Phí Thi hành án: 300 triệu đồng cho một vụ án lớn?

(PLO) - Phí thi hành án là vấn đề đặt ra từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và hiện nay đang được thực hiện với mức 3% nhưng không quá 200 triệu đồng/đơn yêu cầu thi hành án. 
Một buổi thi hành án dân sự. (Ảnh minh họa)
Một buổi thi hành án dân sự. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện cho thấy mức giới hạn 200 triệu đồng nói trên là không còn phù hợp, nhất là với những vụ án lớn, phức tạp nên cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Chia các mức để đảm bảo công bằng?
Quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), vấn đề phí thi hành án (THA) còn hai loại ý kiến khác nhau. 
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định lại mức phí THA để phù hợp với các mức giá trị cụ thể mà người được THA thực nhận, phù hợp với cách tính án phí của Tòa án. Theo đó, người được THA phải nộp phí THA với mức phí: số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đến 7 tỷ đồng thì mức phí THA là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận; từ trên 7 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì mức phí là 210 triệu đồng + 1% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7 tỷ đồng; từ trên 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng thì mức phí 240 triệu đồng + 0,5% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10 tỷ đồng; từ trên 15 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng thì mức phí là 265 triệu đồng + 0,3% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15 tỷ đồng của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 100 tỷ đồng; từ trên 20 tỷ đồng mức phí là 280 triệu đồng + 0,05% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 20 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, loại ý kiến thức hai cho rằng, quy định hiện hành về mức phí THA  là 3% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu THA là không còn phù hợp, quá thấp so với tiền hoặc giá trị tài sản nhận được, loại ý kiến này đề nghị nâng lên mức trần 300 triệu đồng/1 đơn yêu cầu THA.
Phí thấp sẽ thất thu cho ngân sách nhà nước
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy, đại diện Tổ biên tập Dự thảo Nghị định, theo quy định của Pháp lệnh về phí và lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ; đồng thời mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ. 
Luật THADS năm 2008 quy định người được THA có trách nhiệm xác minh điều kiện THA của người phải THA. Tuy nhiên, Luật Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã chuyển trách nhiệm xác minh từ người được THA sang cơ quan THADS. 
Như vậy, mức phí, cách tính phí THA phải bảo đảm sự tương ứng giữa số tiền, giá trị tài sản thực nhận với công sức, chi phí của cơ quan THADS hoặc tổ chức có thẩm quyền khác đã bỏ ra trong quá trình THA, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước vì có những vụ việc số tiền, giá trị tài sản rất lớn nhưng mức phí THA lại bị khống chế không vượt quá 200 triệu đồng. 
Mặt khác, quy định lại cách tính phí như loại ý kiến thứ nhất cũng phù hợp với cách tính án phí của Tòa án, đảm bảo sự công bằng. Trường hợp người được THA tự xác minh điều kiện THA của người phải THA thì sẽ được xem xét miễn, giảm chi phí THA theo quy định. Dự thảo Nghị định hiện đang theo loại ý kiến này.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Tổ biên tập vì bản chất của phí là khoản tiền để bù đắp một phần chi phí đầu tư, quản lý của tổ chức, cá nhân đã cung cấp dịch vụ cho người thụ hưởng; trong THADS thì phí là một khoản tiền mà người được THA phải nộp khi được nhận các lợi ích vật chất từ hoạt động của cơ quan THADS, dẫu bản chất của phí có như vậy thì khoản “bù đắp” đó cũng phải hợp lý, đặc biệt khi cơ quan THADS phải thi hành những vụ việc có giá trị lớn, tính chất phức tạp. 
Nếu thực hiện theo mức “cào bằng” 3% sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng trong tính phí. Còn nếu để mức tối đa 200 triệu đồng, Nhà nước sẽ thất thu trong bối cảnh các vụ án lớn đang có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tăng mức phí sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được THA. 
Trường hợp cơ quan THADS đã ra quyết định THA và tổ chức việc THA nhưng sau đó các đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì phải chịu 1/3 mức phí THA quy định .
Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị của tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí THA phải nộp của người được THA. Chi phí định giá do cơ quan THADS chi trả từ nguồn phí THA được để lại.
(Trích Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS)

Đọc thêm