[links()] Không chỉ liên đới tới việc đưa một lao động nữ đi giúp việc nhà rồi “mấc tích” bí ẩn tại Ả rập- Xê út, tại công ty Vạn Xuân – Chi nhánh Hà Nội đang diễn ra những sai phạm nghiêm trọng khác trong hoạt động XKLĐ. Điều tra của PLVN cho thấy có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý nhà nước đối với Vivaxan và cũng bởi sự lỏng lẻo này mà xảy ra tình trạng lao động xuất cảnh nhưng cơ quan quản lý không biết, mất tích không ai hay…
Ngang nhiên “lách luật”
Trở lại hành trình “mất tích” của lao động Nguyễn Thị Toại, phóng viên PLVN phát hiện nhiều điểm nghi vấn trong hoạt động XKLĐ bất thường tại công ty Vivaxan.
Sự bất thường này càng được khẳng định khi chúng tôi tiếp nhận liên tiếp thông tin của người lao động tại Hà Tĩnh cho biết công ty Vivaxan đang tuyển dụng rầm rộ lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình visa E7.
Anh Đặng N… ở Kỳ Anh- Hà Tĩnh cho biết anh đã đăng ký đi Hàn Quốc qua công ty Vivaxan Chi nhánh Hà Nội theo chương trình thợ hàn 4G với chi phí 12.000 USD. Ngay sau khi đăng ký, người lao động nộp tiền đặt cọc cho Vivaxan 1000 USD. Nhân viên tư vấn của Vivaxan cho lao động biết họ sẽ được hưởng lương cơ bản khoảng 1200 USD/tháng.
Để người lao động tin tưởng vào chương trình tuyển dụng này, nhân viên tư vấn đã đưa cho lao động xem visa, hợp đồng mẫu và hình ảnh của lao động Vivaxan đã xuất cảnh và đang làm việc tại Hàn Quốc.
Phóng viên PLVN đã vào trang web chính thức của công ty Vivaxan là :Linhmanpower.com- thì thấy những phản ảnh của lao động là hoàn toàn chính xác.
|
Trang web của Cty Vivaxan... |
Trên trang web này ngày 27/9/2011 đăng tải hình ảnh và thông tin bà Trần Khánh Ninh- Giám đốc chi nhánh Vivaxan Hà Nội trực tiếp đưa đoàn lao động thợ hàn 4G sang làm việc tại Hàn Quốc. Ông Chae- Chủ tịch Hiệp hội đóng tàu tại Hàn Quốc đã tiếp bà Ninh. Trang web này còn “trưng” ảnh bà Ninh chụp với nhiều quan chức Hàn Quốc, Ả rập- Xê út và trưởng Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc.
Căn cứ thông tin trên trang web này cùng với phản ảnh của người lao động thì thời gian qua chi nhánh Hà Nội công ty Viavaxan đã đưa hàng chục lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Thế nhưng, trao đổi với phóng viên PLVN, ông Tống Hải Nam- trưởng phòng Thị trường lao động- Cục QLLĐNN cho hay Cục này chưa từng cho phép Vivaxan đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
“Cục mới chỉ cho phép Vivaxan được tuyển tạo nguồn ( không thu phí) đơn hàng lao động đầu bếp đi làm việc tại Hàn Quốc theo đề nghị làm thí điểm ( số lượng hạn chế chỉ vài người) của Vivaxan”, ông Tống Hải Nam khẳng định.
Mới chỉ cho phép tuyển tạo nguồn, không thu phí song thực tế Vivaxan đã tổ chức cho chủ sử dụng về tuyển lao động và thu phí đào tạo.
Trong buổi làm việc với phóng viên PLVN ngày 14/1/2012, bà Trần Khánh Ninh thừa nhận việc tuyển dụng lao động cho đơn hàng đầu bếp và thợ hàn 4G đi làm việc tại Hàn Quốc song không xác nhận con số cụ thể đã đưa được bao nhiêu lao động sang Hàn Quốc làm việc.
Bà Ninh cho rằng việc thu tiền là không sai bởi “đây là lao động tay nghề , làm visa E7 cực kỳ khó, lao động tuyển về chưa đạt yêu cầu tay nghề nên công ty phải thu phí để chuyển sang các cơ sở đào tạo thêm chứng chỉ quốc tế”. Bà Ninh cũng cho biết mức tiền thu tùy lao động, nếu chưa có tay nghề thì khác có tay nghề thì khác.
