Từ vụ việc Thơ Nguyễn, có nên cấm trẻ lên mạng?

(PLVN) - Phụ huynh đã bày tỏ sự tức giận với clip Kumanthong của Thơ Nguyễn. Nhiều clip dành cho trẻ em có nội dung phản cảm, lệch lạc cũng được đem ra mổ xẻ. Từ đó, không ít phụ huynh bày tỏ ý kiến, cần tuyệt đối ngăn cấm con sử dụng mạng xã hội...
Hình ảnh trong clip Thơ Nguyễn dùng Kumanthong để hướng dẫn các em nhỏ “xin vía” học giỏi.
Hình ảnh trong clip Thơ Nguyễn dùng Kumanthong để hướng dẫn các em nhỏ “xin vía” học giỏi.

Mới đây, Youtuber Thơ Nguyễn đăng tải một video trên TikTok với nội dung “xin vía học giỏi” từ búp bê Kumanthong. Trong video, Thơ Nguyễn đặt cho búp bê Kumanthong cái tên “Mập” và tự xưng là mẹ búp bê. Thơ Nguyễn dùng búp bê Kumanthong để giúp các em cầu xin được học hành giỏi giang. “Xin vía học giỏi là điều gì đó không sai trái nên chị sẽ xin giúp các em” -  Thơ Nguyễn chia sẻ trong video. 

Nội dung trên đã nhận phản ứng mạnh từ cộng đồng mạng vì lo lắng ảnh hưởng xấu đến trẻ nhỏ. Trước sự nguy hại khó lường, nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến nên cấm con sử dụng mạng xã hội. 

Lo ngại “đầu độc” trẻ em

Trong clip trên, hàng loạt hành vi đầy tính chất “ma mị” như đung đưa dây chuyền trước mặt búp bê, cho búp bê uống nước ngọt để “lấy lòng”… Trong quan niệm của nhiều người, búp bê Kumanthong là một loại bùa chú xuất phát từ Thái Lan, là loại búp bê chứa linh hồn trẻ em, thường được người “nuôi” nhằm cầu được ước thấy.

Việc Thơ Nguyễn đưa loại bùa chú có nguồn gốc khá đáng sợ này tương tác với thiếu nhi đã khiến các bậc phụ huynh bức xúc. Rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự phẫn nộ vì lo con mình bị tuyên truyền mê tín dị đoan, có quan niệm lệch lạc từ những clip như thế này.

Trước đó, Thơ Nguyễn cũng là kênh Youtube thiếu nhi bị khá nhiều phụ huynh phản ứng. Trong các clip của mình, tuy đối tượng tương tác là các em, nhưng Thơ Nguyễn thường có những nội dung thiếu chuẩn mực, như những hành vi phản cảm trong bồn tắm, những trò thí nghiệm có khả năng gây nguy hiểm nếu các em nhỏ bắt chước…

Đáng nói, kênh Youtube của Thơ Nguyễn rất được các em nhỏ ưa chuộng, bản thân nhân vật Thơ Nguyễn là “thần tượng” của rất nhiều em thiếu nhi.

Kênh Youtube của Thơ Nguyễn đã có gần 6 tỷ lượt xem, trung bình 1,2 triệu lượt xem mỗi ngày. Ngoài ra, Thơ Nguyễn còn có một kênh TikTok với hơn 945.000 lượt người đăng ký, 5,8 triệu lượt thích video. Thông tin từ các công ty quảng cáo cho thấy, mức thu nhập từ quảng cáo trên kênh Youtube Thơ Nguyễn có thể lên đến hàng chục tỉ đồng.

Thơ Nguyễn là một trong những kênh thiếu nhi Việt Nam xuất hiện sớm nhất và cũng thành công nhất trên Youtube. Sau thành công của Thơ Nguyễn, có hàng loạt kênh Youtube dành cho thiếu nhi trong nước ra đời.

Có thể kể đến TOY PLANET - Hành tinh đồ chơi, CreativeKids, Min Min TV, Bibi TV… Có những kênh làm clip khá nghiêm túc, bài bản, nhưng cũng xuất hiện không ít clip có thể gây tác động không tốt đến nhận thức của trẻ, như các clip ăn phấn lau bảng, ăn đất sét, cố ý nói ngọng lẫn lộn “l”, “n”…

Thời gian qua, cũng đã có không ít sự cố xảy ra khi trẻ học theo những clip trên mạng xã hội, như có em tham gia thử thách thắt cổ, rạch cổ tay, dùng tay đập vỡ cửa kính…, khiến các bậc phụ huynh lo ngại.

Không nên cấm, nhưng cần kiểm soát

Trên một diễn đàn về nuôi dạy con, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự tức giận với clip Kumanthong của Thơ Nguyễn. Đồng thời, nhiều clip dành cho trẻ em có nội dung phản cảm, lệch lạc cũng được đem ra mổ xẻ. Từ đó, không ít phụ huynh bày tỏ ý kiến, muốn hạn chế những tác động độc hại từ mạng xã hội đối với trẻ thì cần tuyệt đối ngăn cấm con sử dụng mạng xã hội. 

“Quá nhiều “rác” trên mạng xã hội có thể đầu độc tâm hồn con trẻ. Theo tôi, nên triệt để cấm con sử dụng mạng xã hội, thay vào đó cho con tăng tương tác với thiên nhiên, đọc nhiều sách và học hỏi các kĩ năng thực tế”, chị Lê Kim Anh, giáo viên dạy tiểu học tại quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ. 

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng đồng tình với ý kiến này. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc cấm tuyệt đối trẻ dùng mạng xã hội là không khả thi, nên có những biện pháp khác hữu hiệu hơn. 

Chị Phùng Thị Như Huyên, 36 tuổi, sống ở Pleiku chia sẻ: “Theo tôi, trẻ em sống trong thời đại công nghệ số này cũng cần tiếp xúc với mạng xã hội để làm quen và học hỏi. Riêng tôi, thường kiểm soát kĩ lịch sử clip đã xem của con để kịp thời ngăn chặn clip có nội dung xấu. Đồng thời thường nghiên cứu những phương pháp học tập hiệu quả từ mạng xã hội để áp dụng cho con”.

Theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga, bên cạnh tác hại thì mạng xã hội cũng đem lại một số lợi ích cho con trẻ như việc học ngoại ngữ, học kiến thức, kĩ năng hay phối hợp với việc học tập trên lớp. Điều quan trọng là làm sao để hạn chế tác hại, phát huy lợi ích.

Phụ huynh cần dành thời gian để tìm hiểu các kênh cung cấp kiến thức, kĩ năng hay, phù hợp cho con. Quan trọng và cần đi sâu xem, tìm hiểu kĩ trước khi cho con theo dõi kênh. Đồng thời, có thể dùng các phần mềm ngăn chặn những clip xấu, tác dụng độc hại để trẻ không thể tiếp cận. 

“Nếu bạn để điện thoại cho con tùy nghi sử dụng vì chiều chuộng trẻ, hoặc nhằm giúp bản thân “rảnh tay”, thì mạng xã hội chính là quả bom nổ chậm mà bạn trao cho con. Còn nếu chịu khó cùng con chọ lọc, tìm tòi, học hỏi từ mạng xã hội, đó lại là một kênh hữu ích giúp trẻ phát triển tư duy và hoàn thiện bản thân” - bà Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh. 

Đọc thêm