Tục cải táng: Bỏ hay giữ? - Kỳ 4: Hài cốt tiền nhân chớ nên di đi, dịch lại!

(PLVN) - Theo nhiều chuyên gia, ở các đô thị lớn, tình trạng người sống ở gần người chết, có khi người sống ở cùng người chết đã và đang tồn tại như tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Việc lựa chọn hình thức nào, địa táng hay hỏa táng là việc đại sự, không còn là việc của mỗi gia đình.
Do quá trình đô thị hóa, nhiều khu mộ hiện nằm ngay sát khu dân cư
Do quá trình đô thị hóa, nhiều khu mộ hiện nằm ngay sát khu dân cư

Xung quanh câu chuyện cải táng, PV Câu chuyện Pháp luật đã trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu, chức sắc tu hành để có góc nhìn đa chiều xung quanh vấn đề này. Bên cạnh ý kiến cho rằng, người đã khuất nên được hỏa táng, thay vì chôn cất sau đó lại cải táng, nhiều người cho rằng, cách thức tổ chức tang ma cần phải được giữ nguyên bởi đó là phong tục, cũng là nét văn hóa của người Việt từ xưa đến nay.

Hỏa táng có từ thời Hùng Vương

Về thông tin hỏa táng là một hình thức mai táng có từ thời Hùng Vương, tại diễn đàn khoa học với chủ đề “Tập quán mai táng của người Việt Nam – Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”, do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức vào tháng cuối tháng 8/2019, PGS.TS Đinh Quang Hải (Viện Sử học) dẫn chứng: kết quả khai quận khảo cổ học năm 1962 cho thấy những chiếc thạp đồng, trống đồng được chôn ở độ sâu khoảng 2-3m trong lòng đất có chứa tro than bên trong và một số đồ trang sức như viên hạt chuỗi đá, vòng đồng, vòng đá, xương và răng người cháy dở, những mẩu củi cháy dở, trộn với sỉ đồng và những vụn đồng cháy… 

Khu vực gửi tro cốt ngắn hạn trong nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội)
 Khu vực gửi tro cốt ngắn hạn trong nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội)

Đồ tùy táng chôn theo có các loại như lưỡi rìu, lưỡi cày, những nồi vò bằng gốm, vũ khí… PGS.TS Đinh Quang Hải dẫn nghiên cứu của nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng trong dân tộc Việt (Kinh) thì thời gian xuất hiện sớm nhất của hỏa táng không quá niên đại du nhập của đạo Phật, tức khoảng đầu Công nguyên. Nhưng với người Việt cổ, mà cụ thể là người Thái, thì dấu vết của tục hỏa táng đã xuất hiện từ trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta. Nay, những tàn dư của tục hỏa táng có thể tìm thấy trong dân tộc Thái ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An và Lai Châu; và tục hỏa táng còn khá thịnh hành ở người Thái đen.

PGS.TS Đinh Quang Hải cũng dẫn thông tin từ tác giả Vũ Đức Thơm trong cuốn sách Vài suy nghĩ về mộ thời Trần ở Thái Bình xuất bản năm 1986 cho rằng hình thức mai táng phổ biến ở thời Trần là hỏa táng, bởi 8 trong số 9 ngôi mộ thời Trần được phát lộ ở Thái Bình tính tới thời điểm đó là mộ hỏa táng. Còn một chuyên gia về tập tục – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thì cho biết: thời Đông Sơn, người chết thường được chôn trong một cái thuyền và không có cải táng gì cả. Đến thời Lý, Trần thì hỏa táng rất nhiều. 

Nhà đựng tro cốt trong một nghĩa trang
 Nhà đựng tro cốt trong một nghĩa trang 

Cụ thể, trong cuốn “Tập tục đời người” (xuất bản 2017), phần về tập tục tang ma, nhà nghiên cứu này cho rằng: Tục cải táng của người Việt bắt đầu từ khi nào vẫn còn là một câu hỏi. Theo một nghiên cứu khảo cổ học của người Trung Quốc,  người ta cho rằng tục cải táng của người Việt có liên quan đến một tộc người cổ xưa là người Lý ở Quảng Tây, người Lý hiện nay đã biến mất, và được cho rằng có sự tiếp nối từ người Choang ở Quảng Tây, người Lê ở đảo Hải Nam và người Việt ở Việt Nam.

