Từ tháng 12 này, việc thiện nguyện chắc chắn đi vào nề nếp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có hiệu lực từ tháng 12/2021, Nghị định số 93 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các hoạt động từ thiện được công khai, minh bạch, rõ ràng.
Nghị định 93 đưa hoạt động từ thiện về đúng thực chất. Ảnh minh họa.
Nghị định 93 đưa hoạt động từ thiện về đúng thực chất. Ảnh minh họa.

Sau những vụ lùm xùm về tính minh bạch hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức thời gian vừa qua, đòi hỏi đặt ra là phải nhanh chóng có một Nghị định mới thay thế.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP với một số sửa đổi, bổ sung đã tạo tính pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần thúc đẩy từ thiện minh bạch, công khai, giúp đỡ đúng người, đúng đối tượng, xây dựng niềm tin trong xã hội, phát huy truyền thống nhân đạo “lá lành đùm lá rách” lâu đời của dân tộc Việt Nam. Có hiệu lực từ ngày 11/12/2021, Nghị định số 93 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các hoạt động từ thiện được công khai, minh bạch, rõ ràng.

Khắc phục lùm xùm hoạt động từ thiện hiện nay thế nào?

Trước đây, theo Nghị định 64, chỉ có 4 cơ quan, đơn vị, tổ chức được kêu gọi từ thiện và được điều chỉnh bởi Nghị định 64. Riêng cá nhân kêu gọi từ thiện thì không được quy định và điều chỉnh bởi pháp luật. Sau lùm xùm “nghệ sĩ sao kê tiền từ thiện”, Nghị định 93 dành hẳn Mục 2 để quy định chi tiết cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước. Có thể nói, đây là lần đầu tiên cá nhân được phép kêu gọi từ thiện song phải tuân thủ một số quy định.

Cụ thể, Điều 17 Mục 2 Nghị định 93 nêu khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật). Đồng thời, công bố rõ thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.

Về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện, Điều 19 Nghị định 93 quy định chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày…

Góp phần minh bạch hóa nguồn tiền từ thiện mà cá nhân nhận từ các mạnh thường quân – đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội khi nói về Nghị định 93. Theo Luật sư Nguyễn Minh Long, việc Nghị định 93 quy định chỉ sử dụng 1 tài khoản duy nhất cho 1 lần kêu gọi từ thiện (có cam kết về thời gian kết thúc tiếp nhận) giúp tách bạch nguồn tiền từ thiện với nguồn tiền cá nhân của người kêu gọi từ thiện, công tác kiểm kê, sao kê chứng minh số tiền quyên góp được sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Cùng quan điểm, Luật sư Lê Văn Thiệp - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, quy định trên nhằm tránh sự lẫn lộn, nhập nhằng giữa tài khoản cá nhân và tiền quyên góp từ thiện. Theo Luật sư, quy định càng chặt chẽ thì tính minh bạch, công khai càng cao và tác động tích cực đến hoạt động cứu trợ, hỗ trợ người dân gặp thiên tai, dịch bệnh.

Tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức vừa được đóng góp sức mình, vừa tránh được tai tiếng

Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu về hệ lụy từ sự tùy tiện trong việc quyên góp từ thiện cũng như trong công tác quản lý chưa được chặt chẽ dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp đôi khi chưa đúng mục đích, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị định số 64 có đưa ra một nguyên tắc khuyến khích các tổ chức, các cá nhân và mọi người dân tham gia làm từ thiện, tham gia cứu trợ, giúp đỡ người dân bị thiên tai, lũ lụt...

Nghị định 93 đưa hoạt động từ thiện về đúng thực chất. (ảnh minh họa)

Nghị định 93 đưa hoạt động từ thiện về đúng thực chất. (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong Nghị định và quy định pháp luật có khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác tiến hành nhưng chưa quy định cụ thể cách thức huy động của cá nhân cũng như cách tổ chức cấp phát thế nào. Do đó, thời gian vừa qua, về cơ bản các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc chuyển hàng rồi tiếp nhận ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi bão lũ, dịch bệnh..., song “cũng còn chỗ này, chỗ kia có điều này, điều kia”. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng, với Nghị định 93, chắc chắn việc tổ chức thiện nguyện sẽ đi vào nền nếp, còn trong quá trình vừa qua, nếu cá nhân, tổ chức nào sai thì phải xử lý theo pháp luật.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị định 93 mới ban hành có nhiều điểm mới. Đó là, đã quy định cụ thể các đối tượng thực hiện huy động quyên góp, từ thiện, từ Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến tổ chức, cá nhân, các đơn vị liên quan thực hiện thiện nguyện, vận động tài trợ. Quy định rõ việc quản lý tiền, các loại hàng hóa như vàng, ngoại tệ… và việc phân bổ các vật tư, hàng hóa, tiền cho các đối tượng được thụ hưởng.

Quy định việc phải ghi chép một cách đầy đủ quá trình hoạt động và được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại theo từng đợt vận động hoặc tại kho bạc; sau đợt vận động, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đóng tài khoản. Vấn đề về niêm yết công khai đối với hàng hóa, tiền hoặc tài sản đã nhận vận động và phân phối số hàng đó phải làm hết sức minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Nghị định quy định chế độ báo cáo rất chặt chẽ. Ví dụ, trước khi vận động phải đăng ký với UBND nơi tổ chức vận động và trong thời hạn 3 ngày, UBND phải giải quyết, phối hợp để giải quyết vấn đề vận động đó. Việc phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ cũng như các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong quá trình vận động được quy định hết sức chặt chẽ.

Về vấn đề thanh tra và kiểm tra, Nghị định giao Bộ LĐ-TB&XH, trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, được tổ chức thanh tra; Bộ Tài chính thực hiện vấn đề thanh tra và các bộ, ngành khác quy định rất chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện thanh tra…

Có thể nói, Nghị định 93/2021 ra đời rất kịp thời trong bối cảnh nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ bị “gọi tên” phải sao kê, công khai số tiền mà nhà hảo tâm quyên góp. Hoạt động từ thiện vốn là tốt. Do vậy, có những điều được luật hóa như Nghị định 93/2021 sẽ tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức có tấm lòng thiện nguyện với cộng đồng được đóng góp sức mình, cũng tránh được những tai tiếng không đáng có. Quan trọng hơn, số tiền mà cộng đồng, các nhà hảo tâm quyên góp sẽ đến được tay người cần hỗ trợ.

Đối với việc giải quyết kết quả tiếp nhận, giải quyết đơn tố cáo về sai phạm trong hoạt động quyên góp, từ thiện, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, qua khảo sát tại các địa phương, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 6 tố giác tội phạm của công dân có liên quan đến việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ. Qua đó, đã tổ chức tiếp nhận, phân loại các tố giác đúng quy trình của pháp luật về tố tụng hình sự.

Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định những tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân. Phối hợp với UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thuộc các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi xác minh, làm rõ số tiền, hàng các nghệ sĩ đã tiến hành cứu trợ từ thiện tại các địa phương. Đồng thời, đã mời một số cá nhân, tổ chức làm việc, đề nghị cung cấp các thông tin có liên quan để sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cục Cảnh sát hình sự cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động kêu gọi từ thiện thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm