"Túi nước" treo trên đầu, 60 ngàn dân vẫn dài cổ chờ Trung ương

(PLO) - Với nguồn lực hạn chế của tỉnh Bắc Giang, 2 dự án cấp bách phòng chống lụt bão của huyện Yên Dũng chắc sẽ còn lâu mới được thực hiện. Vì vậy, hiểm họa túi nước treo trên đầu 60 ngàn dân Yên Dũng có được giải quyết hay không chỉ có thể trông chờ vào Trung ương.  
Đường cứu hộ, cứu nạn như thế này, người dân Yên Dũng liệu có thể chạy sơ tán khi lũ lên?
Đường cứu hộ, cứu nạn như thế này, người dân Yên Dũng liệu có thể chạy sơ tán khi lũ lên?
Địa phương “bất lực”
Như PLVN đã thông tin, hai công trình phòng chống lụt bão trọng điểm là kênh thoát lũ Nham Biền và đường cứu hộ, cứu nạn lưu vực sông Thương, sông Cầu được người dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) trông chờ, nhưng 4 năm qua nó vẫn “dậm chân tại chỗ”, từ cấp bách biến thành một dự án “treo”. 
Cả 2 dự án này đều đã được UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định phê duyệt từ năm 2011. Riêng dự án đường cứu hộ cứu nạn thậm chí còn nằm trong danh sách 123 dự án đường cứu hộ, cứu nạn phòng chống lụt bão cấp bách giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ thực hiện. Kinh phí lấy từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
Theo Quyết định số 1962 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày  25/10/2010, Bộ Tài chính được giao ứng trước 960 tỷ đồng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2011 để các tỉnh triển khai thực hiện ngay trong năm 2010. Theo quyết định nói trên, dự án cải tạo nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn các xã vùng lũ thuộc lưu vực sông Thương, sông Cầu được Thủ tướng Chính phủ duyệt với tổng mức đầu tư là 97,4 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tỉnh Bắc Giang chỉ được Trung ương trích cho 20 tỷ đồng (tổng đề xuất của tỉnh là 250 tỷ đồng) trong gói 960 tỷ đồng nói trên để thực hiện 3 dự án đường cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn của tỉnh. Huyện Yên Dũng không được rót đồng nào. Theo giải thích của UBND tỉnh Bắc Giang, là do ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, chỉ có thể đáp ứng khoảng 35% nhu cầu chi nên không có nguồn vốn để triển khai. 
“Gõ cửa” khắp nơi 
Ngân sách eo hẹp nên trước thực tế bức bách của dân, tỉnh Bắc Giang chỉ còn cách trông vào Trung ương. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT đề nghị được bố trí vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn các xã vùng lũ thuộc lưu vực sông Thương, sông Cầu và bố trí vốn đầu tư công trình cấp bách Kênh thoát lũ Nham Biền. 
Chính quyền địa phương xác định việc xây dựng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn là rất cấp bách, và  khẳng định hiện trạng nhiều đoạn kênh Nham Biền đã xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng do vậy cần phải được đầu tư nâng cấp ngay.  
“Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, phát triển kết cấu hạ tầng, UBND tỉnh Bắc Giang trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh 135 tỷ đồng để đầu tư dự án nói trên”- văn bản UBND tỉnh Bắc Giang gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án đường cứu hộ, cứu nạn. 
Để kịp thời phục hồi và nâng cao khả năng thoát lũ của kênh Nham Biền (do xây dựng từ lâu nhưng chưa được cải tạo sửa chữa lớn) nhằm tránh ngập úng một số khu công nghiệp, khu dân cư và toàn bộ khu Ba Tổng của huyện Yên Dũng với 60 ngàn người dân sinh sống, chủ động tới tiêu nước cho khu vực rộng 2.200ha, UBND tỉnh Bắc Giang cũng  đã phê duyệt Dự án cải tạo nâng cấp kênh thoát lũ Nham Biền với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Nhưng do ngân sách tỉnh quá eo hẹp nên không có nguồn vốn để triển khai. 
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Yên Dũng cho biết, 2 dự án này vừa là giao thông vừa là thủy lợi nên chi rất lớn, tác động đến sự phát triển kinh tế cả vùng phía Nam Yên Dũng. Trong thời gian gần đây, đã có nhiều năm xảy ra sự cố vỡ kênh, năm 2013 vỡ kênh, trôi cả cống gây thiệt hại rất lớn cho huyện. Trong khi nếu không xây dựng được đường cứu hộ cứu nạn thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn tính mạng nhân dân, cũng như “trói chân” chính quyền khi triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão. 
“Chúng tôi thực sự lo lắng vì  các dự án này rất cấp bách đối với nhân dân địa phương, nhưng đúng là nguồn vốn nằm ngoài tầm của huyện. Cũng chỉ biết báo cáo lên tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương. Không có tiền thì không đầu tư được cơ sở hạ tầng, mà không đầu tư được hạ tầng thì không phát triển được kinh tế, đây là bài toán rất khó. 
Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là hạ tầng kinh tế thuần tuý, mà là hạ tầng phòng chống lụt bão, rất cấp bách để đảm bảo tính mạng, của cải cho nhân dân. Chúng tôi kiến nghị  phải làm ngay 2 dự án cấp bách này nhiều năm nay  rồi. Lần nào trả lời cử tri cũng chỉ có thể trấn an bà con, cố gắng chờ đợi thêm thời gian...”- Bí thư Tuấn cảm thán. 
“Mong rằng cấp trên cũng đặt mình vào hoàn cảnh cảnh người dân chúng tôi với nguy hiểm rình rập mỗi khi mưa bão về. Chúng tôi chỉ lo chuyện thành ra quá muộn” - ông Nguyễn Văn Sơn, người dân thôn Kem, xã Nham Sơn lo âu. 
“Đây không chỉ là hạ tầng kinh tế thuần tuý, mà là hạ tầng phòng chống lụt bão, rất cấp bách để đảm bảo tính mạng, của cải cho nhân dân. Chúng tôi kiến nghị  phải làm ngay 2 dự án cấp bách này nhiều năm nay  rồi. Tôi cũng đã nhiều lần làm việc trực tiếp với các Bộ rồi, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Lần nào trả lời cử tri cũng chỉ có thể trấn an bà con...” - ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Yên Dũng.

Đọc thêm