Hơn một tháng nay, ngao ở xã Đa Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc- Thanh Hoá) bị chết hàng loạt nhưng không rõ nguyên nhân. Nhiều hộ đầu tư hàng tỷ đồng đang có nguy cơ mất trắng mùa ngao này.
Nhiều người dân Đa Lộc chỉ biết khóc than cho bãi ngao của gia đình chết trắng. Theo các hộ dân cho hay: mỗi độ nước lũ về là ngao lại chết đến cả tạ, thiệt hại hàng chục triệu đồng/ngày.
Tiền tỷ trôi ra biển
Theo ghi nhân của chúng tôi, mỗi ngày ở các bãi ngao của ngư dân, số lượng ngao chết đến cả tạ. Đến bãi ngao Đa Lộc, mùi hôi, tanh do ngao chết bốc lên nồng nặc, ngao nổi lên trắng xoá.
Nông dân có nguy cơ trắng tay vì gần như toàn bộ số ngao đang đến kỳ thu hoạch bị chết trắng. |
Vợ chồng chị Đặng Thị Hoài than thở: “Gia đình năm nay nuôi 2 hecta ngao thịt, đầu tư gần một tỷ đồng tiền cát bãi, giống, công thợ, dầu… cho đến nay thì toàn bộ số ngao trên đã chết đến 90%”.
Chị Hoài kể, trận lũ tháng 9 vừa qua, sau khi nước rút thì bắt đầu có hiện tượng ngao chết. Càng ngày số lượng ngao chết càng lớn hơn nhưng gia đình không biết làm cách nào để vớt vát lại ít vốn đã đầu tư.
“Hàng năm, với diện tích nuôi trồng ngao như thế này thì gia đình thu lời cả trăm triệu đồng. Thế nhưng năm nay, không ngờ nước lũ về sớm làm ngao chết nhiều đến như vậy. Không biết năm sau vợ chồng chúng tôi có thể tái đầu tư lại được nữa không”, chị Hoài trầm ngâm.
Cùng cảnh ngộ, tại bãi ngao nhà anh Tuấn, hai cha con anh Tuấn đang nhặt số ngao chết đưa lên thuyền để đưa lên bờ vứt. Theo anh Tuấn, tính từ đầu tháng đến nay, hai cha con anh đã nhặt cả tấn ngao đem đi vứt. Ngày nối ngày, số lượng ngao nhà anh chết thêm nhiều.
Anh Tuấn cho biết: “Năm nay, nhà tôi đầu tư nuôi 4 hecta ngao, vốn trên 2 tỷ đồng, giờ ngao đã đến kỳ thu hoạch mà chết như thế này coi như gia đình trắng tay”.
Mất một khối tài sản lớn như vậy nhưng anh Tuấn vẫn con may mắn hơn nhiều hộ nuôi ngao giống như gia đình anh Vũ Đức Hịu. Anh Hịu ươm ngao giống bán cho bà con đã gần như mất trắng khoảng 90%. Lứa ngao giống vừa rồi chưa kịp bán thì đã chết gần hết.
Ông Hịu nói trong nước mắt: “Tổ tôi có diện tích 6 ha, vậy mà chỉ sau một mùa lũ chúng tôi đã mất trắng cả vốn lẫn lời khiến gia đình lâm vào cảnh đường cùng”.
Hiện cả cánh đồng ngao rộng hàng trăm hecta, ngao nổi lên trắng xoá, mùi hôi, tanh bốc lên nồng nặc cả một vùng biển. Nhiều hộ phải thuê nhân công dọn bãi với giá 200-300 ngàn đồng/ngày. Nhiều gia đình nguy cơ nợ nần chồng chất, bỏ bãi.
Ngao chết do lũ
Ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc cho biết: “Ngao là loài nhuyễn thể, hai mảnh sống trong môi trường nước mặn nên khi nước lợ tràn vào, ngao chết hàng loạt là không thể tránh khỏi. Lũ về cuốn theo bùn đã làm ngao chết. Giờ này chuẩn bị vào mùa thu hoạch nên việc ngao chết sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các hộ gia đình”.
Ngao được người dân đánh bắt lên chiếm phân nửa bị chết. |
Theo thống kê của UBND xã Đa Lộc, toàn xã có 430 hecta diện tích nuôi trồng ngao. Đến nay, người dân đã đầu tư nuôi thả trên diện tích 320 ha với 290 hợp đồng.
Theo ông Vũ Văn Đỉnh – Phó chủ tịch xã Đa Lộc, nguyên nhân dẫn đến ngao chết là do lượng bùn của lũ đổ về đã làm cho số ngao trên bị ngạt bùn mà chết. Vụ ngao năm nay xã Đa Lộc dự kiến mất khoảng 20%/tổng số 290 hợp đồng, số hộ nuôi mất từ 50% trở lên, số còn lại có ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Ông Đỉnh tính toán, 1 ha ngao nuôi phải đầu tư khoảng 600 – 700 triệu đồng.
“Trước tình hình trên, huyện Hậu Lộc cũng đã đưa ra phương án giảm 30% tiền thuê đất cho tất cả các hộ nuôi ngao. Những hộ mất trên 50% thì huyện sẽ tính toán và có chính sách hỗ trợ cụ thể sau khi kiểm tra”, ông Đỉnh cho biết.
Trước đó, cuối năm 2011, hàng chục hecta ngao nuôi của các hộ dân của các xã Hải Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc... (huyện Hậu Lộc) cũng đã bị chết trắng. Nguyên nhân được xác định là do môi trường nước ô nhiễm và mật độ dân số nuôi dày. Đây không phải lần đầu tiên ngao trong bãi của người dân chết khiến người nuôi lao đao.
Phạm Thọ