Chào đời ở Đài Loan vào năm 1955, bà Lý làm phụ tá phòng thí nghiệm tại Trung tâm y khoa Quốc phòng Đài Loan năm 21 tuổi. Bà Lý bắt đầu lờ mờ nhận ra mình có khả năng se duyên cho người khác. Sau đó, Lý bỏ việc, sang Mỹ định cư.
Mới đến Mỹ với trình độ tiếng Anh hạn chế, lúc đầu bà Lý cũng gặp không ít lúng túng về việc tìm một nghề có mức lương thỏa đáng. Bà quyết định dấn thân vào nghề làm mối nhưng nâng cấp cao hơn, thành một dịch vụ được trả thù lao tương xứng ngay trong cộng đồng người Tàu ở Flushing.
Kết duyên cho hơn 2.000 đôi vợ chồng
Thậm chí ngày hôm nay, khi mà các ông bà mai thường lệ thuộc vào máy vi tính để cho ra các thông tin cần thiết và 1/4 lớp người trẻ đang sử dụng các ứng dụng kết bạn trực tuyến để tìm bạn đời, thì nghề của bà Lý vẫn giữ truyền thống cũ.
Bà cẩn thận giữ gìn thư từ và những bức ảnh của khách hàng, phân loại tỉ mỉ theo giới tính và độ tuổi. Bà Lý đã mai mối cho hơn 1 vạn người, trong số đó khoảng 2.000 cặp đã nên duyên chồng vợ. Dù cậu con út làm nghề bảo trì máy tính, và có nhiều máy tính nhàn rỗi ở nhà, song bà Lý vẫn không định sẽ dùng vi tính để điều hành hoạt động kinh doanh của mình.
Với giọng Phúc Kiến pha trộn với tiếng Đài Loan, bà Lý kể: “Tôi nhớ tốt mọi con số, các câu chuyện và nội tình các khách hàng. Đó là những kiến thức sống”. Bà Lý có thể nhớ vanh vách các thông tin cá nhân như tuổi tác, quê quán và trình độ học vấn chỉ bằng cách quan sát ảnh của khách hàng, hoặc cố gắng tìm ra những điểm chung giữa người này để mai mối với người khác.
Bà Lý kể về những khách hàng trong một bức ảnh chụp từ năm 2005 |
Khi đi gặp khách hàng, bà Lý không xách theo laptop mà mang theo những tấm ảnh. Bà sử dụng một quyển vở để ghi lại các cuộc điện thoại gọi đến, ghi lại cả tuổi tác, nghề nghiệp và số điện thoại. “Anh bạn trẻ trạc tuổi 40. Anh ta lớn lên ở đây. Công dân Mỹ. Chiều cao…. Sinh năm 1989. Cha mẹ anh bạn trẻ làm kế toán”.
Lý nhìn vào ảnh và nói vanh vách như thể bà đang nói về con cháu của mình vậy. Bà giải thích: “Các trang web tìm bạn đời đều có thông tin giả mạo. Tôi đã kiểm chứng rồi. Qúy vị vào trang, đọc tất tần tật mọi thông tin, ngó nghiêng các bức ảnh. Nếu quý vị dùng máy tính, quý vị sẽ mắc kẹt trong núi thông tin ở đó”.
Ngoài việc có một khả năng nhớ lâu, bà Lý còn biết cách làm thế nào để nói chuyện ngọt ngào, êm ái nhằm giúp khách hàng cảm thấy hài lòng, vui vẻ, mới xứng đáng đồng tiền bát gạo. Không quan tâm cách khách hàng nhìn mình ra sao, bà Lý luôn chào đón họ nồng ấm, khen họ “điển trai”, “xinh gái” mỗi lần khách đến gặp bà. Fei Long, một quý ông trẻ trung với tâm trạng hồi hộp tìm vợ khi đặt chân đến cơ sở của bà Lý, được bà vồn vã:
“Chào chàng trai trẻ. Anh đã hết giờ làm việc rồi hả? Trông anh ốm rồi đó. Nhưng trông dễ coi hơn hồi đầu tôi mới gặp anh”. Vừa đon đả, bà vừa kéo ghế mời khách ngồi. Lý luôn mặc bộ đồ đỏ, trên đó có ghi ký tự biểu tượng cho các bà mối Trung Quốc: “Hong Niang”, chữ “Hong” nghĩa là đỏ, mà cái màu này lại tượng trưng cho hôn nhân và may mắn. Còn bà Lý nói rằng lý do bà mặc đồ đỏ là để người ta thấy chuyên nghiệp và thân tình hơn.
Những bức ảnh trên tường nhà cho thấy các sự kiện mà bà Lý đã thực hiện suốt thời gian qua |
Gian nan nghề mai mối
Dịch vụ của bà Lý còn bao gồm việc đưa ra các lời khuyên, trả tiền các tin nhắn, chia sẻ các mối quan hệ và theo dõi tình trạng của khách hàng cho đến khi họ nên duyên chồng vợ. Bà còn nhận tiền bồi dưỡng, qùa tặng trong hồng bao từ khách hàng ngay trong ngày cưới của họ theo phong tục Trung Quốc. Qùa tiền mặt có thể dao động từ 500 USD đến 2.000 USD hay tùy vào khách giàu hay nghèo mà cho tặng thì số tiền có thể cao hơn.
Ngay từ năm 2000, khách hàng phải trả dịch vụ cho bà Lý tương đương số tiền 100 USD (ngày nay là 500 USD). Khi mà ngày càng nhiều di dân Trung Quốc tìm tới sinh sống ở thành phố Flushing (New York), thì những phòng môi giới cũng bắt đầu mọc lên ở “Phố Tàu”. Một số đối thủ của bà Lý lấy của khách tới hàng ngàn USD.
