Tùy hỷ công đức - chuyện nên làm trong mỗi nhà

(PLO) -Phật dạy: Thấy người làm việc đạo đức, vui vẻ trợ giúp được phước rất lớn. Sa- môn hỏi: Phước của người kia có hết chăng? Phật đáp: “Ví như lửa một cây đuốc, mấy trăm ngàn người mỗi người cầm đuốc đến mồi, đem về thắp sáng, nấu cơm... ngọn lửa cây đuốc này vẫn như cũ, phước cũng như thế”. 
Một nữ Phật tử cúng dường Đức Phật

Người xuất của ra công làm việc đạo đức dĩ nhiên phước đức to lớn. Nhưng người chỉ phát tâm tùy hỷ trợ giúp làm sao phước đức bì được người kia? Thế mà ở đây Đức Phật nói phước đức ngang nhau, khiến chúng ta phải để tâm suy xét.

Thói đời đố kỵ

Hầu hết, chúng ta ai ai cũng mang sẵn trong mình những tính xấu: ngã mạn, tự cao, tật đố, tham lợi... Bởi có những tính xấu ấy, nên khi thấy ai làm điều tốt, hay thì chúng ta có phản ứng ngay. Cái phản ứng phá hoại, khinh miệt, gièm siểm để thỏa mãn tính tự cao, tật đố, tham lợi... của mình.

Ở gia đình, cha mẹ tỏ vẻ thương đứa con nào nhiều thì đứa khác sinh ganh tị, bất bình, tình cốt nhục có thể do đó trở thành phai nhạt, quá lắm sẽ chia ly. Hoặc anh em mà kẻ giàu, người nghèo cũng là cái cớ khiến tình cật ruột xa nhau.

Trong lớp học một cậu học trò được thầy giáo khen thưởng, thì chắc  chắn sẽ bị các trò khác tìm cách nói xấu,  hoặc hại bằng cách này hay cách khác. Hai bạn học thân nhau, nếu một người thi đậu một người thi rớt thì tình bạn bè sẽ lợt lạt ngay từ đó. Cho nên tục ngữ có câu: Vô duyên ghét kẻ có duyên/Không tiền ghét kẻ có tiền cầm tay.

Làm sao hàn gắn được những vết thương chia rẽ trầm trọng ấy? Nếu không thực  hiện “Tùy hỷ công đức” không còn phương pháp nào hiệu nghiệm. Bao giờ  mỗi con  người chúng ta đều tập được hạnh “Tùy hỷ công đức” thì nhân loại mới có ngày an vui hạnh phúc và ngọn lửa đấu tranh mới lịm tắt được.

Tùy hỷ công đức

Thế nào là “tùy hỷ công đức”? Tùy hỷ là vui theo, công đức là những điều  lành,  điều tốt, điều vui vẻ, hạnh phúc. Nghĩa là thấy ai có cái gì tốt, cái gì lành, cái gì hạnh  phúc, chúng ta đều hoan hỷ phát tâm vui mừng như chính mình được và cố công giúp đỡ khiến họ được toàn vẹn.

Hoặc thấy họ làm điều phước thiện, đạo đức chúng ta sẵn sàng ùa vào trợ giúp với một niềm hân hoan vô hạn. Vui cái vui của người, mừng thấy cái tốt của người, cho đến không còn thấy họ là đối tượng khác biệt. Sự vui mừng ấy phá tan được cái cách biệt giữa ta và người, chân thành hòa đồng trong tâm niệm hạnh phúc.

Người phát tâm làm việc bố thí, thì chính họ đã khởi lòng từ bi và dứt tính bỏn xẻn, nếu họ không vì hoàn cảnh bắt buộc. Thấy người bố thí, ta phát tâm tùy hỷ trợ  giúp, chính ta đã khởi tâm khuyến thiện và phá tan tính tật đố. Công đức của người phát lòng từ bi, dứt tính bỏn xẻn đem so với công đức của người khởi tâm khuyến thiện, dứt tính tật đố ngang nhau.

Lại nữa, công đức y cứ tự tâm mà thành, nên cùng phát sinh trong một việc, mà công đức của người này không làm mòn giảm công đức của người kia. Vì thế, đức Phật ví dụ ngọn lửa của một cây đuốc dù đem trăm ngàn cây đuốc khác đến mồi, ngọn lửa ấy vẫn không bị giảm khuyết.

Tuy cùng làm một việc, mà người phát tâm nhỏ hẹp thì công đức sẽ nhỏ hẹp, người phát tâm rộng lớn thì công đức rộng lớn, công đức tùy tâm mà có rộng hẹp chớ không do của nhiều ít. Phật dạy: “Người phát tâm rộng lớn bố thí, của chỉ bằng hạt cải mà quả báo như núi Tu di. Ngược lại, người ôm lòng nhỏ hẹp bố thí, của bằng núi Tu di, công đức chỉ bằng hạt cải”. (Kinh Kim Cang)

Thấy người làm việc bố thí, chúng ta phát tâm tùy hỷ trợ giúp họ, tự nhiên người  ấy sẽ hăng hái vui vẻ làm thêm. Họ càng thích làm bố thí thì những người quanh họ sẽ giảm nhiều phần đau khổ. Vậy ta đã giúp được hai bên bớt khổ thêm vui hiện tại và vị lai.

Đó là chưa nói đến phần ích lợi của cá nhân ta. Chính khi ta tùy hỷ việc thiện của người, chắc chắn người đã có cảm tình với ta. Ta đã được công đức ngang bằng họ, lại được họ thương mến ta, thật là một việc làm “nhất cử mà tam lợi”.

