TUỔI ẤT DẬU
* ĐINH BỘ LĨNH (925-979): Là vị vua đầu nhà Đinh, quê Ninh Bình. Ông là người giỏi võ nghệ, nhiều mưu lược, có tài chỉ huy, gia nhập đạo binh của sứ quân Trần Lãm, coi giữ vùng duyên hải Bắc Bộ. Với lực lượng ngày càng lớn mạnh, năm 966, Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn cát cứ, thống nhất quốc gia. Năm 968 ông lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Đinh, đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình), đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt và cho ban hành nhiều chính sách tiến bộ.
* NGUYỄN HOÀNG (1525-1613): Thủy tổ nhà Nguyễn, quê Thanh Hóa. Thông minh, nghị lực, giàu chí tiến thủ, ông cùng cha phò tá vua Lê, được phong tới tước Quận công. Sau năm 1558, ông vào làm Trấn thủ Thuận Quảng, cai quản dải đất miền Trung từ Quảng Bình tới Đà Nẵng, tích cực chiêu dân lập ấp, mở mang bờ cõi và chống chúa Trịnh lộng quyền ngoài Bắc. Dưới sự điều hành của ông, mọi việc quân sự, nội trị, ngoại giao đều phát triển và dân vùng đất mới sống khá ấm no, ổn định. Ông được coi là người đặt nền tảng cho công cuộc Nam tiến và kiến tạo Vương triều Nguyễn.
* NGUYỄN DU (1765-1820): Thi hào nổi tiếng, quê Hà Tĩnh. Đa tài, nghị lực, sớm theo giúp nhà Nguyễn, ông trải giữ nhiều cương vị hành chính, giáo dục, ngoại giao quan trọng, làm tới Hữu Tham tri Bộ Lễ và từng lãnh đạo đoàn đi sứ Trung Quốc năm 1813. Ông sáng danh trong lịch sử thơ ca Việt Nam với nhiều tác phẩm bình dị mà ấn tượng, dạt dào tình cảm, thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đặc biệt là Truyện Kiều.
Đại thi hào Nguyễn Du |
TUỔI ĐINH DẬU
* NGUYỄN TRUNG TRỰC (1837-1868): Anh hùng kháng Pháp, quê Long An. Ông là người khảng khái, nồng nàn yêu nước, hưởng ứng hịch Cần vương, chiêu mộ nhân dân nổi dậy đánh phá các đồn giặc và được triều đình phong làm Lãnh binh Hà Tiên. Dưới sự chỉ huy của ông, cuộc khởi nghĩa lan rộng với nhiều chiến thắng oanh liệt khắp vùng Tây Nam Bộ, khiến quân Pháp lao đao. Giặc đàn áp dữ dội, ông bị truy dồn ra đảo Phú Quốc và hy sinh ngày 27/10/1868.
Danh nhân Nguyễn Trung Trực |
* TỐNG DUY TÂN (1837-1892): Nhà yêu nước thời cận đại, quê Thanh Hóa. Năm 1875, ông đỗ tiến sĩ, làm quan trong các ngành hành chính, giáo dục, thương mại, an ninh. Trung quân ái quốc, hưởng ứng phong trào Cần vương, ông tham gia khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1885 rồi nhanh chóng trở thành thủ lĩnh kháng chiến vùng Bắc Trung Bộ. Ông lãnh đạo nghĩa quân gây nhiều tổn thất nghiêm trọng cho giặc trước khi bị bắt và hy sinh năm 1892.
* TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1898): Học giả xuất sắc, quê Bến Tre. Nổi tiếng thông minh, hiếu học, từ bé đã thạo chữ Hán, quốc ngữ, được đưa đi học tiếng Latinh, rồi giành học bổng đào tạo tại trường Penang trên Ấn Độ Dương những năm 1851-1858. Sau đó về nước, hoạt động phiên dịch, báo chí và nghiên cứu. Ông sử dụng được 11 ngoại ngữ phương Đông, 15 ngoại ngữ phương Tây, là tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến lớn cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, báo chí, địa lý, nhân chủng học…và được xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới bấy giờ.