Ai đã “vẽ đường” cho “hươu chạy”?
Điểu tra của phóng viên PLVN cho thấy, từ tháng 11/2011 Công ty Vivaxan đã tuyển 100 lao động đi lao động tại Hàn Quốc và khẳng định số lao động này sẽ đi theo chương trình thợ hàn 4G – visa E7. Ông Úy- giám đốc công ty Vivaxan từng có công văn đề nghị Cục cho phép thực hiện hợp đồng song Cục QLLĐNN đã không cho phép bởi đơn hàng này thiếu tính pháp lý. Mặt khác, phí môi giới của chương trình này quá cao, tới 8000 USD.
|
|
Thông báo tuyển lao động đi Hàn Quốc của Vivaxan do bà Trần Khánh Ninh ký. |
Không được chấp thuận cho thực hiện đơn hàng song Vivaxan vẫn cho lao động xuất cảnh. Việc xuất cảnh này hoàn toàn không được báo cáo cơ quan chức năng và hợp đồng như nói ở trên chưa được thẩm định là sai phạm nghiêm trọng.
Thế nhưng lý giải cho sai phạm này bà Ninh điềm nhiên cho rằng chính Cục QLLĐNN cũng không hiểu về chương trình visa E7 nên đòi hỏi những loại giấy tờ không khớp với phía Hàn Quốc.
Bà Ninh cũng cho biết Cục QLLĐNN không cho phép thì công ty tư vấn cho lao động làm thủ tục đi theo diện… hợp đồng cá nhân.
Phải chăng cũng cách làm này, bà Ninh đã đưa lao động Nguyễn Thị Toại đi Ả rập- Xê út để sau đó chị Toại đã mất tích một cách bí ẩn?
Công ty Vivaxan được cấp giấy phép hoạt động XKLĐ số 173/LĐTBXH- GP ngày 4/12/2008. Giám đốc là ông Lê Quang Úy, trụ sở tại TP Hà Tĩnh song hầu như không lao động nào biết tới địa chỉ này mà chỉ biết tới địa chỉ 176 Mai Dịch là Chi nhánh Hà Nội của Vivaxan do bà Trần Khánh Ninh làm giám đốc.
Vai trò quyết định của bà Ninh tại Vivaxan cho thấy có những dấu hiệu của việc công ty Vivaxan “khoán trắng” cho chi nhánh Hà Nội. Trong các thông báo tuyển dụng lao động của Chi nhánh Hà Nội cũng ghi rõ: Vivaxan chi nhánh Hà Nội là doanh nghiệp XKLĐ thực hiện giấy phép số 173 và người ký tên trong các thông báo tuyển chính là bà Ninh. Mặc dù chỉ là giám đốc Chi nhánh song bà Ninh sử dụng con dấu tròn của công ty và ký tên trước khi đóng các con dấu này.
Không chỉ ngang nhiên tuyển dụng và đưa lao động đi Hàn Quốc, bà Ninh còn ký nhiều thông báo tuyển dụng lao động đi các thị trường mà Bộ LĐTBXH từ lâu đã công bố không cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng như thị trường Mỹ và Canada.
Ở thời điểm mà hai thị trường này không hề có dấu hiệu tiếp nhận lao động thì bà Ninh vẫn ra thông báo tuyển lao động với phí xuất cảnh 12.000- 13.000 USD/lao động.
Điều đáng ngạc nhiên là những hoạt động tuyển dụng lao động trái nguyên tắc của Vivaxan chi nhánh Hà Nội diễn ra rầm rộ trong suốt nhiều năm qua thế nhưng đơn vị quản lý về XKLĐ là Cục QLLĐNN dường như không hề hay biết.
Phải chăng chính từ “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này nên Vivaxan Chi nhánh Hà Nội đã được “vẽ đường” để “hươu chạy” và“lách luật” một cách ngoạn mục trong cả hai “thương vụ” mà PLVN thông tin: lao động mất tích và một số lượng không nhỏ lao động được đưa đi Hàn Quốc mà không thẩm định hợp đồng theo quy định của pháp luật?
Để có câu trả lời rõ ràng với công luận, đã đến lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc thanh kiểm tra hoạt động của Vivaxan.
Anh Phương