Việc làm không tốn hao tài sản, sức lực gì bao nhiêu mà đem lại kết quả lớn lao  như vậy, tại sao chúng ta không chịu làm? Hẳn là tính tật đố, ganh tị đang ngự trị trong tâm tư chúng ta nên không cho phép ta làm, lúc nào chúng còn làm chủ ta là lúc ấy ta mãi mãi khổ đau bởi chúng xây một bức tường ngăn cách giữa ta và mọi người, tấn công mọi người chung quanh bằng mũi tên thù hận, để rồi ta và mọi người suốt đời mang nặng những vết thương đau khổ hận thù.

Thấy người làm điều thiện, ta không phát tâm hoan hỷ, mà còn sinh tâm tật đố, khinh chê gièm siểm khiến người ấy - nếu không có tín tâm mãnh liệt, ý chí quả cảm - sẽ thối tâm không muốn làm điều thiện nữa, thế là ta đã ngăn trở điều thiện của người và gây ra thù hằn giữa ta và họ.

Người ngăn trở điều thiện của kẻ khác quả là ma vương đội lốt người. Ta muốn ngăn trở điều tốt của kẻ khác để đề cao cái tốt của ta, kỳ thật ta đã nói lên với mọi người ta là ma vương, là quỉ sứ. Đâu ngờ, muốn làm thỏa mãn tánh ngạo mạn của ta, mà ta tự lao mình vào địa ngục A-tỳ.

Bạn bè, thân hữu gặp điều may, được việc tốt, ta tùy hỷ với họ là đẹp đẽ biết mấy. Chân thành chung vui với nhau thì tình thân hữu mỗi ngày được gắn bó, mối giây liên lạc giữa ta và người mỗi lúc mỗi siết chặt thêm vì ta và bạn đã hòa đồng trong tâm tưởng hoan hỷ, trong niềm hoan hỷ của nhau. Ranh giới cá nhân, tư hữu được xóa nhòa, cuộc sống như vậy hạnh phúc biết bao.

Trái lại, thấy bạn có dịp may, được điều tốt, ta sinh tâm đố kỵ, khiến tình keo sơn phải bị rã rời. Biết bao người khi bần cùng bè bạn thân nhau như cốt nhục, nhưng khi một người phát quan hoặc giàu có, một người nghèo khổ thì tình thân ấy tự nhiên ly tán.

Phải chăng vì người giàu sang kia sinh tâm bạc bẽo? Không hẳn thế! Lắm khi người giàu sang ấy vẫn hết tình chiều chuộng mà không sao giữ được tình thân hữu ngày xưa, ấy là do tính tự ái của kẻ nghèo không cho phép họ lân la với bạn.

Nhất là khi những người ở trước mặt mình ca ngợi tài đức của người quen thuộc mình hoặc của bạn mình mà người ấy vắng mặt. Ở trường hợp đó, nếu ta vẫn giữ được vẻ mặt thản nhiên, không thốt một lời chỉ trích kẻ ấy, thật là điều rất khó.

Vì thế, chúng ta nên nhớ mãi câu này: “Ngồi nghe người khác khen ngợi bạn mình, mà không thay đổi nét mặt, thật là người can  đảm”. Bởi tính tật đố ngã mạn không khi nào muốn nghe ai khen kẻ khác hơn là khen mình; nếu người ta khen kẻ khác, tất nhiên mình tìm cách tấn công khiến kẻ ấy mất hết uy tín mới chịu.

Thật tâm tùy hỷ

Tình bạn, tình cốt nhục không phải do tiền của danh vọng mà có, tại sao vì tiền tài danh vọng, ta lại chia ly tình thân hữu? Nếu vì giàu sang bạn ta thay đổi tình ý, ta xa họ đã đành; nếu họ vẫn giữ trước sau như một thì ta đừng vì lý do đố kỵ sang hèn mà lẩn tránh họ, mà nên mừng khi bạn ta được giàu sang, nên vui khi bạn ta được sung sướng, đó là tâm niệm tùy hỷ của con người đạo đức. 

Tuy nhiên, chúng ta không vì thấy bạn giàu sang, giả tâm tùy hỷ để cầu cạnh van xin. Thái độ đó là thái độ của kẻ hèn hạ, chứ không phải của người thật tâm tùy  hỷ.

Lại còn một điều rất khó nữa là, đối với người thù địch của ta khi họ gặp dịp may, làm điều tốt, hay thành công trong một công việc gì, mà ta khởi tâm vui mừng cho họ. Người có thể phát tâm tùy hỷ với kẻ thù địch mình, thì người ấy đã vượt lên trên tất cả, không còn mẩnh lưới phiền não nào bao vây được họ.

Phát tâm tùy hỷ mọi việc vui của người, dĩ nhiên những điều đau khổ của người làm sao ta không thông cảm được? Đã hòa đồng trong niềm vui thì trong cảnh khổ ta đã chia sớt nhau rồi, vui khổ của mọi người coi như vui khổ của chúng ta. “Chúng sinh thanh tịnh, Bồ-tát thanh tịnh. Chúng sinh nhiễm ô, Bồ-tát nhiễm ô”.

Bao giờ nhân loại tiến bộ được như vậy, thì cõi Ta-bà uế trược này đã trở thành cõi Cực-lạc thanh lương, tất cả “đồng ưu cộng lạc”. Đó mới là hạnh phúc thật sự của nhân loại, đạo đức như vậy mới chân thật đạo đức.../.

Đọc thêm