Cuộc chiến giữa các văn phòng môi giới hôn nhân cũng khốc liệt không kém khi họ luôn “quăng bom” nói xấu nhau. Thấy khách hàng tìm đến cơ sở của bà Lý đông áp đảo, họ tuyên bố khách hàng của bà là tài xế xe tải và nhân viên giao hàng và đều có trình độ học vấn thấp. Bà Lý cười khẩy nói: “Người ta tin rằng giá cao khẳng định chất lượng tốt. Thì cũng như mua túi xách, túi càng đắt tiền thì cho là giá trị cao, thế thôi”.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, bà Lý cũng khá chật vật trong việc thu hút khách hàng mới. Năm 2014, bà mua 1/2 trang quảng cáo trên tờ báo Mỹ, Sing Tao Daily, với mức giá 240 USD. Trong vài năm qua, giá quảng cáo đã tăng gấp đôi, và bà Lý cảm thấy không kham nổi, nên hoạt động môi giới của bà hiện tại dựa trên các mối quan hệ và khách hàng cũ.
Bà mai trần tình: “Bạn bè tôi giúp tôi quảng cáo cho khách mới”. Có đôi lúc bà nghĩ phải tăng giá dịch vụ, nhưng lại chột dạ khi nghĩ sẽ mất khách. Một phân khúc trong khách hàng của bà Lý là các du khách và du học sinh Trung Quốc muốn định cư lâu dài ở Mỹ.
Bà Lý từng đăng quảng cáo dịch vụ của mình trên tờ báo Trung Quốc, World Journal, tờ này xuất bản ở Mỹ năm 2002 |
Tháng 12/2016, bà Lý chỉ kiếm đúng 1 khách hàng mới, là một cô gái 25 tuổi có ý định sẽ lấy chồng giàu có để giúp cô này mở một cửa hàng quần áo ngay trên tầng 2 của tòa nhà New World Mall ở Flushing. Hai khách hàng khác quay lại trả công cho bà Lý, 100 USD và 200 USD. Song bù lại, mùa lễ là mùa bà Lý làm ăn phát đạt nhất. Tết năm vừa rồi, bà Lý nhận được hàng loạt yêu cầu từ phía khách hàng, bà giúp tổ chức những buổi gặp mặt và ăn tối lãng mạn cho các đôi bạn trẻ.
Vất vả hôn sự của người Hoa
So với thanh niên Mỹ thì thanh niên Trung Quốc không có được sự độc lập về tài chính, phần lớn sống lệ thuộc vào cha mẹ, vì thế các bậc phụ huynh phải rất đắn đo cho hôn nhân của con cái mình. Sinh ra trong các gia đình Trung Quốc truyền thống, những đôi bạn trẻ chỉ biết nhất mực tuân theo các tiêu chuẩn mà cha mẹ đưa ra về người bạn đời lý tưởng.
Nhiều gia đình Trung Quốc yêu cầu con cái phải lấy người cùng tổ quốc, nhưng vì nhiều người Trung Quốc sống ở các nơi khác nhau nên tiếng nói có phần pha tạp, một số người Hoa chống lại hôn nhân sắp đặt. Người Hong Kong chỉ lấy người cùng quốc đảo. Người Thượng Hải với người Thượng Hải. Người Quảng Đông lấy người cùng địa phương. Người Phúc Châu chỉ lấy người cùng địa phương. Đó cũng là lý do chính để bà mai Lý tác hợp cho các đôi vợ chồng.
Mùa hè năm 2016, Rong Ren, một nhà phân tích 27 tuổi người gốc Phúc Châu, làm việc cho công ty Debtwire, đã gặp gỡ một cô gái gốc Quảng Đông thông qua một bà mai gốc Phúc Châu, bạn của mẹ anh Rong Ren. Dù tình yêu của đôi trai gái tiến triển rất tốt đẹp, nhưng mẹ của Rong Ren không bằng lòng vì bà vẫn nuôi ý định con trai nên lấy vợ người Phúc Châu.
Nhiều bậc cha mẹ cũng mong đợi con cái mình lấy bạn đời cùng quê hương bản quán, hoặc chí ít là cùng ngành nghề với nhau, ví dụ bác sĩ lấy bác sĩ, và vợ hay chồng càng giàu càng tốt. Khi Fei Long tìm đến bà mai Lý, hai bà mẹ và một bà nội đã ở đó từ bao giờ, đang chuyện phiếm. Một bà mẹ đến từ Thượng Hải muốn bà Lý tìm cho đứa con gái 29 tuổi của mình một người chồng đáng tin cậy.
Bà Lý chỉ cho phóng viên xem những bức ảnh về những đôi vợ chồng do bà mai mối thành công |
Qin Shi, bà mẹ Thượng Hải, phân trần: “Con gái tôi lấy ông 50 tuổi cũng được miễn là ông ấy giàu. Chiều cao là chuyện nhỏ”. Suốt 5 năm, bà Shi vất vả tìm chồng cho cô con gái Xiaoyue Ma nhưng thảy đều không hài lòng. Trong khi cô Ma, người làm việc trong ngành dược ở Flushing, lại không thích lấy chồng già hay giàu theo lời giới thiệu của bà mai Lý.
Để tránh việc con cái bị ế chồng, ế vợ, những bà mẹ này đã đổ xô đến bà mai Lý để hy vọng bà thúc đẩy nhanh đám cưới cho con họ. Nếu để lâu mà không vừa người nào, thì các bà mẹ sẽ “hạ giá” tiêu chuẩn về chiều cao, tuổi tác, diện mạo, và có khi chuyện giàu nghèo không thành vấn đề…/.