Từ vụ mẹ dìm chết con trai 9 tháng tuổi: Trầm cảm sau sinh nguy hiểm như thế nào?

(PLVN) - Những ngày qua, dư luận bàng hoàng trước cái chết đau lòng của một bé trai 9 tháng tuổi khi hung thủ lại chính là mẹ ruột của bé. Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định, người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên khi thấy con quấy khóc đã mang vào nhà tắm dìm trong xô nước rồi bỏ mặc đến chết.
Ngôi nhà nơi người mẹ dìm chết con trai 9 tháng tuổi ở Lâm Đồng.
Ngôi nhà nơi người mẹ dìm chết con trai 9 tháng tuổi ở Lâm Đồng.

Thêm một vụ mẹ trẻ dìm chết con nhỏ 

Theo điều tra ban đầu, sáng 18/11, do bực tức con trai khóc không chịu ngủ nên chị L.H.T. (SN 1996, ngụ phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã bế con trai L.T.Đ (9 tháng tuổi) vào nhà tắm dìm trong xô nước rồi bỏ đi vào nhà. Đến lúc không còn nghe cháu Đ. khóc, chị T. nói với em trai mình cùng ra xem thì phát hiện cháu bé đã tử vong.

Nhận được tin báo, Công an TP Bảo Lộc đã có mặt bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, phối hợp lực lượng pháp y khám nghiệm tử thi phục vụ công tác điều tra và làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu bé.

Được biết, vợ chồng chị T. có 2 người con, cháu Đ. là con thứ hai. Chồng chị T. đang đi làm ăn xa nên người mẹ này ở nhà nuôi 2 con nhỏ và sống cùng với em trai ruột. Bản thân chị T. bị bệnh trầm cảm hơn 2 năm nay và thường xuyên phải điều trị ở TP HCM. Ngày 17/11, chị T. vừa điều trị bệnh trầm cảm từ TP HCM về thì xảy ra sự việc đau lòng này.

Việc mẹ sát hại con ruột bởi mắc bệnh trầm cảm sau sinh không hề đơn lẻ. Dư luận từng rúng động việc một người mẹ ở Hà Nội sát hại con ruột, sau đó còn viết dòng chữ lên bậc thang.

Theo đó, rạng sáng 13/6/2017, cháu V.V.A. (35 ngày tuổi, ngụ xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) khóc được mẹ cho bú và tiếp tục ngủ. Tuy nhiên, sau đó chị P.T.Tr. (SN 1998, mẹ ruột cháu bé) tỉnh dậy và bế con ra gần cầu thang lối lên tầng 2 của gia đình. Thấy có chậu nước hàng ngày tắm cho con đầy nước, chị liền thả cháu vào chậu trong tư thế sấp mặt.

Trong lúc đi lên tầng 2 thấy cục than hoa, chị Tr. liền viết dòng chữ “Tao sẽ giết cháu mày” rồi lên giường đi ngủ. Sau đó, người nhà phát hiện cháu A. tử vong trong chậu nước. Nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này sau đó được xác định là do chị Tr. mắc bệnh trầm cảm nặng nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.

Dòng chữ oan nghiệt chị Tr. đã viết khi giết con trong căn bệnh trầm cảm.
Dòng chữ oan nghiệt chị Tr. đã viết khi giết con trong căn bệnh trầm cảm.  

Theo các luật sư, người mẹ gây ra cái chết cho con ở Lâm Đồng có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung “Giết người dưới 16 tuổi”.

Tuy nhiên, để khởi tố người mẹ, cơ quan điều tra phải làm rõ động cơ, mục đích và trạng thái tâm lý lúc người mẹ này ra tay sát hại con mình. Nếu xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho con do mâu thuẫn gia đình và do bị ảnh hưởng về bệnh trầm cảm sau sinh thì cần thiết phải giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”. Khi đó, người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để thực hiện công tác phòng ngừa chung cho xã hội.

Còn nếu người mẹ chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi xét xử, tòa sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình.

Việc điều trị gặp nhiều thách thức, khó khăn

Kết quả nghiên cứu nằm trong nghiên cứu “Trầm cảm ở phụ nữ tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội” được triển khai từ năm 2014 - 2017 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam có dấu hiệu trầm cảm sau sinh là 8,2%.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, trầm cảm sau sinh tại Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đương với các nước trong khu vực và các nghiên cứu khác. Một số yếu tố liên quan chặt chẽ với trầm cảm bao gồm bạo lực do chồng, tiền sử thai lưu, lo âu trong mang thai và hỗ trợ gia đình…

Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.

Trẻ sơ sinh có bà mẹ bị trầm cảm có sự tăng trưởng kém hơn so với trẻ sơ sinh của các bà mẹ không bị trầm cảm. Về chiều cao, trẻ em của nhóm bà mẹ trầm cảm có nguy cơ thấp hơn gấp 3 lần ở tháng thứ 3 và tháng thứ 6 so với nhóm phụ nữ không bị trầm cảm. Bà mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm, do đó mà trẻ dễ bị mắc các bệnh tiêu chảy, truyền nhiễm khác nhau cao hơn.

Đặc biệt, trầm cảm sau sinh còn ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ - trẻ sơ sinh, nó tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ.

Những phát hiện của nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải sàng lọc trầm cảm và các yếu tố nguy cơ trong khi mang thai và sau sinh tại các cơ sở y tế để cải thiện sức khỏe bà mẹ và thai nhi cũng như tránh được các hậu quả đáng tiếc.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm sau sinh ở phụ nữ là khá phổ biến với tỷ lệ là 13,0%. Trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị, có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tâm thần nặng và ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và tính cách của trẻ trong tương lai.

Bà mẹ bị trầm cảm biểu hiện những cảm xúc tiêu cực hơn như: buồn phiền, lo âu, căng thẳng, dễ cáu gắt. Nghiêm trọng hơn, người mẹ có thể xuất hiện ý định tự tử, tự hủy hoại bản thân và con của họ.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, việc điều trị trầm cảm gặp rất nhiều thách thức và khó khăn. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm. 

Nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm còn kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng khác của cơ thể nên thường đến khám tại các chuyên khoa trước khi khám đến được chuyên khoa tâm thần. Khi đó bệnh đã nặng và điều trị không hiệu quả. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân trầm cảm chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. 

Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị.

Trong thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ tái diễn sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%. Một số thuốc chống trầm cảm đạt được mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhưng khi đó bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khác.

“Liều thuốc điều trị chống trầm cảm lý tưởng đó là việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh, từ phía cộng đồng”, TS Phương khuyên.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, người có thần kinh nhạy cảm thường rất dễ mắc bệnh trầm cảm. Có thể nói, căn bệnh trầm cảm hiện nay cực kỳ phổ biến trong xã hội và có rất nhiều dạng trầm cảm như: trầm cảm sau sinh, trầm cảm tiền mãn kinh…

“Bệnh trầm cảm liên quan chặt chẽ đến môi trường sống và làm việc, rất dễ dẫn đến tổn thương tâm lý nặng nề ở những người có thần kinh nhạy cảm. Người thân trong gia đình có người bệnh trầm cảm rất cần chú ý đến các biểu hiện bệnh để phối hợp đề phòng nguy cơ xảy đến những tai nạn bất ngờ, gây hậu quả nặng nề không mong muốn”, bác sĩ Khánh nói.

Đọc thêm