Từ 'sân sau' đến sân Tòa

(PLO) - Những công ty, doanh nghiệp “sân sau” của cán bộ to, nhỏ, dư luận đã nói đến từ lâu, ngay cả từ “sân sau” cũng là cách gọi của giới truyền thông, nó chỉ được đề cập đến một cách chính thống sau lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ khi chỉ ra đích danh “loại hình” của nhóm lợi ích này.

Thực chất, “sân sau” là công ty của một ông nào đó có chức vụ, lập ra để đón lõng dự án, cung cấp thiết bị, vật tư cho cái lĩnh vực mà ông ta nắm quyền sinh sát. Vốn nhà nước, ngân sách đổ vào đó, những dự án béo bở thì chỉ định thầu. Nắm quyền các công ty đó là vợ con, người thân, hoặc sau những cái bắt tay dưới gầm bàn, trên mâm rượu..., tóm lại, đó là “cánh hẩu” của ông ta, dùng từ theo cách diễn đạt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì là thế.

Rất nhiều “sân sau”, từ cấp huyện trở lên đều có. Béo bở thì người ta lĩnh hết rồi, các doanh nghiệp chính đáng chỉ còn nước “mua lại” một phần dự án hoặc cố gắng chống đỡ với sự “hỏi thăm” của rất nhiều cơ quan chức năng với danh nghĩa kiểm tả, thanh tra, giám sát... và đợi "ông đó" ăn xong thì gọi ra thanh toán. Doanh nghiệp “sân sau” thì đố ông nào dám gọi ra đấy. Vì thế, “sân sau” nhưng chẳng có gì phải giấu giếm vì nó hợp pháp, lại rất oai nữa.

Những công ty “bình phong” của Út “trọc”, Vũ “nhôm” và của các tướng lĩnh công an “đánh bạc” chính là “sân sau” của một nhóm lợi ích. Chúng trốn thuế, “rửa tiền”, thâu tóm đất vàng, nhà công sản..., thu lợi bất chính khổng lồ rồi chia chác cho nhau, nợ công tăng lên vì chúng, phải tận thu để bù ngân sách cũng do chúng, sự cạnh tranh lành mạnh không tồn tại cũng vì chúng và tất nhiên, doanh nghiệp không lớn được, kinh tế kém phát triển cũng do chúng mà ra.

Mới đây, “củi lò” được tiếp tục cung cấp cũng góp phần một công ty “sân sau”, rất đình đám trong lĩnh vực BOT, Tổng Giám đốc của công này chính là cháu của Út “trọc”, nói như thế là đủ hiểu. Gần nhất, một phiên tòa sơ thẩm tại TP HCM vừa khép lại, tuyên án phạt tù, đền tiền với bộ sậu lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) do đã thành lập công ty “sân sau” (MHBS) và tuồn gần 5.000 tỷ đồng vào đó mua trái phiếu hoặc gửi lại chính ngân hàng này lấy lãi, gây thiệt hại gần 350 tỷ đồng.

Như vậy, từ “sân sau” đến sân tòa, nơi vừa diễn ra vụ án đánh bạc vì số bị cáo quá đông, là rất gần. Cái ông nào đó có 14 -15 “sân sau” chuẩn bị đi là vừa!.