[links()] Mấy ngày qua, dư luận ở Cần Thơ và cả nước xôn xao về chuyện cô dâu Nguyễn Đặng Xuân Thùy (SN 1993) bị nhà chồng từ chối. Bỏ qua những tình tiết “râu ria” của câu chuyện như gia đình chồng nghi cô dâu là diễn viên trong một clip sex, cô dâu không còn trinh tiết, thì dưới góc độ pháp luật, có một số vấn đề đáng bàn.
Độ tuổi kết hôn theo luật định - đã đến lúc cần cân nhắc lại ? |
Nhìn luật từ thực tế
Theo trình bày của cô dâu Xuân Thùy thì do cha mẹ hai bên quen biết nhau từ lâu nên đến năm 16 tuổi, gia đình cô đã đồng ý gả cô cho anh Nguyễn Phúc Duy. Cuối năm 2009, hai bên tổ chức đám hỏi, ngày 14/3/2011 thì tổ chức đám cưới với sự chứng kiến của đông đủ bà con hai họ, bạn bè gần xa. Cô dâu và chú rể về sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn vì khi ấy Thùy chưa đến 18 tuổi.
Khi rõ chuyện, dư luận đặt câu hỏi: Tổ chức đám cưới và chung sống với nhau ở độ tuổi như vậy, cô dâu Thùy và chú rể Duy có vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) hay không, nhất là chú rể Duy? Quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đức - Văn phòng luật sư Vạn Lý, Cần Thơ cho rằng: “Việc hai gia đình tổ chức đám cưới là không vi phạm pháp luật vì luật chỉ quy định độ tuổi kết hôn chứ không điều chỉnh tuổi tổ chức tiệc cưới”.
Cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm của vị luật sư trên, nhưng nhìn chung sự không nhất quán này đều có xuất pháp điểm ở những vướng mắc trong độ tuổi kết hôn của pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành.
Năm 2011, Trường ĐH Luật Hà Nội đã có một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Nghiên cứu phát hiện những bất cập của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000”. Đề tài không những là những tư duy đúc rút quan trọng của các giáo viên bộ môn luật này trong suốt quá trình giảng dạy mà còn là tài liệu đáng giá cho việc sửa đổi, bổ sung đạo luật sẽ được tiến hành trong thời gian tới.
Trong chuyên đề về chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ năm 2000, Thạc sỹ Bùi Thị Mừng - giảng viên Khoa Pháp luật Dân sự đã đề cập tới rất nhiều vấn đề như điều kiện kết hôn theo luật như tuổi kết hôn, sự tự nguyện khi kết hôn,các trường hợp luật cấm kết hôn, đăng ký kết hôn... Trong đó về tuổi kết hôn, Thạc sỹ Bùi Thị Mừng phân tích điều luật hiện hành đang chứa đựng nhiều vấn đề bất cập.
“Từ” và “đã bước sang” - nguyên nhân phát sinh hệ lụy?
Như chúng ta đã biết, theo Luật HN&GĐ năm 2000, độ tuổi kết hôn theo quy định đối với nam là từ 20 tuổi trở lên, đối với nữ là từ 18 tuổi trở lên. Điều này cũng đồng nghĩ với việc không bắt buộc nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Vì vậy, theo văn bản hướng dẫn thực hiện luật thì nam đã bước sang tuổi 20, nữ đã bước sang tuổi 18 mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn.
Theo Thạc sỹ Bùi Thị Mừng để tạo sự đồng bộ với quy định về pháp luật dân sự và tố tụng dân sự, cũng như ngăn chặn sự vận dụng tùy tiện pháp luật về điều kiện kết hôn Điều 9 Khoản 1 Luật HN&GĐ hiện hành về điều kiện tuổi kết hôn cần được xây dựng theo hướng: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” |
Trong mối liên hệ với quy định của pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự, dễ dàng nhận thấy điểm bất cập liên quan đến quy định của pháp luật về tuổi kết hôn theo pháp luật hiện hành. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là người đủ 18 tuổi thì độ tuổi kết hôn tối thiểu theo pháp luật hiện hành đối với người nữ lại không phải là đủ 18 tuổi.
Không những tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc người nữ không phải là đủ 18 tuổi đã được kết hôn sẽ dẫn đến những hệ lụy về việc tự nguyện kết hôn (liệu một người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ vẫn thực hiện việc bày tỏ ý chí đối với việc xác lập quan hệ hôn nhân có là chuẩn xác?); hệ lụy về việc ly hôn (trong trường hợp ly hôn sau kết hôn vài tháng, tuổi vẫn chưa đủ 18 thì có thể thực hiện quyền yêu cầu ly hôn không vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự họ chưa có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự).
Theo quan điểm của Thạc sỹ Bùi Thị Mừng cũng như nhiều giảng viên bộ môn pháp luật hôn nhân gia đình khác thì sự tùy tiện trong việc thực thi pháp luật về tuổi kết hôn phát sinh chính từ quy định tính tuổi theo khái niệm “từ đủ” và “đã bước sang” này.
Thực tiễn cho thấy sở dĩ trước đây các nhà làm luật vận dụng cách tính tuổi này là vì lý do có rất nhiều bậc cha mẹ chỉ nhớ về năm sinh chứ không nhớ chi tiết về ngày sinh tháng đẻ của con mình. Do vậy, quy định thế sẽ tạo ra một sự vận dụng linh hoạt đối với quy định về điều kiện tuổi kết hôn.
Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi nhận thức đã thay đổi và công việc về hộ tịch đã được làm chặt chẽ ở cấp cơ sở, thì tình trạng này còn rất ít. Chính vì vậy, theo các nhà làm luật cần sớm chấm dứt hiện trang xem xét tuổi kết hôn như hiện nay để đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học đối với các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn.
Quay lại với câu chuyện cô dâu Xuân Thùy, chú rể Phúc Duy ở Cần Thơ, theo quan điểm của một số luật sư thì cả cô dâu và chú rể đã làm trái Luật HN&GĐ khi chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, trường hợp này nếu có yêu cầu thì tòa án giải quyết không công nhận vợ chồng. Thực tiễn thi hành pháp luật HN&GĐ cho thấy, tảo hôn đang là vấn đề tương đối nóng hiện nay. Theo luật, tảo hôn được hiểu là việc lấy vợ lấy chồng khi một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật. Thế nhưng hiện nay, “cây gậy pháp luật” mới chỉ tập trung vào trường hợp kết hôn trước tuổi luật định, thông qua việc tòa án tuyên hủy quan hệ hôn nhân trái luật, mà vẫn bỏ qua hay can thiệp không thỏa đáng trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước tuổi luật định và không đăng ký kết hôn, mà trường hợp ở Cần Thơ là một ví dụ. |
Hạnh Quyên