TUỔI KỶ DẬU
* TRẦN XUÂN SOẠN (1849-1923): Nhà yêu nước thời cận đại, quê Thanh Hóa. Ông xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, nhập ngũ, lập nhiều chiến công, được thăng tới chức Đề đốc. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, phát hịch Cần vương chống Pháp và tích cực hoạt động ở miền Trung. Bị đàn áp mạnh, ông rút lên biên giới, gây dựng lực lượng rồi quay lại phản công, khiến giặc thất điên bát đảo. Ông mất tại Long Châu (Trung Quốc) năm 1923.
* PHẠM NGỌC THẠCH (1909-1968): Bác sĩ, nhà hoạt động cách mạng, quê Quảng Nam. Mẫn cảm, linh hoạt, giàu lòng ái quốc, theo học y khoa bên Pháp xong, về nước nhiệt tình xây dựng các cơ sở cách mạng, trở thành thủ lĩnh phong trào thanh niên tiền phong Sài Gòn trước năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính khu Sài Gòn-Gia Định, rồi ra Bắc, được cử làm Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam. Ông cống hiến xuất sắc cho nền y tế nước nhà với nhiều công trình y học quy mô và hiệu quả, đặc biệt trong việc phòng chống bệnh sốt rét.
Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch |
TUỔI TÂN DẬU
* LƯƠNG ĐỊNH CỦA (1921-1975): Giáo sư, tiến sĩ nông nghiệp, quê Sóc Trăng. Say mê nghiên cứu cây trồng, ông du học Nhật Bản, rồi quay về phục vụ Tổ quốc. Với lối sống giản dị, chân thành, cởi mở, tác phong làm việc nghiêm túc, cần mẫn và khoa học, sáng tạo, ông lai kết ra nhiều giống lúa, khoai, ngô, dưa… mới, rất thiết thực với nền nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 1954 tập kết ra Bắc, trải giữ nhiều cương vị quan trọng. Ông được bà con nông dân cả nước mến mộ, gọi là “bác học của đồng ruộng” và được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
* BÙI XUÂN PHÁI (1921-1988): Họa sĩ nổi tiếng, quê Hà Nội. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1945, chuyên vẽ tranh sơn dầu với các chủ đề về phố phường. Là người linh hoạt mà độc đáo, những tranh vẽ của ông cũng đều có nét dị biệt, mang vẻ dân tộc truyền thống nhưng rất hiện đại, được giới am tường nghệ thuật tạo hình đánh giá cao. Ông còn lập ra “Phố Phái” - một trường phái hội họa đặc sắc của Việt Nam.
Hoạ sỹ Bùi Xuân Phái |
TUỔI QUÝ DẬU
* GIANG VĂN MINH (1573-1637): Danh sĩ đời Lê Thần Tông, quê Hà Nội. Cương trực, khảng khái, đỗ thám hoa, thăng quan đến chức Tự khanh. Giỏi việc chính trị lại tài ứng đối, năm 1637 ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Tới nơi, ông dũng cảm đàm thoại với khí phách độc lập, tự chủ và hiên ngang của người Việt, khiến cả triều Thanh phải hổ thẹn, cho quân sát hại.
* NGUYỄN HUỆ (1753-1792): Anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài, quê Bình Định. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, am tường văn võ, say mê binh pháp, năm 1771 ông cùng anh em lập đồn trại trong vùng núi Tây Sơn, chiêu tập nghĩa quân chống lại quyền thần Trương Phúc Loan. Lực lượng nhanh chóng lớn mạnh, tiến chiếm phủ thành Quy Nhơn (Bình Định), rồi Quảng Ngãi, Bình Thuận…, làm chủ cả dải đất miền Trung.
Anh hùng Dân tộc Nguyễn Huệ |
Năm 1782, đưa binh vào Nam, đánh bại các chúa Nguyễn. Tháng 1/1785, bằng thế trận thiên la địa võng, làm nên chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (Tiền Giang) vang dội, đại phá 5 vạn giặc Xiêm (Thái Lan) do chúa Nguyễn Ánh rước về. Ngay năm sau, tiến ra Thăng Long, chỉ trong mấy ngày bình định xong đất Bắc, tiêu diệt tập đoàn chúa Trịnh lộng hành. Năm 1788, ông lên ngôi Hoàng đế, hiệu Quang Trung, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Tết Kỷ Dậu 1789, ông lại chỉ huy quân Tây Sơn thần tốc ra Bắc, đánh tan 29 vạn giặc Thanh vừa kéo sang xâm lược, giải phóng và thống nhất hoàn toàn đất nước.