Tuổi thơ êm đềm nhưng…chỉ thuộc về người lớn
Tôi không ít lần chứng kiến khi đi uống café, những người lớn ồn ào chuyện trò còn bên cạnh là những đứa trẻ nhìn không chớp mắt vào những chiếc điện thoại trong nhiều giờ liền. Và hễ có đứa trẻ nào chạy nhảy là sẽ được phụ huynh dắt tay vào chỗ ngồi với lời dụ dỗ đường mật kiểu như “ngồi ngoan để mẹ mở điện thoại cho nhé”.
Rồi họ lại quay sang cười nói với bạn bè, yên tâm vì con mình đã có điện thoại lo, mặc cho những đứa trẻ vẫn tiếp tục hướng đôi mắt nhìn vô hồn vào chiếc màn hình điện thoại đang reo lên những giai điệu ngộ nghĩnh, bắt mắt vui tai.
Tôi cũng lấy làm mâu thuẫn khi nhiều ông bố, bà mẹ luôn so sánh tuổi thơ của mình và của con mình. Họ tự hào về tuổi thơ dữ dội của họ, những ngày tháng cưỡi trâu, đuổi chó, lặn ngụp dưới khúc sông quê… Và họ lại xót xa cho những đứa trẻ bây giờ chỉ biết mùi điều hòa, mưa không tới mặt, nắng cũng chẳng tới đầu, làm gì có tuổi thơ.
Họ đổ tội cho điện thoại, cho internet, cho mấy ông quảng cáo trên tivi đã cướp đi những ngày tháng tuổi thơ của con họ. Họ cũng phàn nàn rằng giờ xã hội hóa nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà quên đi việc đầu tư các thiết chế văn hóa, vui chơi dành cho trẻ nhỏ, khiến bọn nhỏ chẳng còn biết đi đâu nên lại ngồi nhà xem điện thoại.
Nhưng, họ lại chưa nghĩ tại sao mình lại có tuổi thơ đầy màu sắc, sôi động đến như vậy? Chắc hẳn ai cũng phải đôi lần lén trốn nhà đi chơi, được tự do tắm mưa mà không lo bố mẹ la rầy, được tự do sáng tạo đồ chơi mà chẳng bị ai phàn nàn, chẳng bị bố mẹ ép học thêm, ép ăn uống… Chúng ta thời đó cứ hồn nhiên lớn lên như cây cỏ mà thôi.
Còn bọn trẻ bây giờ thì sao? Chúng ta sợ con ra đường sẽ nguy hiểm, sợ con ra mưa sẽ gặp virus con sẽ ốm, sợ con ra nắng vi khuẩn sẽ tấn công... Vậy đó, công nghệ mở ra cho chúng ta cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức, song cũng khiến chúng ta dè chừng hơn, lo lắng nhiều hơn.
Cũng chỉ vì muốn mọi thứ tốt nhất cho con nên chúng ta hốt hoảng bao bọc, chăm sóc con tuyệt đối, vô tình tước đi của con cơ hội được trải nghiệm, được mạo hiểm, được thất bại, được trưởng thành của con. Chúng ta đã tạo nên những đứa trẻ sạch sẽ, trắng trẻo nhưng sức khỏe kém, kỹ năng sống mờ nhạt, lệ thuộc vào công nghệ và trắng ký ức về tuổi thơ.
Lỗi tại ai?
Khoan hãy nói đến những hệ lụy của smartphone mang lại, điều đó đã có rất nhiều công trình khoa học chứng minh rồi. Hãy bàn đến người sử dụng là chính chúng ta. Việc lệ thuộc vào smartphone là do lỗi của công nghệ, của con trẻ hay là chúng ta?
Nhiều phụ huynh thường than thở rằng họ chỉ ước trường học trông thêm con ngày chủ nhật để có thời gian nghỉ ngơi, để bọn trẻ đỡ làm loạn ở nhà. Không khó để hiểu tại sao họ lại có mong ước như vậy. Vì cuộc sống hiện đại vội vã với những “deadline”, những dự án khiến họ lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian nên sau khi trở về nhà, họ thật sự thấy mệt mỏi khi phải dọn dẹp, phải la hét, phải trông chừng bọn trẻ vốn nhiều hiếu động, thích chạy nhảy và bày biện.
Nhiều người biết smartphone là không tốt nhưng vẫn chọn cách vứt cho con cái điện thoại để chúng ngồi im, để có thêm vài tiếng rảnh rỗi ngồi buôn chuyện với bạn bè, xả strees. Người lớn không có đủ sự nhẫn nại, bao dung để có thể xoa dịu đi những đòi hỏi của con, để hiểu tâm sinh lý của chúng thực sự muốn gì và chiếc điện thoại như một phương tiện không thể thiếu trong việc khóa chân bọn trẻ, là thứ để trao đổi những yêu cầu của người lớn, thay thế vai trò của bố mẹ trong việc chơi đùa và chia sẻ với con.
