Từ việc “đánh bản quyền” loạt ca khúc: Cần phân định rõ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ vụ tranh luận liên quan đến việc BH Media “đánh bản quyền” đối với loạt cả khúc, bao gồm cả Tiến quân ca, chúng ta cần phải phân định rõ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Nhạc sĩ Văn Cao và bài Tiến quân ca.
Nhạc sĩ Văn Cao và bài Tiến quân ca.

BH Media “nhận vơ” bản quyền đối với nhiều ca khúc?

Vừa qua, nhạc sĩ Giáng Son có chia sẻ, vào thời điểm cuối tháng 9, nữ nhạc sĩ có đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” do ca sĩ Khánh Linh thể hiện trên kênh Youtube của mình. Đây là ca khúc do chính nhạc sĩ sáng tác, làm nhạc và phối khí. Tuy nhiên, bất ngờ sau đó nữ nhạc sĩ nhận được thông báo khiếu nại bản quyền liên quan đến ca khúc này thuộc sở hữu của BH Media và Hồ Gươm Audio. Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào, cô đã rất bức xúc vì lại bị đánh bản quyền do chính tác phẩm mà mình sáng tác.

Đặc biệt, giới chuyên môn và công chúng đã tranh luận sôi nổi khi BH Media “đánh bản quyền” cả tác phẩm Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao.

Khi bị tố “nhận vơ” Tiến quân ca, BH Media phản hồi không nhận sở hữu bản quyền ca khúc. BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.

BH Media giải thích, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi nói trên. Nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền. BH Media cũng khẳng định không bật nút kiếm tiền, quảng cáo và để người dân nghe miễn phí khi đăng bản ghi Tiến quân ca lên YouTube. Việc đánh khiếu nại bản quyền là vì hệ thống Content ID phát hiện một video sử dụng bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio mà không xin phép.

Xác định quyền trong từng trường hợp cụ thể

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước, tức hiến tặng phần “nhạc và lời”. Khi đơn vị nào sản xuất một bản ghi âm, ghi hình, họ có quyền đối với bản ghi âm, ghi hình đó.

Để xác định quyền liên quan đối với tác phẩm Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio hay việc ủy quyền của Hồ Gươm Audio cho BH Media khai thác bản ghi có đúng quy định hay không, cần làm rõ việc ca khúc được tặng cho Nhà nước hay Nhà nước và nhân dân.

Trong trường hợp tác phẩm được hiến tặng cho Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý về vấn đề bản quyền, mọi hoạt động thực hiện quyền liên quan bao gồm việc sản xuất bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio.

Trong trường hợp hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân, việc cho tặng này chung chung và có thể được hiểu là tài sản thuộc về toàn dân, không một cá nhân, tổ chức cụ thể nào nắm quyền sở hữu và ai cũng có quyền sử dụng. Như vậy, việc sản xuất bản ghi của Hồ Gươm Audio đối với tác phẩm cũng không cần xin phép.

Còn việc BH Media xác nhận mình là “chủ sở hữu bản quyền” đối với bản ghi âm ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả, không hề có hiểu lầm trong sự việc này. Vì vậy, BH Media phải gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu ngay khi nhạc sĩ Giáng Son lên tiếng trên các phương tiện truyền thông.

Đối với việc BH Media có quyền khiếu nại về bản quyền thông qua Content ID hay không, Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định phải xem xét hai vấn đề: Bản chất hoạt động của Content ID trên kênh YouTube và BH Media có phải đơn vị sở hữu độc quyền bản ghi các tác phẩm âm nhạc đó không.

Thứ nhất, Content ID là một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.

Thứ hai, theo thông tin các cơ quan truyền thông đưa tin, Hồ Gươm Audio là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình các tác phẩm âm nhạc, còn đơn vị BH Media được ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi ca khúc trên nền tảng YouTube. Do đó, Hồ Gươm Audio có quyền chuyển giao quyền sử dụng và đăng ký bản quyền đối với bản ghi của mình cho BH Media.

Trường hợp BH Media được giao quyền đăng ký bản quyền đối với bản ghi âm, ghi hình thì theo cách thức vận hành của hệ thống Content ID, BH Media có quyền bật Content ID cho bản ghi âm, ghi hình mà mình được giao quyền sử dụng và đăng ký bản quyền.

BH Media đáp ứng đủ tiêu chuẩn của hệ thống Content ID trên YouTube vì đơn vị này được giao quyền quản lý và đăng ký bản quyền bản ghi âm, ghi hình từ Hồ Gươm Audio.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ cách vận hành của Content ID trên YouTube sẽ không minh chứng, bảo vệ được quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả của cùng một tác phẩm nên xảy ra những sự việc đánh “bản quyền” gây tranh cãi giữa các chủ thể quyền.

“Ở đây, chúng ta cần phải phân định rõ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Với những bản gốc tác phẩm chẳng hạn Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác hay Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son, họ có quyền tác giả (hay còn gọi là tác quyền, bản quyền). Còn bản quyền bản ghi tác phẩm được coi là quyền liên quan đến quyền tác giả”, Luật sư Hùng phân tích.

Sự khác nhau của hai loại quyền này là quyền tác giả bảo hộ tác phẩm của tác giả sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền được trao cho một, một vài nhóm người vì vai trò quan trọng của họ đối với việc truyền bá và phổ biến một số loại hình tác phẩm đến với công chúng.

Tác giả có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản (được quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019). Quyền liên quan đến quyền tác giả, cụ thể ở đây là quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền (i) sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hành của mình; (ii) nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Đồng thời, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.

Từ tính chất đó, có thể thấy rất khó có trường hợp chủ sở hữu bản ghi khiếu nại bản quyền những bản gốc, chẳng hạn Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao hay Giấc mơ trưa do chính nhạc sĩ Giáng Son thực hiện.

Các nhạc sĩ (tác giả) có quyền được biểu diễn tác phẩm của họ hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật khác (quyền tài sản). Trừ trường hợp các tác giả xâm phạm đến một trong các quyền (i) sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hành của nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình hoặc (ii) nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình thì chủ sở hữu bản ghi có quyền khiếu nại bản quyền đối với bản ghi âm, ghi hình do mình tạo ra.

Đọc thêm