Tôi biết một người phụ nữ lúc nào cũng e dè thể hiện bản thân mình với người khác, không dám bày tỏ ý muốn của cô ấy.
Cô ấy không bao giờ biết nói “không”. Thay vào đó, cô buộc mình vào những mối quan hệ rối rắm, sự lo lắng và những lời nói dối vô hại. Người phụ nữ đó chính là tôi.
Điều tồi tệ nhất là tôi chưa từng nhận ra mình đã làm sai. Tôi nghĩ rằng tôi biết cách nói “không” với người khác nhưng tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng mình nói câu đó là lúc nào.
Giống như đa số, tôi cũng muốn mình được chấp nhận, được trân trọng, được yêu và cách duy nhất để có được những thứ đó là đặt nhu cầu của mọi người lên trên bản thân mình.
Nhưng đó không phải là cuộc sống tôi muốn, tôi cảm thấy bị bó buộc trong một thế giới giả tạo. Vì lẽ đó mà dạo gần đây, tôi đã quyết định “cởi bỏ” vỏ bọc đó.
Tự lấy mình làm vật thí nghiệm, tôi thay đổi vì bản thân, ngay cả khi điều đó có thể làm mọi người xa lánh tôi hoặc làm cho cuộc sống tôi không còn hoàn hảo như trước. Thế rồi tất cả sự tưởng tượng ấy đã không xảy ra.
Đây là cách mà tôi đã làm:
Tôi dừng viện lý do ngớ ngẩn để lảng tránh
Sáu tháng trước, tôi được yêu cầu tham gia tình nguyện chăm sóc khách hàng và thu vé cho một dịch vụ xã hội nhàm chán. Thay vì nói những gì mình nghĩ, tôi thường nói “được thôi”.
Trách nhiệm đổ dồn lên đầu, tôi không sao giải quyết được. Tôi cảm thấy thật khó khăn để gỡ nút mớ bòng bong mà chính tôi đã đồng ý gỡ rối.
Sau đó, để tìm cách lảng tránh, tôi đã viện ra lý do với ban tổ chức rằng tôi bị cảm. Nghĩ lại, tôi đã tốn hàng giờ để lo lắng phản ứng của người khác. Trên thực tế, chắc chắn cái cớ của tôi cũng khiến ban tổ chức thấy bối rối khó xử.
Nếu hồi đó tôi nói “không” có lẽ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nếu giờ đây ai đó yêu cầu tôi làm việc mà tôi cảm thấy không hứng thú, tôi sẽ lịch sự và thật lòng từ chối. Thay vì những lý do bao biện, tôi sẽ nói: “Tôi xin lỗi, việc đó không phù hợp với tôi”.
Ảnh: Shutterstock |
Từ chối một cách thật lòng
Từ chối những bữa tiệc tùng quả là khó khăn. Hơn nữa, tôi vô cùng hối hận khi đánh giá một số người bạn khi họ tự tin nói rằng họ thà ở nhà hơn là tham gia tiệc tùng.
Tôi từng nghĩ họ thật lạ, hình như họ muốn quay đầu với xã hội, hay họ làm thế thật là bất lịch sự.Tôi tưởng rằng mọi người đều có chung suy nghĩ với tôi.
Hóa ra là chỉ mỗi tôi có cái suy nghĩ ấy. Khi tôi dừng việc làm hài lòng tất cả mọi người, không ai tỏ thái độ với sự thay đổi đó. Một lần, cô bạn thân rủ tôi đi uống cafe vào lúc 5 giờ chiều. Nhưng lúc đó tôi lại có lịch tập gym và sau đó tôi sẽ về nhà để nghiền bộ phim yêu thích lần thứ một nghìn.
Tôi đã từ chối cô ấy, tôi nói rằng: “Xin lỗi, tối nay mình có kế hoạch rồi”. Khi nghe câu trả lời của cô ấy, tôi suýt khóc: “Không sao đâu, lần sau nhé!”.
Từ trước tới giờ, tôi không nhận ra một lời từ chối đơn giản đến nhường nào.
Đừng ngại từ chối. Bạn không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người, hãy làm bản thân bạn hài lòng trước tiên. Ảnh: Pixabay |
Tôi có nhiều thời gian dành cho bản thân
Trước khi thay đổi, tôi không có chút thời gian nào dành cho bản thân để làm những việc tôi muốn. Tôi muốn học tiếng Tây Ban Nha, muốn viết nhiều tiểu thuyết và muốn du lịch đâu đó.
Những điều này chả có gì to tát, cũng chẳng phải phi thực tế. Lối sống luôn làm hài lòng người khác của tôi đã ngăn cản tôi thực hiện những ước muốn đó.
Học cách nói “không” đã cho tôi nhiều thời gian hơn để chăm chút bản thân, một tuần rảnh rang để làm những điều mình thích mà tôi cảm thấy như đã một năm trôi qua vậy.
Tôi không còn phải hoãn những kế hoạch đã đặt ra để giúp một người bạn nào đó tìm kiếm tài liệu cho công việc của họ, hay không phải lãng phí ngày cuối tuần để đọc bản nháp của cuốn sách ai đó viết ra. Từ chối đã cho tôi tự do.
Bạn thấy đấy, đừng cố làm hài lòng người khác mà quên mất chính bản thân mình. Hãy học cách từ chối, dành thời gian cho bản thân, đừng sống gò bó trong thế giới không thuộc về bạn.