4 năm trôi qua nhưng hành động quen mình bắt cướp của hai anh Nguyễn Thành Trọng và Trần Trọng Lương (cùng SN 1988, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vẫn khiến mọi người nể phục. Sau vụ bắt cướp đó, anh Lương được tôn vinh là liệt sỹ, còn anh Trọng dù lĩnh mang thương tật 71% nhưng vẫn thề tiếp tục xả thân nếu “giữa đường thấy chuyện bất bằng”.
|
Anh Trần Trọng Lương lúc sinh thời |
Khoảng 19h30 ngày 12/1/2009, trên con lộ thuộc địa phận xã Long Trạch (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) xảy ra một vụ cướp táo bạo. Hai tên cướp mang hung khí chặn đường đánh trọng thương, cướp tài sản của chị Nguyễn Thị Bé Hai (ngụ địa chỉ trên). Nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân, hai anh Nguyễn Thành Trọng và Trần Trọng Lương đã lao vào bắt cướp lấy lại tài sản cho người đi đường.
Trong lúc xô xát, anh Trọng và anh Lương bị hai tên cướp dùng hung khí đâm trọng thương. Anh Lương dù bị thương vẫn cố gắng tri hô và đuổi theo bọn cướp được một đoạn thì gục ngã. Lúc này, quần chúng nhân dân nghe tiếng tri hô đã lao ra hỗ trợ cũng bị bọn cướp tấn công gây thương tích thêm cho 3 người khác.
Hai tên cướp không cướp được tài sản của chị Bé Hai nhưng đã cướp xe của anh Lương để tẩu thoát và gây thương tích cho 5 người. Các nạn nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh Lương đã mất lúc 1h ngày 13/1/2009 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh Trọng tạm qua cơn nguy kịch nhưng phải nằm viện điều trị do bị đâm gần chục nhát.
Đến ngày 16/1, Công an tỉnh Long An kết hợp với Công an TP.Hồ Chí Minh đã bắt được 2 tên cướp. Theo đó, chúng là hai anh em ruột Nguyễn Văn Mèo (30 tuổi) và Nguyễn Văn Tư (26 tuổi, cùng ngụ ấp 4, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), lúc đó đang thuê nhà trọ tại quận 8, TP.Hồ Chí Minh. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận do thiếu tiền ăn tiêu nên Tư bàn bạc với Mèo chuẩn bị tuýp sắt, dao nhọn làm hung khí đi cướp.
Hành động nghĩa hiệp “giữa đường gặp cướp chẳng tha” của anh Trọng và anh Lương sau đó đã được tuyên dương khen thưởng. Với thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm của mình, anh Lương được công nhận là liệt sỹ và nhận hàng chục huân huy chương, bằng khen, giấy khen của Nhà nước và các cấp chính quyền cơ sở, tổ chức xã hội. Anh Trọng cũng được làm chế độ thương binh để hưởng các trợ cấp xã hội.
Còn kẻ ác đã bị trừng trị thích đáng, ngày 29/9/2009, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Nguyễn Văn Mèo 22 năm tù, phạt Nguyễn Văn Tư tù chung thân về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.
4 năm sau ngày xảy ra vụ án, khách đã tìm về nhà liệt sỹ Nguyễn Trọng Lương. Đi qua những bờ ruộng nhỏ vòng vo, ngôi nhà cấp 4 của liệt sỹ Lương nằm giữa cánh đồng bạc trắng trong mùa khô. Chính giữa ngôi nhà là bàn thờ đặt di ảnh của anh với hàng chục tấm giấy khen, bằng khen, huân chương được treo ngay ngắn.
Anh Trần Ngọc Phải (SN 1986, anh trai của anh Lương) buồn bã kể về buổi tối định mệnh hôm đó: “Tôi đang ngồi chơi thì nghe tiếng tri hô “Cướp, cướp”. Tôi chạy ra ứng cứu thì đã thấy em mình nằm dưới đường... Mọi người vội đưa Lương đi nhà thương cấp cứu nhưng đến 1h sáng thì em tôi qua đời”.
