Tuyệt sắc đào đá cổ của người Mông ở miền Tây xứ Nghệ

(PLVN) - Còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, những vườn đào cổ cạnh chân núi của người Mông ở miền Tây xứ Nghệ đã chúm chím nở. Cảnh mua bán, ngã giá đào của thương lái và dân bản bắt đầu trở nên huyên náo. Không chỉ là một nét văn hóa, làm đẹp bản làng, cây đào đá của người Mông giờ còn mang lại giá trị kinh tế, góp phần đem đến cái Tết no đủ cho bà con ở rẻo cao xứ Nghệ.
Đào đá cổ được nhiều người lựa chọn những năm gần đây.
Đào đá cổ được nhiều người lựa chọn những năm gần đây.

“Thủ phủ” đào rừng

Na Ngoi, một xã thuộc huyện miền núi Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) được xem là thủ phủ trồng đào rừng lớn nhất ở Nghệ An. Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này đã tạo cho thân cây khi được trồng sẽ mọc lên nhiều rêu mốc, cổ kính. Dân chơi đào gọi là “đào rừng”, thường được bán với giá cao hơn.

Đôi tay nhanh nhẹn buộc gọn cành đào lại, ông Vừ Bá Tênh, bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi hớn hở: “Những cành đào này ta chặt từ trong vườn nhà mình, trồng cũng gần chục năm rồi. Cành đẹp ta bán 1 triệu rưỡi, vì đào to đẹp, nhiều nụ, lại có rêu mốc và tầm gửi bám ở thân cây. Còn những cành khác nhỏ hơn, ít nụ hơn thì giá khoảng 300.000 - 500.000 đồng”. 

Đào từ trên núi xuống, khách từ dưới xuôi lên, khiến cho vùng rẻo cao biên giới vào những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp, náo nức không khí Tết. Cách nhà ông Tênh không xa, một hộ gia đình khác cũng dựng nhiều cành đào đang chớm nụ trước cửa nhà. Chủ nhà nói: cứ để rứa thôi, ai hỏi mua thì bán. Nhà mình bắt đầu bán từ mấy ngày nay, khách toàn là người xuôi, chứ dân bản nhà ai cũng có đào. Mỗi Tết, nhà ta cũng thu được gần chục triệu tiền bán đào.

Người Mông thường trồng đào rừng ở trên rẫy, sườn núi.
Người Mông thường trồng đào rừng ở trên rẫy, sườn núi.  

Ngoài khách lẻ, rất nhiều thương lái cũng bắt đầu đổ về đây để “săn” đào. Một thương lái lâu năm ở xã Nghi Ân, TP Vinh chia sẻ, người chơi đào đá nay cũng rất kỹ tính, khắt khe. Mỗi người thích một kiểu nên chúng tôi phải lấy “hàng” đa dạng. Nhiều năm trước, anh thường ra Bắc chọn đào nhưng do chi phí vận chuyển đắt đỏ nên nhiều năm nay quyết định ngược lên miền Tây xứ Nghệ chọn đào. 

Người đàn ông này cho hay, tất cả “hàng” đều là do người dân trồng chứ không có đào rừng. Mỗi vườn, rẫy đào đều có chủ, sau khi trả giá với người dân mới được phép chặt. Giá mỗi cây giao động từ 500 nghìn đến cả chục triệu đồng. Đào chặt xong được chất lên xe tải lớn, chỉ cần không vi phạm luật giao thông, xe sẽ về xuôi ngay trong ngày.

Ngoài khách lẻ, đào đá cổ còn được nhiều còn thương lái săn đón.
Ngoài khách lẻ, đào đá cổ còn được nhiều còn thương lái săn đón.  

Theo những hộ trồng đào lâu năm ở đây, đào rừng hiện rất hiếm, gần như không có bán trên thị trường. Còn đào mà Tết bà con mang xuống xuôi bán là đào rừng trồng ở vườn nhà. Ở xã miền núi này, hầu như nhà nào cũng có cây đào. Hàng năm, cứ đến dịp cận Tết, dân bản thường chọn những cành đẹp, chặt bán cho thương lái để kiếm thêm thu nhập. 

Việc phát triển kinh tế bằng cách trồng đào nhiều năm nay được chính quyền xã Na Ngoi áp dụng. Xã vận động dân bản trồng đào trên các sườn đồi, nương rẫy, vừa thuận tiện cho việc chăm sóc, chặt cành bán vào dịp cuối năm. Hiện, toàn xã Na Ngoi có hàng chục hécta đào được trồng tập trung ở các bản như Buộc Mú, Kẻo Bắc, Ka Nọi, Tổng Khư... Từ khi nơi đây trở thành thủ phủ của đào rừng, nhiều gia đình ở Na Ngoi đã thoát nghèo nhờ việc bán đào phục người dân chơi Tết.

