Gửi con cho... tử thần
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ trẻ chết bất thường tại các nhóm trẻ tư nhân tự phát đã khiến cho dư luận xôn xao, và một lần nữa làm bùng lên câu hỏi về việc quản lý loại hình hoạt động này.
Chiều 14/11 vừa qua, một cháu bé đã chết bất thường ở một nhà trẻ tự phát tại Quận 8, TP.HCM. Cháu bé tên Nguyễn Doãn Long, mới 13 tháng tuổi. Mẹ buôn bán chuối, cha chạy xe ôm, nên bé được gửi cho bà Vũ Thị Bích Vân, mở điểm giữ trẻ tự phát tại nhà với tiền công 20 ngàn đồng/ ngày. Mới đến nhà trẻ được 4 ngày, thì chiều 14/11, dì ruột cháu thấy bà Vân tất tả bế cháu bé đi bệnh viện, nói là bị thương ở đầu.
Sau một ngày cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy, cháu bé đã tử vong. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị chấn thương sọ não. Công an Quận 8 đã thụ lý vụ việc, còn bà Vân thì đã bỏ đi khỏi địa phương.
Cái chết của bé vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên, điều chắc chắn rằng đằng sau cái chết của cháu bé, là sự vô trách nhiệm, vô cảm, hoặc có cả khả năng bạo hành của người giữ trẻ đối với nạn nhân.
Trước đó, hàng loạt vụ trẻ chết bất thường ở các nhóm trông trẻ tư với nhiều nguyên nhân khác nhau đã dấy nên nỗi hoảng sợ về sự an toàn cho trẻ tại các nhà trẻ tự phát này. Có cháu chết vì sặc cháo trong khi người giữ trẻ đút cháo cho ăn. Có cháu chết vì bị điện giật do người giữ trẻ bất cẩn, cháu thì chết vì uống nhầm thuốc ngủ, cháu thì ngã gẫy cổ khi đang chơi đùa, cháu chết ngạt trong xô nước nhà tắm không hiểu vì sao...
Đó chỉ là những vụ việc được đưa ra công luận. Còn có cả những cái chết của trẻ đầy bất thường tại điểm giữ trẻ tư, mà vì nể nang, vì thiếu hiểu biết, các bậc cha mẹ đành ngậm đau đớn cho riêng mình. Như chuyện của cháu Bảo Châu, con gái vợ chồng anh Lê Tấn H. và chị Nguyễn Mỹ N..
Hai anh chị đều từ miền Tây lên Sài Gòn, cư ngụ tại Quận 11 trong một dãy nhà trọ tồi tàn, vợ bán bánh tráng trộn dạo, chồng phụ hồ. Cháu Bảo Châu được giao cho bà Tr. Th. Gi., là chủ dãy nhà trọ mở dịch vụ giữ trẻ tự phát, không đăng ký, với giá 50 ngàn/ ngày kể cả tiền ăn một buổi.
Cùng được giữ với cháu Bảo Châu còn ba cháu khác nữa. Một buổi chiều đi làm về, đến đón con, anh Tấn H. nghe bảo mẫu báo tin con mình đã tím tái, tiêu chảy cấp. Anh vội đưa con vào bệnh viện, nhưng cháu bé tử vong không lâu sau đó do mất nước, suy hô hấp vì ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân là do người giữ trẻ đã chọn mua những thực phẩm ôi, thối giá rẻ để chế biến thức ăn cho các cháu. Cả bốn cháu đều tiêu chảy, bé Bảo Châu bị nặng nhất và tử vong.
Tuy nhiên, vụ việc sau đó rơi vào im lặng, vì cha mẹ cháu bé nghèo, và không hiểu biết gì về pháp luật chỉ cho rằng là do “xui rủi”, hai anh chị được bồi thường một số tiền, sau đó đã bỏ về quê sinh sống.
Chưa dẫn đến tử vong, nhưng có nhiều trường hợp các bé được giữ ở nhà trẻ tư luôn cận kề với sự nguy hiểm. Như chuyện chị D. ở Quận 6, TP.HCM tố cáo con mình bị một nhà trẻ ở Bình Trị Đông, Bình Tân cho uống thuốc ngủ hàng ngày, dẫn đến việc cháu bị ngủ li bì, đờ đẫn. Sau khi nghi ngờ và theo dõi, chị và người nhà đã bắt quả tang và quay clip người giữ trẻ đang bỏ một thứ thuốc lạ vào sữa con chị, mà họ giải thích là “thuốc ho”.
Cô giáo giữ trẻ đã giải thích vì thấy cháu ho và thương cháu nên cho uống thuốc. Tất nhiên, chị D. ngay lập tức không gửi con ở nhà trẻ ấy nữa, nhưng vụ việc rồi cũng chìm lắng.
Có thể cấu thành tội Giết người
Phân tích về lỗi của những cơ sở, cá nhân hoạt động chưa cấp phép, chuyên viên Kiều Anh Vũ, văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cho biết:
Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến các “cơ sở giữ trẻ tư nhân tự phát”. Hậu quả xảy ra đôi khi là do sự vô ý, bất cẩn nhưng cũng có nhiều trường hợp là do sự cố ý của người giữ trẻ. Và khi hậu quả đã xảy ra, tất yếu phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan.
Trước hết, các các nhân, cơ sở giữ trẻ tư nhân tự phát, tự thực hiện việc trông giữ trẻ mà không đăng ký, không thực hiện thủ tục cho phép thành lập tại cơ quan quản lý có thẩm quyền đều là hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thành lập nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục tại nhiều văn bản.
Về hành vi bạo hành gây tổn thương đến sức khoẻ, tinh thần và tính mạng trẻ, theo chuyên viên Vũ, nếu vi phạm nặng có thể cấu thành tội giết người:
"Đối với các hành vi của người giữ trẻ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ, tùy trường hợp cụ thể sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý và chế tài của pháp luật. Về mặt trách nhiệm dân sự, nếu người giữ trẻ do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe của trẻ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Nếu do vô ý gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác (có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm); tội vô ý làm chết người (có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm).
Nếu người giữ trẻ cố ý đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm Hình sự. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với trẻ em theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 91/201/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Nghị định này sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 15/12/2013, thay thế bởi Nghị định 144/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, dù có hình phạt nào đi nữa, thì những đứa trẻ vô tội đã bị hại dưới bàn tay tàn nhẫn của những người giữ trẻ vô lương tâm. Vì thế, các phụ huynh cần cẩn trọng lựa chọn nơi an toàn để gửi con, thường xuyên để mắt đến mọi diễn biến của con và ngăn chặn đừng để hậu quả không hay xảy ra là điều cần thiết nhất đối với người làm cha mẹ.