Số lượng đào tạo tại Học viện Tư pháp tăng 147%

(PLO) - Hôm qua (25/6), Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư Lê Thị Thu Ba đã dẫn đầu Đoàn kiểm tra, khảo sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật và cán bộ có chức danh tư pháp làm việc với Học viện Tư pháp. 
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, các lãnh đạo Học viện Tư pháp và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, khảo sát, lãnh đạo Học viện Tư pháp cho biết: Quán triệt Nghị quyết số 49/NQ-TW và dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp đã xây dựng xong Dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp; tham mưu thành lập Hội đồng phối hợp đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu và hồ sơ tình huống đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Đấu giá viên; nghiên cứu chuẩn bị thành lập Hội đồng Học viện Tư pháp… 
Tuy nhiên, đối với việc thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Học viện đề nghị được dừng thực hiện thí điểm, chờ triển khai sau khi Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Bộ trưởng đồng ý với đề nghị này của Học viện. 
Tính từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2015, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được tổng số 47.721 học viên. So với trước năm 2005, số lượng đào tạo, bồi dưỡng này rất đáng ghi nhận, riêng số lượng đào tạo giai đoạn 2005 – 2015 tăng tới 147%. Chất lượng đào tạo được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XII đánh giá là “đa số học viên của Học viện Tư pháp… có đóng góp tích cực vào hiệu quả hoạt động tư pháp trong những năm qua”. 
Về đội ngũ giảng viên, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà thông tin, hiện có 57 giảng viên cơ hữu và 461 giảng viên thỉnh giảng được phát triển bằng quy trình tuyển dụng chặt chẽ, khoa học. 
Mặc dù một số giảng viên là cán bộ tư pháp còn hạn chế nhất định về phương pháp giảng dạy song qua khảo sát trong Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, theo ông Hà, các giảng viên được nhận xét là nắm chắc lý thuyết, có kinh nghiệm thực tế, có phương pháp giảng dạy tốt, phù hợp với các đối tượng học viên…
Bà Lê Thị Thu Ba và các thành viên trong Đoàn đã đặt nhiều câu hỏi như nhận thức của lãnh đạo Học viện thay đổi ra sao trước những yêu cầu, chủ trương cải cách tư pháp ngày càng mạnh mẽ; cơ chế tuyển dụng giảng viên cơ hữu… 
Đặc biệt, bà Lê Thị Thu Ba quan tâm đến sự phối hợp của Bộ Tư pháp với các cơ quan khác trong thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Bộ được giao chủ trì hoặc phối hợp và nguyên nhân vì sao phải dừng thí điểm đào tạo chung 3 chức danh tư pháp.
Chia sẻ tâm tư của lãnh đạo, cán bộ Học viện Tư pháp, nhất là sau khi có Kết luận số 92 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Học viện luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo và để nâng cao chất lượng đào tạo thì vấn đề hàng đầu là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. 
Trong đó, đối với giảng viên cơ hữu, Học viện chú trọng tuyển dụng những người từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư và tạo điều kiện cho giảng viên thâm nhập thực tiễn nghề nghiệp, trực tiếp tham gia các hoạt động tư vấn, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trước Tòa án… 
Lý giải về việc dừng thí điểm đào tạo 3 chung, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, việc này chỉ là tạm dừng để chờ Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp nhằm có được khung khổ pháp lý vững chắc và khi Pháp lệnh được thông qua, có hiệu lực sẽ lập tức triển khai chính thức. 
Nhấn mạnh chủ trương của Đảng trong việc xây dựng Học viện thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, Thứ trưởng bày tỏ quyết tâm cao, nhất quán của Bộ Tư pháp và mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành hữu quan.

Đọc thêm