16 bị can bị truy tố
Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã ban hành cáo trạng truy tố đối với 16 bị can trong đường dây làm, lưu hành tiền giả quy mô lớn vừa được cơ quan điều tra triệt phá.
Theo đó, các bị can: Nguyễn Đức Huy bị truy tố về tội “Làm và lưu hành tiền giả”, Nguyễn Hữu Linh (31 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Tàng trữ tiền giả” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Các bị can: Nguyễn Trọng Nhân (28 tuổi), Nguyễn Võ Nguyên Thủy (39 tuổi), Lê Văn Tấn (23 tuổi), Mạch Xuân Thái (30 tuổi), Phạm Thị Diễm Nhi (24 tuổi), Nguyễn Thanh Hải (29 tuổi) và Nguyễn Ngọc Quang Đăng (25 tuổi, cùng ngụ TP HCM), Phạm Hữu Chí (20 tuổi), Ngô Nguyễn Trung Hiếu (21 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Thị Duyên Hải (18 tuổi), Nguyễn Thành Lộc (26 tuổi, cùng ngụ tỉnh Lâm Đồng), Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), Nguyễn Quốc Sơn Triều (30 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Văn Tuấn (28 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) cùng bị truy tố về tội “Lưu hành tiền giả”.
Cuối tháng 12/2018, Công an huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) nhận tin báo của người dân về việc một thanh niên dùng 1 triệu đồng tiền giả với 2 tờ mệnh giá 500.000 đồng để mua hàng đặt qua mạng. Qua xác minh, lực lượng công an xác định đối tượng Hiếu là người đã dùng tiền giả để mua hàng nên tiến hành bắt giữ. Sau khi bị bắt, Hiếu khai được Chí đưa 3 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, sau đó dùng 2 tờ để mua hàng thì bị phát hiện.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Đắk Nông sau đó đã bắt Chí. Mở rộng điều tra, lực lượng công an bắt thêm Đăng là đối tượng thường chở đối tượng Chí đi mua tiền giả.
Qua đấu tranh, Chí khai nhận, từ cuối năm 2018, Chí cùng Đăng và Thái có khoảng 40 lần đi mua tiền giả của Huy với tổng khoảng 540 triệu đồng tiền giả, rồi bán lại cho nhiều đối tượng khác để hưởng chênh lệch và tiêu xài.
Quá trình điều tra, lực lượng công an xác định Huy là đối tượng chính của vụ án. Đối tượng này là người đã mua máy móc, dụng cụ trực tiếp làm tiền giả, bán cho nhiều người ở nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, đối tượng này rất ranh ma, không xuất đầu lộ diện mỗi khi giao dịch. Tổ trinh sát được giao nhiệm vụ bắt Huy đã phải nhập vai nhiều thành phần xã hội để điều nghiên, thông thuộc địa bàn.
Đến ngày 24/4/2019, Huy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ. Quá trình khám xét chỗ ở của Huy, cơ quan công an thu được 39 triệu đồng gồm 78 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng chưa hoàn thiện và nhiều dụng cụ máy móc dùng để làm tiền giả. Từ lời khai của Huy cùng nhiều tài liệu chứng cứ khác, cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ các đối tượng còn lại.
|
Đối tượng Nguyễn Đức Huy tại cơ quan điều tra. |
Theo cáo trạng, Huy từng có 2 tiền án về tội “Cướp tài sản”. Vào đầu tháng 7/2018, Huy truy cập vào mạng internet để xem cách làm tiền giả. Sau đó, Huy mua các máy móc, vật dụng khác về để làm tiền giả. Để tránh bị phát hiện, Huy không tự mình dùng tiền giả để mua hàng mà bán cho người khác để lấy tiền thật sử dụng.
Từ giữa tháng 7/2018 đến ngày 24/4/2019, Huy đã làm được gần 2 tỷ đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và 50.000 đồng. Với số tiền giả này, Huy đã bán được khoảng 1,8 tỷ đồng và thu về 568 triệu đồng tiền thật. Với số tiền thật thu lại được khi bán tiền giả, Huy đã sử dụng để mua 3 chiếc xe gắn máy và tiêu xài cá nhân.
