Tạo dáng tại… đám tang
Dư luận từng bất bình trước hành vi của những người tới dự đám tang của người mẫu, diễn viên Duy Nhân. Thay vì đến phân ưu, tiễn biệt Duy Nhân trở về cát bụi, đám đông này kéo tới chỉ để chụp ảnh những người nổi tiếng và chụp ảnh “tự sướng” tại đám tang. Trong khung cảnh xót thương nghệ sĩ đoản mệnh, một số người vô cảm cười nói, bàn tán, tay lăm lăm điện thoại chụp ảnh những nghệ sĩ nổi tiếng đến dự đám tang. Thậm chí họ ùa tới chụp ảnh bên quan tài người chết với khuôn mặt hớn hở rồi nhanh chóng tải ảnh lên “phây” khoe “hàng”.
Xót xa, phẫn nộ trước cảnh gai mắt ấy, nghệ sĩ Hoài Linh và các đồng nghiệp nhiều lần nhắc nhở họ giữ trật tự. Nhưng các nghệ sĩ đều bất lực trước đám đông đang vui vẻ cười nói, reo hò, tạo dáng trong khi gia đình Duy Nhân khóc nghẹn, đau đớn vì mất người thân.
Trào lưu chụp ảnh “tự sướng” trong đám tang hay bên phần mộ người thân đang có nguy cơ lây lan. Hết trào lưu khoe thân, khoe của, nhiều người không ngần ngại “khoe đau thương” khi thản nhiên chụp ảnh “tự sướng” ngay trong đám tang, phần mộ của người thân. Còn nhớ, dư luận từng “ném đá” người mẫu nội y Ngọc Trinh mặc váy uốn éo ngồi trên mộ mẹ.
Sau Ngọc Trinh, Hiệp “gà” lại gây “bão” dư luận bằng cách đăng ảnh đầu đội khăn tang ngoại trên facebook kèm chú thích: “Ngoại tôi đã về cõi vĩnh hằng...Vĩnh biệt ngoại với những giọt nước mắt tiếc thương vô hạn... Con cháu ngoại thương tiếc mãi”. Nam diễn viên đã bị dư luận đánh giá là “ý thức kém, văn hóa thấp”.
Coi thường chốn linh thiêng
“Trào lưu” chụp ảnh phản cảm của người nổi tiếng dường như tác động mạnh tới giới trẻ. Chốn linh thiêng như tượng thờ, chùa chiền, di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ hay nơi đau buồn như đám tang đều bị một số giới trẻ xem thường, nhạo báng bằng những trò chụp ảnh tạo dáng, “tự sướng” vô cùng phản cảm.
Một cô gái trẻ, xinh xắn nhưng lại hồn nhiên ngồi trên một ngôi mộ liệt sỹ để chụp ảnh. Xuất hiện trên trang cá nhân của nam thanh niên có nick name Lực Telemotail, bức ảnh ghi lại chính hình ảnh của nam thanh niên này ngồi lên tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), hơn thế, bức ảnh lại được nam thanh niên này sử dụng làm ảnh đại diện.
Theo nhà tâm lý Nguyễn Ninh, Trung tâm Tư vân tâm lý Việt, trong thời buổi của điện thoại thông minh và các phương tiện công nghệ hiện đại, việc chụp ảnh mọi nơi, mọi lúc, sau đó chỉnh sửa rồi đưa lên trang mạng cá nhân lại càng trở thành thói quen khó bỏ của không ít người. Sự tiện lợi của mạng xã hội cùng nhu cầu khẳng định cái tôi ngày càng khiến người dùng sa đà vào cuộc sống ảo với những cách thể hiện vô cảm, thái quá.
Muốn nổi tiếng, muốn câu view (thu hút người xem), họ nghĩ ra nhiều cách thể hiện mặc sự thái quá khiến cho dư luận bất bình như chụp ảnh bên quan tài, bên nấm mộ người mất với những biểu cảm tươi cười, hò reo, tạo dáng. Khi mải mê chạy theo thú vui ảo, họ đã tự biến mình thành trò cười, hoặc đang trở thành hiện tượng phản cảm. Càng nhiều view, càng nhiều bình luận, họ càng thấy hả hê dù cho bị “ném đá”, chê trách.
Cần chế tài phạt nặng
Cũng theo nhà tâm lý Nguyễn Ninh, “nghiện” chụp ảnh tự sướng có thể là dấu hiệu cho thấy một số người trẻ thiếu phông văn hóa, khiến họ phụ thuộc vào sự chú ý của xã hội và trở thành nạn nhân của thói vô cảm, sống giả tạo. Đây không chỉ là sự ham muốn hư danh ảo tưởng nữa mà là một vết nhơ của giới trẻ. “Với những hành vi trèo, ngồi lên các di tích, tượng Phật, tượng đài, lăng tẩm, mồ mả cần có chế tài phạt nặng để răn đe những người khác” - nhà tâm lý Nguyễn Ninh nhấn mạnh.