Tuyên chiến với quấy rối tình dục trên xe buýt: Cần sự phối hợp từ nhiều bên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Quấy rối tình dục trên xe buýt là vấn nạn nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới, phải mất thời gian rất lâu để hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng. Tại Việt Nam, điểm tích cực là các cơ quan chức năng đã “vào cuộc” để xử lý nghiêm hành vi này.
Nhiều trẻ em gái thấy không an toàn khi đi xe buýt. (Ảnh minh họa)
Nhiều trẻ em gái thấy không an toàn khi đi xe buýt. (Ảnh minh họa)

Trích xuất camera xe buýt để điều tra

Một khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đã công bố những con số đáng lo ngại.

Theo đó, chỉ có 13% trẻ em gái luôn cảm thấy an toàn tại những nơi công cộng như trên xe buýt. Đến nay, nạn quấy rối tình dục (QRTD) vẫn là một nỗi ám ảnh tâm lý với một bộ phận không nhỏ các trẻ em gái và nữ sinh mỗi khi đi các phương tiện công cộng. Đặc biệt trong những giờ cao điểm, đông người, dù bị sờ mó vào chỗ nhạy cảm cũng phải nhẫn nhịn vì sợ và ngại.

Gần đây, trong các hội nhóm trên mạng xã hội tại TP HCM liên tục có những bài viết phản ánh, cảnh báo nhau về việc gặp phải “biến thái” trên xe buýt. Hầu hết người bị quấy rối thường chỉ có thể đưa lên mạng xã hội để cảnh báo cộng đồng và bày tỏ nỗi bức xúc.

Điểm tích cực lần này là các cơ quan chức năng của TP HCM đã lên tiếng và vào cuộc xử lý nghiêm hành vi này, phần nào khiến dư luận yên tâm hơn. Cụ thể, tại cuộc họp báo ngày 21/3 của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội tại TP HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Sở Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết Sở đã tiếp nhận thông tin về việc nhiều nữ sinh bị QRTD trên xe buýt trong thời gian qua.

Theo đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT TP HCM đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP HCM để lập chuyên án điều tra, trích xuất camera phục vụ công tác điều tra.

Đồng thời cơ quan này cũng đề nghị đơn vị cảnh sát hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến xe buýt và có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng QRTD trên xe buýt. Hiện Trung tâm cũng đang triển khai các giải pháp như tập huấn đến từng lái xe, nhân viên phục vụ về kỹ năng, cách xử lý khi có đối tượng sàm sỡ, QRTD hay nhận được phản ánh từ hành khách bị QRTD trên xe buýt.

Phía Sở GTVT thành phố cũng cho biết, trên mỗi xe buýt đều có từ 3 - 5 camera, gắn ở các vị trí: camera hành trình, camera giám sát lái xe, camera khác giám sát an ninh trên xe buýt, dữ liệu ghi được 7 ngày. Ngoài việc hành khách có thể báo ngay cho tài xế thì họ cũng có thể liên hệ trình báo qua số điện thoại đường dây nóng 098.186.0202 của Công an thành phố được dán trên các chuyến xe hoặc Tổng đài 1022.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hải, một trong những khó khăn trong khâu xử lý tình trạng QRTD trên xe buýt là hầu hết hành khách còn e ngại trong việc tố giác, việc phản ánh kịp thời sẽ giúp việc xử lý tình trạng QRTD trên xe buýt được giải quyết triệt để hơn. “Hành khách cần mạnh dạn tố giác vì khi có tố giác ngay trên xe thì tiếp viên, tài xế và hành khách sẽ hỗ trợ để xử lý”, ông Hải kêu gọi.

Cân nhắc để tăng nặng hình phạt

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục bị phạt tiền từ 5 – 8 triệu đồng.

Chưa bàn tới liệu mức phạt này có đủ sức răn đe những “kẻ biến thái” hay không, khó khăn đầu tiên là làm sao bắt được “tận tay” được những kẻ có hành vi sàm sỡ, quấy rối trên xe buýt. Khi bị sàm sỡ, nạn nhân phải lên tiếng để nhân viên xe buýt, tài xế, hành khách cùng phối hợp bắt giữ, tố cáo, làm chứng – trên thực tế điều này “nói dễ hơn làm”.

Trong khi không phải xe buýt nào cũng trang bị camera, ngay cả có camera cũng khó có thể ghi hình đầy đủ, đặc biệt trong giờ cao điểm, người đông, đứng san sát nhau, tạo ra nhiều góc khuất. Kẻ gian còn có thể sử dụng áo, túi xách để che chắn, hành vi cũng có thể diễn ra rất nhanh, trong vài phút, thậm chí vài giây. Do vậy, kể cả khi nạn nhân báo lại sau đó mà không có bằng chứng cụ thể, “kẻ biến thái” vẫn có thể chối nhận là mình.

Dù rằng đã có lời kêu gọi “Hành khách cần mạnh dạn tố giác vì khi có tố giác ngay trên xe thì tiếp viên, tài xế và hành khách sẽ hỗ trợ để xử lý” nhưng đổi lại nhiều người dân cũng đặt câu hỏi về các quy trình trình báo, trích xuất camera, xử lý hành vi sàm sỡ này như thế nào.

Chẳng hạn, nếu xe đang chạy mà có người kêu lên bị sàm sỡ thì sao, tài xế đang lái xe thì tiếp nhận và xử lý phản ánh kiểu gì? Như vậy, dù có quy định, có trình báo nhưng khó tìm ra cơ sở để xử lý, áp dụng hình phạt trên thực tế. Chưa kể, tâm lý của hành khách nói chung thường là e ngại “chuyện bao đồng” nên việc yêu cầu ai đó xung phong làm chứng cũng khó khả thi.

Được biết, nhiều nước trên thế giới cũng đã “mạnh tay” hình sự hoá hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng như Bỉ, Bồ Đào Nha, Pháp… và gần đây nhất là nước Anh cũng đang chuẩn bị thông qua quy định này. Như vậy, những “kẻ biến thái” có thể phải đối mặt với án tù giam chỉ vì “cái tay hư” của mình.

Trên cơ sở đó, cũng có một số ý kiến cho rằng ở Việt Nam, hành vi sàm sỡ, QRTD trên xe buýt đối với người dưới 16 tuối không thể chỉ là xử phạt vi phạm hành chính, mà có thể có dấu hiệu phạm tội hình sự, cụ thể là tội danh Dâm ô người dưới 16 tuổi, căn cứ Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc chưa có đủ căn cứ, cơ sở để áp dụng quy định này.

Đọc thêm