Anh Phải kể tiếp, tại tòa, hung khủ khai nhận rằng trước khi ra tay với anh Lương, hắn nói: “Buông ra, không tao đâm chết mày bây giờ". Nhưng Lương nhất quyết không buông nên bị chúng đâm liên tiếp.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Trần Thị Ngon (SN 1961, mẹ liệt sĩ Lương) không khỏi bồi hồi xúc động. Bà ly hôn với chồng và nhiều năm qua một mình nuôi dạy 3 đứa con nên cuộc sống lúc nào cũng trong tình trạng khó khăn. Anh Lương là con thứ hai của bà. Anh rất hiếu thảo, biết thương mẹ tần tảo, bà con lối xóm ai cũng quý mến.
Nhà nghèo phải nghỉ học sớm nhưng Lương vẫn sớm hôm phụ mẹ đi bán hàng. Đến tuổi trưởng thành, anh xin đi làm thợ ở một xưởng inox. Nhà nghèo nhưng các con đều ngoan ngoãn hiếu thảo, bà Ngon rất an lòng.
Sau khi con trai gặp nạn, bà Ngon đã nhiều đêm không ngủ, khóc thầm thương con. Đau đớn nhất là chỉ còn 2 tháng nữa anh Lương sẽ tổ chức hôn lễ. Giờ đây ánh mắt nụ cười và những lời tâm sự của con trai như vẫn hiển hiện trong tâm trí bà, kể cả trong giấc ngủ.
4 năm trôi qua cũng không phải là khoảng thời gian đủ dài để làm vơi đi nỗi đau trong lòng người mẹ này. Nhưng bà Ngon cũng tự an ủi và động viên bản thân bởi anh Lương hy sinh không uổng, đã góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Bà đau thương bao nhiêu thì cũng tự hào về cậu con trai ưu tú của mình bấy nhiêu.
Điều được an ủi lớn nhất là anh Lương được cả xã hội cảm thông, ghi nhận nghĩa cử cao đẹp, chung tâm giúp sức giúp bà Ngon vượt qua nỗi đau mất mát. Sau ngày anh Lương mất, rất nhiều nhà hảo tâm đã giúp gia đình anh xây cất một ngôi nhà cấp 4, từ đó mẹ con bà Ngon thoát khỏi cảnh nhà tranh tre mái lứa.
Ký ức về buổi tối định mệnh ấy như vẫn nguyên vẹn trong anh Nguyễn Thành Trọng. Anh Trọng kể lại, tối hôm ấy anh cùng anh Lương đang đi chơi về thì nghe tiếng kêu cứu. Không chút do dự, hai anh lập tức chặn đầu xe hai tên cướp. Anh Trọng nhớ lúc đó định lao vào khống chế tên cướp đã ngã dưới đường nhưng bất ngờ hắn dùng dao đâm liên tiếp khiến anh gục ngã không biết gì nữa.
Sau này anh mới biết, chỉ cấp cứu chậm một chút thì anh đã khó bảo toàn tính mạng.
|
Anh Nguyễn Thành Trọng. |
Anh bộc bạch, mình đã hành động hoàn toàn theo bản năng “diệt ác, giúp người” chứ không hề nghĩ đến danh lợi cũng như sự nguy hiểm tính mệnh. “Tóm lại là khi ấy tôi chỉ lo bắt cướp”, anh Trọng nói.
Anh Trọng chỉ cho chúng tôi xem hàng chục vết sẹo dài ở bụng, di chứng của vết thương và hai lần phẫu thuật điều trị. Đến giờ, với thương tật tổn hại 71% sức khỏe vĩnh viễn, anh không còn làm được việc nặng, nhất là những lúc trái nắng, trở trời thì đau nhức toàn thân. Cha mất, mẹ đau ốm, một người anh trai bị bệnh tâm thần không có khả năng lao động, nhà lại ít ruộng nên anh Trọng vẫn phải gánh vác chăm lo gia đình. Hàng ngày anh đi bán bông cải thuê, công chỉ được 100.000 đồng nên cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Tuy vậy, điều an ủi lớn nhất với anh Trọng là nhờ sự chung tay giúp sức của cộng đồng nên anh đã vượt qua hai đợt phẫu thuật với chi phí tốn kém cả trăm triệu đồng. Và dù phải trải qua cơn thập tử nhất sinh, anh vẫn kiên định: “Con người ta chỉ được sống có một lần nên hãy sống làm sao cho không hổ thẹn với bản thân. Nếu giữa đường gặp cướp, em vẫn sẽ làm vậy. Nếu ai cũng sợ thì xã hội sao được bình yên?”.
Tiến Phong - Lê Vũ