Một tàu cuốc khai thác cát ngay sát bờ sông (ảnh: Hoàng Việt).
Một tàu cuốc khai thác cát ngay sát bờ sông (ảnh: Hoàng Việt).

Tuyên Quang: Người dân lo lắng trước việc khai thác cát sỏi tràn lan trên sông Lô

(PLVN) - Trong những năm qua, việc khai thác cát sỏi trên sông Lô đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tình trạng khai thác tràn lan thiếu quản lý làm cho soi bãi sạt lở, dòng chảy thay đổi, lòng sông hạ sâu, mực nước ngầm giảm thấp trầm trọng gây ra khó khăn trong việc sản xuất và sinh hoạt của người dân hai bên bờ.

“Nhập nhèm” vị trí mỏ 

Theo phản ánh của người dân thôn Mãn Sơn, cách đây vài tháng (khoảng tháng 5/2020), có 2 chiếc tàu cuốc về khu vực sông Lô thuộc xã Vân Sơn - Sơn Dương – Tuyên Quang để khai thác cát sỏi (giáp danh với tỉnh Phú Thọ). Tàu cuốc số 1 hoạt động trên khu vực thôn Đồn Hang, tàu cuốc số 2 hoạt động tại khu vực thôn Mãn Sơn.

Người dân Mãn Sơn không khỏi lo ngại, soi bãi trước đây đã sạt lở gần hết vì khai thác cát sỏi nay tàu cuốc lại tiếp tục hoạt động thì chẳng bao lâu con đê đang tu sửa cũng có nguy cơ sạt lở xuống sông. Anh Hoàng Việt D., người dân thôn Mãn Sơn cho biết, mỏ khai thác khoáng sản này là của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Trung Hà (Công ty Trung Hà) có trụ sở tại phường Dữu Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Mặc dù theo danh giới, mỏ khai thác phải cách mép nước là 60m nhưng không ít lần tàu cuốc của công ty này ngang nhiên vượt phạm vi cho phép, đánh vào sát bờ, chỉ còn cách mép nước 10 – 15m, có lúc chỉ còn 5m. Người dân Mãn Sơn hết sức bức xúc nhiều lần ra xua đuổi, thậm chí còn đo đạc và cắm mốc vị trí mỏ khai thác nhưng cũng chỉ ít phút sau, khi người dân trở về, việc khai thác ngoài phạm vi cấp phép lại đâu vào đấy.

Việc cấp phép không được công khai, minh bạch khiến người dân không nắm rõ chính xác vị trí mỏ, tổng sản lượng được khai thác nên rất khó giám sát, bảo vệ. Cũng đã không ít lần người dân Mãn Sơn phản ánh tình trạng khai thác sai phép của Công ty Trung Hà đến chính quyền địa phương nhưng chính quyền xã nói không đủ thẩm quyền xử lý, các cơ quan chức năng về kiểm tra thì Công ty dừng hoạt động, nhưng đoàn kiểm tra vừa rời đi thì tàu cuốc lại tiếp tục khai thác rầm rộ hơn.

Tàu cuốc có dấu hiệu khai thác vượt mốc cho phép (Ảnh: Hoàng Việt).
Tàu cuốc có dấu hiệu khai thác vượt mốc cho phép (Ảnh: Hoàng Việt).  

Tại thời điểm phóng viên ghi hình, người dân địa phương cho biết tàu cuốc số 1 của Công ty Trung Hà có dấu hiệu khai thác vượt vị trí mỏ được cấp phép cả 100m về phía hạ lưu. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, xử phạt thích đáng thì không biết đơn vị khai thác sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi sai phạm đến đâu. Việc lợi dụng giấy phép, được cấp một đằng nhưng khai thác nhiều nẻo là tình trạng diễn ra tại không ít các mỏ khai thác khoáng sản dọc tuyến sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhất là những khu vực giáp danh với tỉnh Phú Thọ.

Theo phản ánh, giá bán mỗi khối cát tại mỏ của công ty là 210.000VNĐ/ m3, còn sỏi có giá bán là 130.000VNĐ/ m3. Trung bình mỗi ngày một chiếc tàu cuốc khai thác được 200 - 300m3 sỏi và khoảng 300 – 500m3 cát. Như vậy một chiếc tàu cuốc khai thác sai phép một ngày đã đem lại lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp khai thác. 

Hoài nghi năng lực quản lý 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ tịch UBND xã Vân Sơn (Sơn Dương – Tuyên Quang) cho hay, UBND xã đã hai lần nhận được phản ánh của công dân và đều cử cán bộ xuống xác minh lập biên bản. Lần thứ nhất, khi xã xuống thì tàu của công ty không hoạt động nên không thể lập biên bản; lần thứ hai theo phản ánh xã xuống kiểm tra, lập biên bản và báo cáo lên huyện.

Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra của huyện xuống thì công ty dừng hoạt động nên không thể xác minh, xử lý. Bà Hạnh chia sẻ thêm, theo quy định UBND xã có thể xác minh lập biên bản nhưng không có thiết bị để định vị chính xác tọa độ của tàu khai thác là đúng hay sai so với vị trí được cấp phép và thực chất xã cũng không có thẩm quyền để xử phạt.

Soi bãi của người dân thôn Mãn Sơn bị sạt lở nặng nề (Ảnh: Hoàng Việt).
Soi bãi của người dân thôn Mãn Sơn bị sạt lở nặng nề (Ảnh: Hoàng Việt).  

Vì thế, UBND xã cũng chỉ có thể nắm bắt các thông tin theo sự phản ánh của người dân và thực hiện đúng chức năng quản lý của mình. Trao đổi thông tin với báo chí, đại diện Công ty Trung Hà, ông Lưu Quang Trung khẳng định việc khai thác khoáng sản của công ty trên địa bàn xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là hoàn toàn đúng vị trí mỏ được cấp phép.

Ở khúc sông này, ngoài Công ty Trung Hà còn hai doanh nghiệp nữa cùng được cấp phép, phía trong là của Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang, phía dưới là của Công ty TNHH 27/07 nên Công ty Trung Hà có muốn khai thác vượt phạm vi cũng không phải dễ. Để xác định tính pháp lý trong việc khai thác khoáng sản trên Sông Lô của các doanh nghiệp, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang, Sở Tài nguyên – Môi trường và Công an tỉnh Tuyên Quang.

Tuy nhiên, tới nay UBND tỉnh chưa có lịch làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ trả lời bằng một văn bản ngắn với “đường link” để tra cứu thông tin. Giấy phép khai thác khoáng sản số 32/GP-UBND do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Trung Hà được đăng tải trên Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường không có dấu giáp lai ở các trang.

Tuy nhiên, điều bất thường lớn nhất nằm ở phần phụ lục đính kèm, không biết vì vô tình hay hữu ý mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang chỉ đăng tải duy nhất Phụ lục số 1 để xác định “Ranh giới tọa độ khu vực khai thác” mà không hề đăng tải Phụ lục số 3 về “Tiến cấp quyền khai thác hàng năm”, hay Phụ lục số 4 chỉ định “Sản lượng khai thác hàng năm và địa chỉ tiêu thụ” và Phụ lục số 5 quy định chi tiết “Số lượng phương tiện thiết bị được phép sử dụng trong khai thác vận chuyển cát sỏi”.

Bên cạnh đó, sơ đồ mỏ khai thác cát sỏi của Công ty Trung Hà tại xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương cũng không được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang. Những cơ sở pháp lý quan trọng để xác minh việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đăng tải sơ sài, thiếu hẳn những chi tiết quan trọng đã gây khó khăn cho người dân cũng như các cơ quan báo chí trong việc tiếp cận và xác minh thông tin.

Phải chăng có điều gì khuất tất trong việc đăng tải công khai toàn bộ Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Trung Hà? Việc tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản của cơ quan chức năng ra sao; hoặc giả như khi công ty này khai thác cát sỏi vượt phạm vi được cấp phép thì ai là người kiểm tra, xác minh, lập biên bản, xử phạt… hay cứ để tình trạng khai thác tràn lan, thiếu kiểm soát của Công ty Trung Hà diễn ra như cơm bữa khiến người dân bức xúc. Tinh thần làm việc lơ là, thiếu trách nhiệm còn được thể hiện rất rõ tại chính Công an tỉnh Tuyên Quang.

Khi tới liên hệ đặt lịch làm việc, trực ban đã không cho phóng viên vào cơ quan gặp cán bộ văn phòng để thực hiện nhiệm vụ của mình mà “giữ chân” phóng viên ngoài cổng để chờ xin phép ý kiến của lãnh đạo. Sau gần một giờ đồng hồ chờ đợi phía ngoài, phóng viên nhận được một câu trả lời ngắn gọn “lãnh đạo bận họp” hẹn phóng viên lần sau.

Được biết, vài năm trở lại đây hàng chục giấy phép khai thác khoáng sản trên sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được cấp, ai đảm bảo rằng các công ty tuân thủ pháp luật khai thác đúng vị trí mỏ. Trong khi đó, chính quyền cấp xã nói không có thẩm quyền, chính quyền cấp huyện không thể xác định xử phạt và chính quyền cấp tỉnh thờ ơ trước những phản ánh của người dân và báo chí, khiến dư luận không khỏi hoài nghi về năng lực quản lý của các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang trong công tác cấp phép và quản lý việc khai thác khoáng sản trên sông Lô.

Cát sông Lô được ví là “khối cát khối vàng”, đem lại nguồn thu khổng lồ, vẫn là miếng bánh béo bở không dễ gì từ bỏ. Phải chăng, có những nhóm lợi ích đã hình thành để biến những mỏ khai thác khoáng sản trở nên mơ hồ, khó xác định vị trí, hòng để chiếm đoạt nguồn lợi không hề nhỏ sinh ra từ việc khai thác cát sỏi trên sông Lô?. 

Đọc thêm