Đối với bị can Linh, sau khi trao đổi, lấy 30,5 triệu đồng tiền giả của Huy, Linh đi mua một gói ma túy để sử dụng. Ngày 11/3/2019, Công an huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) phát hiện trong người Linh có số ma túy nói trên nên đã tiến hành lập biên bản, bắt người phạm tội quả tang.
Phương thức giao dịch tinh vi
Các đối tượng khai nhận, phương thức thủ đoạn giao dịch tiền giả như buôn bán ma túy. Theo đó, khi có đối tượng hỏi mua tiền giả, Huy yêu cầu người mua chuyển tiền thật vào tài khoản, sau đó đem tiền giả bỏ vào bịch xốp đen, mang ra để tại các điểm người dân bỏ rác, dưới cây cột điện trong các con hẻm rồi đứng từ xa quan sát, chờ các đối tượng lấy bịch tiền giả xong mới bỏ đi. Sau đó, 2 bên nhắn tin thông báo cho nhau, dùng tên giả để liên lạc.
“Phương thức thủ đoạn của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, chúng mở các tài khoản ngân hàng và các tài khoản momo để giao dịch. Khi được các đối tượng đặt hàng, mua tiền giả, đối tượng làm tiền giả nhận được tiền thì mới tiến hành làm theo số lượng đặt hàng”, một lãnh đạo Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cho biết.
Theo cơ quan chức năng, đối tượng Huy làm tiền giả bằng cách vừa dùng máy móc vừa thủ công như: máy in, máy ép, dao cắt... dùng tiền thật scan ra sau đó in màu. Những đồng tiền giả mà Huy làm ra bằng mắt thường cũng có thể nhận biết bởi nó nhòe, đường nét mờ nhạt, không thể tinh xảo bằng đồng tiền thật.
Cách phân biệt tiền thật – tiền giả
Để tránh rủi ro do nhận phải tiền giả, cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của đồng tiền và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch. Dưới đây là một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền thật, tiền giả (dẫn lại từ trang web của Ngân hàng Nhà nước https://www.sbv.gov.vn/):
- Kiểm tra chất liệu polymer in tiền:
Đồng tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Vì vậy, bạn có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách) sẽ khó rách, khó bai giãn.
Tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.
- Soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị:
+ Hình bóng chìm (bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền): nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. Đối với mệnh giá từ 20.000đ đến 500.000đ là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; mệnh giá 10.000đ là hình ảnh chùa Một Cột.
+ Hình định vị (10.000đ, 20.000đ: phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền; 50.000đ-500.000đ: phía trên bên phải mặt trước hoặc phía trên bên trái mặt sau tờ tiền): nhìn thấy hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau.
Ở tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
- Vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi:
Tại các vị trí có yếu tố in nổi, sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in, như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.
Ở tiền giả, chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.
- Chao nghiêng tờ tiền, kiểm tra mực đổi màu (OVI), dải iriodin:
+ Mực đổi màu chỉ có ở 3 mệnh giá 500.000đ, 200.000đ và 100.000đ (500.000đ, 200.000đ: phía dưới, bên trái; 100.000đ: phía trên bên phải mặt trước tờ tiền). Khi chao nghiêng tờ tiền và quan sát, bạn sẽ thấy mực đổi màu chuyển từ màu vàng sang màu xanh lá cây hoặc ngược lại.
+ Dải iriodin chỉ có ở các mệnh giá 500.000đ, 200.00đ, 100.000đ, 20.000đ và 10.000đ, là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền và đặt tại mặt sau tờ tiền; riêng mệnh giá 100.000đ đặt tại mặt trước tờ tiền. Khi chao nghiêng tờ tiền, bạn sẽ thấy dải iriodin lấp lánh ánh kim, trên dải có số mệnh giá hoặc hoa văn.
Ở tiền giả, có làm giả yếu tố mực đổi màu (OVI) nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có dải iriodin hoặc có in giả nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.
- Kiểm tra yếu tố hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ:
Cửa sổ nhỏ chỉ có ở 4 mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ và 50.000đ, là chi tiết nền nhựa trong suốt và đặt tại phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền. Khi đưa cửa sổ nhỏ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng phù hợp (có thể là ngọn lửa, bóng đèn sợi đốt, đèn đường, đèn flash điện thoại) sẽ nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng. Lưu ý đối với những tờ tiền cũ, cửa sổ nhỏ thường có nhiều vết xước nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hình ảnh.
Ở tiền giả, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.
“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”