cấp phép hành nghề thi hành án
Tăng cường trách nhiệm của UBND
Mặc dù Luật THADS hiện hành đã có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp trong công tác THADS, tuy nhiên với tính chất khó khăn, phức tạp của hoạt động THADS thì cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ chính quyền địa phương. Dự thảo Luật THADS đang sửa đổi theo hướng này.
Sáu nhiệm vụ của UBND các cấp theo quy định tại Luật THADS trong đó có thể kể đến là công tác chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS cùng cấp… 
Tuy nhiên, Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy, Luật THADS Sửa đổi, bổ sung sẽ tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác THADS để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp với cơ quan quản lý theo ngành dọc, có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong THADS; cơ quan THADS là cơ quan của Trung ương đóng tại địa phương tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo đó, Luật bổ sung quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương phối hợp trong công tác THADS. Đặc biệt, Sở Tư pháp cấp tỉnh và Phòng TƯ pháp huyện phối hợp và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS; hỗ trợ cơ sở vật chất cho cơ quan THADS; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của UBND cấp xã với vai trò là cấp chính quyền cơ sở trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan THADS trong quá trình thi hành án (THA).
Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của UBND các cấp, theo ông Nguyễn Thanh Thuỷ: “Không can thiệp, làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan THADS, bảo đảm tính độc lập đặc thù về hoạt động tư pháp của các cơ quan THADS”.
Tạo cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự
Dự luật quy định: “Cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được cấp giấy phép hành nghề THADS; người được cấp phép hành nghề được thành lập hoặc tham gia tổ chức hành nghề THADS để tổ chức THA theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc THA theo ủy quyền của Chấp hành viên, cơ quan THADS. Khi thực hiện việc THA, người được cấp phép hành nghề THA có nghĩa vụ như Chấp hành viên và có một số quyền hạn của chấp hành viên theo quy định của Luật. Trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế thì phải có quyết định phê duyệt của Chánh án Tòa án nơi đã ra quyết định THA. Luật giao Chính phủ chủ trì phối hợp với TANDTC hướng dẫn quy định chi tiết điều luật”.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định rõ và cụ thể hơn về chi phí THA, phí THA, chi phí xác minh điều kiện THA để tăng cường công khai, minh bạch, hạn chế tham nhũng và sai phạm trong THA.
Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định về việc chi trả thù lao cho người phát hiện, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện của người phải THA nhằm thu hút nhiều hơn sự tích cực của cá nhân, tổ chức không phải là đương sự tham gia vào quá trình THADS; đồng thời góp phần hạn chế hành vi chây ỳ, tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THADS.

Đọc thêm