Từng bước xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 192/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Trong các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều địa phương cũng đề nghị cần quy định cụ thể chính quyền địa phương gồm chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, trong đó Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh là 3 địa phương “đầu tàu” thể hiện mong muốn này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 192/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Trong các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều địa phương cũng đề nghị cần quy định cụ thể chính quyền địa phương gồm chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, trong đó Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh là 3 địa phương “đầu tàu” thể hiện mong muốn này.

Các thành phố lớn trực thuộc T.Ư hiện đang đối diện với nhiều vấn đề về quản lí đô thị nhưng chưa thể giải quyết được

Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hướng tới chính quyền đô thị

Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003 không xác định, phân biệt sự khác nhau về tính chất, chức năng giữa các đơn vị hành chính cơ bản (tỉnh, thành phố, xã) với đơn vị hành chính trung gian (huyện, quận, phường). Chính vì vậy, mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND, UBND được áp dụng cho tất cả các cấp hành chính.

Tuy nhiên, vì sự khác biệt về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với các thành phố trực thuộc TƯ giữ vai trò của trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… nên sự không phân biệt này lại dẫn đến những khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý. Trên nhiều diễn đàn, đặc biệt là trong quá trình nghiên cứu tổng kết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, lãnh đạo các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng,  xây dựng chính quyền đô thị với việc giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hợp lý sẽ là động lực để phát triển đô thị.

Lý do mà Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đưa ra là các thành phố lớn trực thuộc TƯ hiện đang đối diện với nhiều vấn đề về quản lí đô thị nhưng chưa thể giải quyết được. Do đó, bằng nhiều cách, các thành phố này đã đề nghị TƯ có những chính sách riêng để “cởi trói” những hạn chế về cơ chế quản lý, như Hà Nội muốn có Luật Thủ đô, TP. Hồ chí Minh có cơ chế về phân bổ ngân sách, đầu tư và tính tự chủ trên một số lĩnh vực, các đô thị khác cũng đã được TƯ tạo nhiều cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh hơn các tỉnh.

Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn còn thiếu tính nhất quán từ các cơ quan TƯ. Hạn chế này dẫn đến những lúng túng của chính quyền các đô thị như việc tự chủ về ngân sách và quản lí đô thị chịu nhiều sự chi phối và bị hạn chế nên chưa tập trung thỏa đáng cho đô thị phát triển…

Đề xuất bỏ bớt cấp trung gian

Tại Đà Nẵng, để tạo sự phân biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, TP Đà Nẵng đề xuất mô hình chính quyền đô thị hành chính, gồm cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương (HĐND) và cơ quan chấp hành, hành chính tại địa phương. Đà Nẵng đề xuất, đối với đô thị, chỉ nên tổ chức HĐND ở hai cấp (thành phố và xã), bỏ các cấp trung gian là huyện, quận.

Đối với các cấp hành chính không có HĐND, vai trò giám sát của HĐND được thay thế bằng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND theo địa bàn; tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp, tự quản, đảm bảo cho nhân dân có thể tham gia rộng rãi vào quá trình quản lý đô thị. TP Đà Nẵng cũng đề nghị đổi tên gọi UBND thành Ủy ban Hành chính (UBHC). UBND các cấp hiện nay sẽ đổi thành UBHC các cấp theo mô hình này.

Cùng hướng đến mô hình chính quyền đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh sau khi dẫn chứng những bất hợp lý từ thực tế quản lý của chính quyền thành phố hiện nay, cũng đề xuất nên phân biệt rõ chính quyền nông thôn và đô thị trong lần sửa đổi Hiến pháp này.

Tại TP. Hồ Chí Minh, từ những năm 2006-2007, thành phố đã từng lập “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị”. Đề án này đã đưa ra các lập luận chứng minh mô hình chính quyền địa phương hiện nay đã bộc lộ quá nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đề án này phải tạm gác lại. Đến đầu năm 2012, khi tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, TP.Hồ Chí Minh một lần nữa lại kiến nghị về việc xây dựng chính quyền đô thị. 

Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn khẳng định: “Mô hình chính quyền đô thị là vấn đề bức bách và đã được nhận thức rõ là phải tổ chức quản lý đô thị khác với địa bàn nông thôn”. Vấn đề hiện nay chỉ là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 lần này sẽ “gỡ” cho các đô thị đến đâu mà thôi.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ:

“Đô thị vẫn phải “mặc áo chung”

“Hiện nay, “chính quyền đô thị” chưa được quy định cụ thể mà vẫn phải “mặc chung áo” với các quy định chung về tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, theo tiến trình lịch sử hình thành và phát triển nhà nước, chính quyền của các đô thị đã từng được phân biệt khá rõ nét so với chính quyền nông thôn. Cùng với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, các đô thị đều giữ vai trò hạt nhân, đầu tàu và tác động lan toả đến sự phát triển của từng khu vực, từng vùng và phạm vi toàn quốc.

Xuất phát từ đòi hỏi đó, việc xây dựng luận cứ về chính quyền đô thị là yêu cầu hết sức khách quan đồng thời đóng góp cho việc hoàn thiện thể chế pháp luật về chính quyền đô thị”.

Lan Phương

Đọc thêm