Những đứa trẻ chưa đủ nhận thức để biết rằng xem điện thoại nhiều là có hại, chúng chỉ xem vì chúng thích và điện thoại thì chẳng bao giờ hết cái để xem. Rồi cũng chính chúng ta ngăn cấm không cho trẻ dùng điện thoại nhưng lại không thể làm gương. Mặc dù miệng cấm con nhưng tay mình vẫn lướt facebook, mắt vẫn nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại, bận rộn kết nối với thế giới bên ngoài mà quên mất đi con mình mới là người mình phải kết nối, chia sẻ nhiều nhất.
Và tôi gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ hối hận vì để con dùng điện thoại quá sớm, không kiểm soát nhưng tất cả đã muộn. Chuyện những đứa trẻ 4 tuổi vẫn nói chưa sõi vì không được giao tiếp nhiều nên ngôn ngữ gần như không phát triển, nhiều trẻ 3 tuổi đã viêm dạ dày do thói quen vừa ăn vừa xem hay trẻ có dấu hiệu tự kỷ hay tăng động, sẵn sàng đập phá đồ đạc, đánh người vì không được dùng điện thoại không còn là chuyện hiếm… Tổn thất không chỉ là tiền bạc, thời gian, nó còn là những tổn thương khó có thể hồi phục được chỉ vì sự chủ quan, lơ là của cha mẹ.
Nhìn ra thế giới, bản thân tôi rất ngưỡng mộ cách dạy con của các cha mẹ đến từ Nhật Bản, đất nước có nền công nghiệp tự động đang đi đầu thế giới nhưng yếu tố con người vẫn luôn đặt lên hàng đầu. Họ khuyến khích con của mình trải nghiệm, va chạm và tìm hiểu về thế giới xung quanh. Họ để con được tiếp xúc với thiên nhiên, với cuộc sống thực và để đứa trẻ hình thành khả năng tự lập, làm chủ trong mọi tình huống.
Nói đến đây chúng ta không còn có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho xã hội mà phải thừa nhận rằng mình đang trực tiếp là người tước đi tuổi thơ của con trẻ. Hạnh phúc của một đứa trẻ không phải do thời đại quyết định mà do chính chúng ta, những người làm cha mẹ quyết định.
Cho con một tuổi thơ đúng nghĩa
Theo một số liệu thống kê khá sốc tại Mỹ cho biết, trung bình một đứa trẻ chỉ được tiếp cận với thiên nhiên khoảng 7 phút mỗi ngày, trong khi đó chúng lại ngồi trước các loại màn hình điện tử tới… 7 giờ đồng hồ. Đây được coi là “hội chứng thiếu hụt thiên nhiên”, dẫn đến nhiều hệ lụy cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ nhỏ. Ở Việt Nam có lẽ tỉ lệ này còn nhiều hơn nhất là ở các thành phố lớn.
Một thực tế cho thấy, trẻ em sẽ thông minh hơn, dễ dàng hòa hợp với người khác, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn khi có cơ hội thường xuyên được chơi vui chơi tự do với thiên nhiên. Vậy làm thế nào? các cha mẹ có thể đăng ký cho con trải nghiệm qua các khóa học, dã ngoại cuối tuần, về thăm quê…
Đơn giản hơn, cho con tiếp xúc với thiên nhiên chỉ cần là tưới cho khóm hoa mẹ trồng, cùng bố thu hoạch quả cà chua leo vắt vẻo trên sân thượng hay nhặt mớ rau mẹ mới mua về để biết rau ngót thì nhặt ra sao, rau bí thì làm thế nào… Không cần thiết phải là một tuổi thơ tươi đẹp như tuổi thơ của cha mẹ vì chúng ta cũng không thể bắt con mình phải đi tắm sông, đi lội bùn, tắm mưa khi điều kiện không cho phép. Trẻ con cũng có những mưu cầu hạnh phúc riêng, phù hợp với sự phát triển của xã hội, việc của các bậc cha mẹ là biết khơi gợi những hạnh phúc đó để con được tận hưởng.
Chúng ta đã từng rất tự hào vì có một tuổi thơ thật nhiều kỉ niệm đẹp, thì giờ với cương vị là cha mẹ, tôi tin chúng ta đều có thể có những cách thức để đồng hành cùng tuổi thơ con. Như vậy thì dù có ở thời đại 4.0 hay 5.0 hay hơn thế nữa thì tuổi thơ của mỗi đứa trẻ vẫn sẽ rực rỡ và là ký ức hạnh phúc mỗi khi trưởng thành chúng sẽ nhớ về. Và bây giờ việc dễ nhất có thể làm là đặt điện thoại xuống, gập máy tính lại, bước đến bên con yêu, hỏi rằng: “Bố/mẹ chơi cùng con nhé?”. Tôi tin chẳng đứa trẻ nào lại từ chối, thậm chí còn rất hạnh phúc là đằng khác.