Xuất phát từ tình yêu trẻ nhỏ
Từ xa xưa người dân tộc Tày coi con người là vốn quý, con người làm nên nền tảng gia đình và xã hội tốt đẹp. Vì thế, kể từ khi lọt lòng cho đến khi dựng vợ, gả chồng, rồi sinh nở, họ luôn thận trọng trong việc kiêng kị, nhằm tránh những điều xấu xảy ra. Nhất là đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh thì việc kiêng khem lại càng được chú ý với rất nhiều thủ tục rườm rà, thậm chí là hủ tục.
Nhưng ngày nay, khi trình độ dân trí ngày càng phát triển, nhận thức của người dân càng được nâng cao, thì những hủ tục trong thời kỳ ở cữ, của người phụ nữ Tày cũng nhẹ nhàng hơn. Bà Hà Thị Dung người dân tộc Tày ở Bắc Kạn cho biết: “Đối với những tục lệ đặc trưng thì người dân tộc Tày vẫn duy trì. Tuy nhiên một số việc như kiêng tắm, kiêng ăn uống cũng bớt khắt khe hơn trước. Đối với người Tày chúng tôi vẫn giữ được tục cắm “bâư phật” (cắm chùm lá cây tươi trước cửa nhà) bởi đây là tục lệ độc đáo riêng của dân tộc chúng tôi.”
|
Dân làng, bạn bè anh em của gia chủ tới chúc mừng cho gia đình có thành viên mới trong lễ đầy tháng của đứa trẻ |
Người Tày có tục cắm bâư phật bên cửa ra vào khi trong nhà có người mới sinh em bé, thứ nhất là để báo tin với mọi người về việc vui của gia đình, thứ hai là để nhắc nhở hạn chế tiếp khách của gia chủ. Đây là một trong những tục lệ độc đáo của dân tộc Tày. Chùm lá tươi dùng để cắm có thể bất kỳ loại lá tươi nào nhưng thường là lá hương nhu và lá bưởi. Chùm này cắm khoảng 3 - 4 ngày sẽ thay chùm lá khác để đảm bảo chùm lá luôn tươi.
Cụ Hoàng Thị Quế một già làng người dân tộc Tày ở Bắc Kạn cho biết: “Tục cắm bâư phật có từ lâu đời. Do người Tày quan niệm khi đứa bé vừa mới lọt lòng hãy còn non nớt, giống như những mầm non cần cho đứa trẻ được yên tĩnh và cầu cho đứa bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh và hay ăn chóng lớn.”
Theo tục lệ, khi nhìn thấy nhà nào có cắm chùm lá tươi, những người thân, họ hàng, người hàng xóm hay khách lạ không tự ý vào nhà. Nếu có việc, cần xin phép vào nhà hoặc đứng ở ngoài cửa nói khẽ, tránh làm đứa trẻ mới sinh giật mình. Người Tày còn kiêng kỵ nhất những người không sạch sẽ, những người “pác khôm” (ăn nói hàm hồ, ngoa ngoắt, ác khẩu).
Ông Hà Văn Thắng già làng người dân tộc Tày ở Bắc Kạn cho hay: “Nếu đã trót vào nhà do không tinh ý thấy chùm lá tươi thì chủ nhà lấy một nửa bát nước lã ra cho khách nhúng gấu áo của vạt trước vào bát nước rồi lấy nước đó vẩy nhẹ lên đầu đứa bé vài giọt - gọi là làm phép tẩy uế, trừ vía độc.”
Người dân tộc Tày còn cho rằng chùm lá tươi sẽ giúp ngăn chặn được những loại ma tà, yêu quái, hung thần… có thể xâm nhập vào nhà ám ảnh đứa bé hoặc bắt mất hồn vía đứa bé. Tục cắm lá tươi còn có ý nhắc một số người đi đường xa về, hoặc vừa đi lao động, sản xuất nên mất vệ sinh, vào nhà nhiều khi vô ý bế ẵm cháu bé có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con. Khi đứa bé đầy tháng thì mới thôi cắm chùm lá tươi, từ đấy việc ra vào nhà mới trở lại bình thường. Họ hàng bạn bè lúc này nếu muốn tới thăm chúc mừng gia đình, thì sẽ tới vào dịp lễ đầy tháng hoặc những ngày sau đó.
Tục cắm “bâư phật” là một tục lệ cho tới nay vẫn được gìn giữ, có lẽ do tục lệ mang một ý nghĩa nhân văn, về cách nghĩ cũng như cách họ cư xử đối với trẻ nhỏ. Họ hi vọng ở những đứa trẻ, những mầm non của dân tộc, của xã hội, họ ưu tiên chăm sóc trẻ nhỏ với mong muốn chúng sẽ là những người tài giỏi.
Phụ nữ sinh em bé được miễn tiếp khách
Với người Tày không chỉ em bé sơ sinh mà sản phụ cũng được chăm sóc rất kỹ lưỡng. Đối với những gia đình có con dâu sinh em bé, thì họ sẽ không tiếp khách. Người dân nơi đây quan niệm rằng nếu có khách tới nhà, sẽ không lường trước được người đó người xấu hay tốt, người đó có cao vía hay không. Bởi lẽ nếu những người vía cao sẽ át vía của trẻ, khiến trẻ quấy khóc, những người ăn nói chua ngoa, độc địa sẽ khiến cho trẻ sợ hãi, ảnh hưởng tới cả bà mẹ và đứa trẻ.
Người phụ nữ Tày cũng rất chú trọng tới ngoại hình. Sau sinh được một tuần thì mỗi sản phụ sẽ dùng một viên gạch nung ấm ấm, cho vào tấm vải sau đó chườm lên bụng dưới giúp tan đi phần mỡ thừa sau sinh. Việc này sẽ giúp người phụ nữ Tày có được vóc dáng thon gọn như lúc chưa mang bầu.
Đối với việc ăn uống, thì thực đơn của sản phụ sau sinh rất khắt khe, không được ăn đồ ăn nhạt, có nhiều nước, không ăn chua cay, không ăn tôm cua cá ốc vì dễ gây tiêu chảy, không ăn rau cải hay thịt trâu . Những món mà người mẹ có thể ăn là xôi, móng giò hầm đu đủ, trứng gà, cháo thịt nạc. Lý giải cho việc kiêng khem này do sự tích lũy kinh nghiệm của các bà, các chị đi trước truyền thụ lại. Theo quan niệm thời xưa thì thời kỳ ở cữ của phụ nữ càng kiêng khem được thì sau này vừa tốt cho mẹ và con bấy nhiêu….
Ngày nay, khi trình độ dân trí ngày càng phát triển, nhận thức của người dân càng được nâng cao. Những hủ tục trong thời kỳ ở cữ của người phụ nữ Tày vì thế cũng nhẹ nhàng hơn, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua sự kiêng cữ vì người dân tộc Tày từ xưa luôn đề cao thiên chức cao cả của người phụ nữ trong gia đình, nên việc kiêng cữ của người phụ nữ Tày sau sinh vẫn rất thận trọng.