Trồng đào để làm kinh tế, vừa cho đời con cháu

Ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, tên gọi “đào rừng” như là một tên thương mại chung cho các loại đào chuyển từ miền núi về xuôi. Gọi như vậy để nâng cao giá trị cành đào, vì người tiêu dùng tại các tỉnh miền xuôi yêu thích các sản phẩm từ miền núi. 

Còn trên thực tế hiện nay trên địa bàn xã không có đào rừng tự nhiên mà chỉ có các loại đào do chính người dân tự trồng trên nương, rẫy và trong vườn nhà. So với bán quả thì bán cành đào vào dịp Tết dễ hơn, lợi nhuận cao hơn. Chủ trương của xã là chỉ cho bán cành, giữ lại gốc, vì giữ lại gốc sẽ phát triển cành mới...

Trong nhiều hộ dân mạnh dạn trồng đào theo hướng đại trà để phát triển kinh tế, anh Xồng Bá Lẩu, ở bản Puộc Mú 1 là một điển hình. Anh Lẩu chia sẻ năm 2011 anh và gia đình mạnh dạn đầu tư trồng 3ha đào mốc. Vườn đào của gia đình có hơn 850 gốc, toàn bộ là đào đá, đào rêu mốc, trồng đã hơn 10 năm tuổi. Hàng năm, gia đình anh chặt cành bán 1 lần và giữ gốc lại, sau 3 - 4 năm cành bị chặt sẽ tiếp tục phát triển trở lại và lại cho thu hoạch. Nhờ vườn đào mà hàng năm, gia đình anh thu nhập khoảng trên dưới 100 triệu đồng. 

Những cành đào đá cổ đẹp được dân bản chặt để bán cho khách.
Những cành đào đá cổ đẹp được dân bản chặt để bán cho khách.  

Việc quảng bá hình ảnh đào đá của bà con thời gian gần đây càng chuyên nghiệp hơn. Họ dùng điện thoại, quay phim, chụp ảnh để đăng lên mạng Internet. Chính vì thế, việc bán hàng cho khách càng dễ hơn. Già Lầu Giống Dìa khoe hôm trước vừa bán được một xe đào cho khách với giá 15 triệu đồng. Gia đình ông và em trai là những hộ trồng nhiều đào nhất ở bản Ka Trên và Phù Khả 1 (xã Na Ngoi). 

Hiện giờ, ông đang có khoảng 200 gốc đào trên rẫy. Ra Tết, sẽ trồng thêm khoảng 30 gốc nữa. “Năm nào cũng trồng, phải trồng liên tục thì mới giữ được cây đào, mới có mà chặt bán. Người Mông ta trồng đào từ đời ông, đời cha, đến con cháu cứ tiếp tục như thế”, Già Lầu Giống Dìa nói.

Năm nay, trước thông tin chính phủ cấm người dân chặt đào rừng để bán khiến không ít bàn con dân bản hoang mang. Tuy nhiên, theo người dân bản địa và một số thương lái buôn đào kì cựu, việc chặt đào rừng tự nhiên đã bị cấm nhiều năm nay. Kiểm lâm và các lực lượng chức năng đều giải thích rõ cho dân hiểu nên gần như người dân không còn đi khai thác nữa. Còn đào giống từ rừng dân trồng thì tương đối nhiều. Ở các huyện miền Tây xứ Nghệ như Kỳ Sơn, Tương Dương…người dân thường trồng đào trên triền đồi, trong vườn nhà mình hay thành những khu vườn rộng lên tới cả nghìn gốc.

Nếu như trước đây người dân xứ Nghệ mê mẩn vẻ đẹp của đào Nhật Tân, thì nay thị hiếu khách chơi đào đã chuyển hướng chuộng loại đào rừng trồng này vì nó mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. “Hàng năm, cứ đến ngày Tết ông Táo, vợ chồng tôi lại chọn mua một nhánh đào rừng trưng bày trong nhà, giá vào khoảng 1 - 2 triệu đồng/cành. Tết mà không có đào xem như chưa tròn vị”, anh Phan Văn Đức, ở xã Nghi Phú, TP Vinh bộc bạch. 

Với những người dân vùng trồng đào, để có được hoa nở trúng dịp Tết, họ phải chăm sóc tỉ mỉ theo đúng quy trình. Vất vả nhưng ai nấy đều vui mừng, phấn khởi vì đào năm nay được đánh giá đẹp, hy vọng được mùa, được giá. Mỗi vụ đào qua đi, nhà ít thì chục triệu, nhà nhiều thì hàng chục triệu đủ cho họ một cái Tết ấm no, đủ đầy.

Nghệ An không có đào rừng tự nhiên

Liên quan đến nguồn gốc cây đào, ông Đặng Xuân Minh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An khẳng định với báo chí, tỉnh không có đào rừng, trong rừng không có đào, chỉ có đào người dân trồng. Do đó, người dân có thể chặt, buôn bán đào nhà bình thường. Theo ông Minh, phải khuyến khích cho người dân, nhất là bà con vùng cao làm ăn, phát triển kinh tế từ cây đào.  

Đọc thêm