Cũng theo ông Thượng, chương trình này được phát trên truyền hình Trung Quốc, Trung Hoa tẩu biến, những năm 2012. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu này thì “đó là quan điểm của người Trung Hoa, để chúng ta tham khảo, chưa từng có kết luận nào là người Việt có nguồn gốc với người Lý ở Quảng Tây”. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết: Những thạp gốm thời Trần đựng tro cốt cho thấy tục hỏa táng từng thịnh hành ở giai đoạn Phật giáo là quốc đạo này.
Tục hỏa táng chỉ trở lại sau khi đất chật người đông và người ta khuyến khích hỏa táng như hiện nay. Trong suốt từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 tục cải táng chiếm vị trí chính trong tang lễ của người Việt. Nhưng tục hỏa táng vẫn có ở người Thái đen Tây Bắc như một truyền thống. Trong khi người Mường, anh em thân cận của người Việt, thì giữ phong tục chôn một lần chứ không cải táng. Bộ phận quý tộc thời phong kiến cũng giữ lối chôn một lần, đặc biệt với những lăng mộ của quan lại thời Hậu Lê.

Bất đắc dĩ mới phải cải táng

Quay trở lại với câu hỏi, cải táng bỏ hay giữ? Để rộng đường dư luận và có thêm tư liệu cho bạn đọc tham khảo, xin được dẫn ra ở đây nhận xét của học giả Phan Kế Bính từ trăm năm trước. Trong cuốn “Việt Nam phong tục” (đăng trên Đông dương tạp chí từ số 24 đến số 49, 1913-1914), đề cập đến tục cải táng, sau khi nêu những lý do của tục lệ này (như Câu chuyện Pháp luật đã dẫn trong các số báo trước), học giả Phan Kế Bính cho biết: Trước khi hung táng thì đắp hình vuông, đến lúc cải táng thì đắp hình tròn. Nhà phú quý thì xây lăng, nhà thường thì dựng mộ chí, đợi khi tuần tiết thì đến thăm viếng.

Tục cải táng có người theo, nhưng cũng nhiều người khi hung táng, sắm sửa quan quách kỹ càng, thì không cần cải táng nữa. Tục này bởi ta cái lý tưởng tổ tiên với con cháu, huyết mạch tương quan hệ với nhau. Hễ hài cốt tổ tiên có ấm cúng thì con cháu mới mát mặt, hài cốt không yên thì con cháu cũng không yên, cho nên mới có tục ấy. Nhiều người tin địa lý quá, mời thầy địa lý phụng dưỡng hai ba tháng trong nhà để đi tìm đất. Có nhà động thấy trong nhà không yên thì lại cải táng, có khi cải táng đến năm sáu lần.

Và vị học giả từ cả trăm năm trước đã đưa ra những nhận xét hết sức tân thời và tiến bộ như thế này: “Thiết tưởng hài cốt tiền nhân, nếu có lòng kính trọng thương xót, thì chớ nên di đi dịch lại làm gì. Trừ ra những khi vạn bất đắc dĩ thì phải cải đi mà thôi, chớ không nên vì công danh phú quý là việc hy vọng chưa trông thấy mà làm đến việc thương tâm thảm mục. Vả lại sự khai mả cũng có khi quan hệ đến việc vệ sinh thì lại là việc không nên lắm. Còn như gia đình hay dở thì tại người sống một khôn một dài khác nhau, chớ có phải do tại đất đâu. Nếu có tại đất cũng không dễ mà tìm được, chẳng qua nhà nào có phúc hậu thì tự nhiên gặp hay, nhà nào bạc ác thì có khi gặp dở, cần gì phải uổng công mệt sức mà đi cầu cái việc vu vơ làm gì”.

Phát biểu tại diễn đàn “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”, Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết: “Năm 2010, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 28/2010/QĐ – UBND quy định về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng. Trong đó, Hà Nội hỗ trợ chi phí hóa táng mức 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ chi phí vận chuyển 1 triệu đồng (đối với khu vực ngoại thành), 500.000 đồng (khu vực nội thành). Ngoài ra, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội tại các Trung tâm nuôi dưỡng tập trung và người lang thang, vô gia cư mất trên địa bàn thành phố còn được hỗ trợ áo quan, túi đồ khâm liệm, quản lý lưu giữ bình tro”.

Qua đó, chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng của Hà Nội đã tác động rõ rệt, nhiều gia đình có người thân mất đã lựa chọn hình thức hỏa táng văn minh, tiến bộ thay thế hình thức hung tác lạc đậu, cổ hủ, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, lãng phí đất. Sau khi thực hiện chính sách khuyến khích hỏa táng, tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng trong tang lễ đã tăng dần qua các năm từ 18,5% năm 2010, lên 48,28% năm 2015 và hiện nay trên 60%.

Đọc thêm