Tuyển sinh 2013, nhóm ngành khoa học xã hội khởi sắc

Các thí sinh của mùa thi đại học năm nay đang ở giai đoạn nước rút, phải nhanh chóng đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề. Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết, các ngành “hot” của những năm trước đang ở thế bão hòa, các ngành khoa học xã hội đang có dấu hiệu khởi sắc.

Các thí sinh của mùa thi đại học năm nay đang ở giai đoạn nước rút, phải nhanh chóng đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề. Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết, các ngành “hot” của những năm trước đang ở thế bão hòa, các ngành khoa học xã hội đang có dấu hiệu khởi sắc.

TS Phạm Mạnh Hà tư vấn giúp các bạn học sinh chọn nghề

Tránh chọn nhầm… nghề

Năm vừa qua, trước hàng loạt thông tin về khối ngành kinh tế đã bão hòa nhân lực, cùng thực tế cắt giảm nhân sự ở hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là khối ngân hàng khiến nhu cầu của thí sinh trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 có xu hướng thay đổi mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết, trường đã tiến hành khảo sát 30.000 học sinh các trường THPT khu vực phía Bắc, kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh lựa chọn ngành tài chín-ngân hàng vẫn thuộc tốp đầu nhưng đã giảm so với năm 2012. Tỷ lệ lựa chọn dự thi khối ngành này chiếm khoảng 17-18% trong tổng số các ngành nghề.

Cùng với đó, đánh giá về xu hướng chọn ngành nghề của học sinh năm 2013, các chuyên gia cho biết, các nhóm tư vấn khối ngành kinh tế vẫn thu hút khá đông học sinh, tuy nhiên khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - luật - quân đội - công an - y dược - nông lâm năm nay nhận được sự chú ý đặc biệt của học sinh và đông không kém khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế.

Điều này cho thấy, các trường cũng như thí sinh đang nhanh chóng điều chỉnh để có những lựa chọn ngành nghề ngày càng gần với nhu cầu xã hội.

Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu nhân lực mới, một số trường tập trung đào tạo sâu ở chuyên ngành an toàn thông tin mạng. Theo đó, Học viện Công nghệ và Bưu chính viễn thông năm học này bắt đầu đào tạo ngành An toàn thông tin với 150 chỉ tiêu, đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương thi khối A, A1.

Đây cũng là ngành mới mà ĐH FPT đang quảng bá sẽ mở vào năm học này.

Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM dự kiến tuyển 1.830 chỉ tiêu; tuyển mới ngành kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro. Trường ĐH Y dược Cần Thơ dự kiến 1.250 chỉ tiêu năm 2013, tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2012. Trường dự kiến sẽ tuyển mới ngành bác sĩ y học cổ truyền.  

Cần tỉnh táo khi chọn nghề

Ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM cho biết, qua khảo sát, có khoảng 60% học sinh chọn sai ngành học; chỉ 5% học sinh thật sự có hiểu biết về ngành chọn học, 25% có hiểu biết tương đối đầy đủ và đến 75% thiếu hiểu biết về nghề chọn học… Vì vậy, số lượng sinh viên sau tốt nghiệp khó kiếm việc làm, làm nghề tay trái khá cao.

Hầu hết các em đều chọn nghề khi chưa được hướng nghiệp sâu. TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đưa một số gợi ý chung về nguyên tắc chọn nghề.

Theo đó, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là không chọn nghề mà các em không thích. Khi lựa chọn nghề, thí sinh thường bị chi phối bởi nhiều thông tin khác nhau như: Nghề này ra trường có việc làm không, thu nhập bao nhiêu, nghề kia năm nay chỉ tiêu bao nhiêu, điểm chuẩn cao không…

Nếu thí sinh chỉ căn cứ vào thông tin đó để đưa ra lựa chọn nghề và trường mà không căn cứ vào việc mình có đam mê lĩnh vực đó không sẽ dẫn đến chán nản trong quá trình học tập sau này.

Nguyên tắc thứ hai là không lựa chọn nghề mà mình không có năng lực và không có khả năng đáp ứng nó, bởi mỗi nghề nghiệp đều có các yêu cầu đối với mỗi cá nhân. Nghề là dạng lao động được chuyên môn hóa, mỗi nghề đòi hỏi một tính cách, một năng lực của người làm nghề.

Nguyên tắc thứ ba là không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu, nghề quá xa lạ, quá xa vời với thực tế.

Và điều quan trọng là thí sinh phải trả lời được câu hỏi mình thích làm nghề gì. …

Uyên Na

Đọc thêm