Tỷ phú 'tàn đời' vì trái ý quan chức (Bài 7): Đấu trí đấu lực với các 'tài phiệt' ngân hàng

(PLO) - Từ vị trí một người “bình dân” bước vào lĩnh vực giới chủ ngân hàng, ông Đời phải nhận không biết bao nhiêu sự kỳ thị soi mói. Bằng nghị lực, ý chí, và quan điểm mới mẻ, ông đã vượt qua tất cả:
Không chấp nhận bị chèn ép, ông Đời nhiều lần “một mình chống bầy sói” tranh luận trong các cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng

“Khi tôi nhận chức Chủ tịch Tổng Giám đốc, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mời tôi đến họp lần đầu tiên. Tên của các ngân hàng được sắp theo thứ tự thâm niên trên một bàn dài. Họ sắp tôi ngồi ở ghế tận cùng cách một khoảng trống xa, ngụ ý của họ là không thuận ngồi chung với tôi…

Trước ngày đi họp, tôi không ngủ được vì lo sợ và mặc cảm về sự ít học hơn họ, và cũng chưa bao giờ từng sinh hoạt với các tay kinh tế tài chính như vậy. Ý định của tôi là phải khéo léo nhường nhịn để nhập cuộc với họ, để được sự hợp tác như một đàn em sinh sau nở muộn để dễ bề hoạt động…

Sức mạnh khi lòng tự ái bị xúc phạm

Nhưng khi vào họp, nhìn thấy cách đối xử của họ với tôi như vậy, như một người bị bệnh nặng vừa uống một liều thuốc cực mạnh, đầu óc tôi chợt tỉnh táo một cách lạ thường và hết biết nể sợ, mà còn nung chí phấn đấu tột độ.

Bị chạm tự ái và khiêu khích, lòng tự ái bị xúc phạm, tôi rất đau đớn, vì tự ái là nguồn gốc của muôn sự cay đắng và chua xót ở đời, không có sự đau khổ thống thiết và day dứt nào hơn khi lòng tự ái bị va chạm.

Tôi liên tưởng đến trước đây tôi bị đánh, bị chửi về sự cạnh tranh của hãng gạch Đời Tân, cho đến khi tôi thành công vượt bậc họ nể và khâm phục nên mới chấm dứt. Tôi tự hỏi: “Tại sao tôi không khai triển bó quyết đó để hóa giải sự ganh tị để đi đến sự thành công?”

Thật ra con người ai cũng có bản chất tự vệ tự nhiên của mình. Dù bản chất và truyền thống của gia đình tôi, không ưa thù oán một ai cũng không ưa trả thù trả oán ai cả.

Nhưng sau khi rút kinh nghiệm của vụ cạnh tranh mà tôi bị đánh chửi vì hãng gạch Đời Tân, đã dạy cho tôi sự nhịn nhục tránh né. Vì quyền lợi của họ, họ cũng rượt đuổi theo mình mãi như một bóng ma, nên không phải là thượng sách.

Tôi nhận định và suy luận một bí quyết, muốn chấm dứt những cuộc cãi vã hoặc đụng độ ngoài đường một cách tầm thường, phương thức giải quyết tận gốc của vấn đề không phải là dậm chân tại chỗ để tránh né và nhường nhịn. Mà là phải biết phớt tỉnh mọi việc để bình tâm suy nghĩ, moi óc ra tìm sáng kiến, rồi cố gắng làm việc không ngừng, để vượt lên, vươn xa, thật xa, khỏi tầm tay các đồng nghiệp về mọi mặt, hoặc họ nể và khâm phục, hoặc họ chán nản để không còn tìm cách gây sự nữa.

Bí quyết đó chính là ngọn lửa thiêng nung chí cương quyết phấn đấu tột độ của tôi.

Trụ sở Ngân hàng Quốc gia VNCH khoảng năm 1970

Để thành công trong đời, mỗi khi tôi gặp cạnh tranh hoặc gặp khó khăn với các đồng nghiệp thì tôi đem ra áp dụng một cách thích nghi và quyết liệt, mà nhiều người không hiểu nổi, tại sao khi làm ăn tôi sát phạt đồng nghiệp không nương tay. Trái lại đối với bạn hữu thì lại một mực đối đãi rất tốt, vị nể mà không bao giờ để ý đến quyền lợi! “Chắc tôi có dụ ý gì?”… 

Đơn sơ thôi, vì bàn tay có bề mặt là gia đình, bạn bè là bất vụ lợi nên phải nhường nhịn, bề trái là tranh thương nên không ai thương ai, mà tôi phân minh cho rằng đó là một tôn chỉ quý báu, không khi nào được lầm lẫn hoặc lẫn lộn.

Điều này, ngoài các bạn hữu ra, ai đã quen biết tôi và đã chơi với tôi đều hiểu rõ như vậy, nên dễ cảm mến tôi. Còn những ai xa lạ, chỉ thấy biết qua việc làm ăn giữa tôi và các đồng nghiệp, đều có cảm nghĩ sai lầm, hoặc “không thiện cảm” là điều dễ hiểu.

“Phương thức không chính truyền” 

Khi áp dụng các bí quyết đó thành công, tôi tìm hiểu thêm các lý luận và biện pháp nào được áp dụng để khai triển thêm các sáng kiến. Tôi nhận thấy ở đời, ai ai cũng có một hoài bão, ít nhất được một đời sống rộng rãi để được an nhàn và hạnh phúc, sau nữa để được nở mày nở mặt với dòng họ, bạn bè, còn giàu có là số mạng?

Cơ hội đến mà được tồn lại là yếu tố của sự thành công, khó mà chối cãi điều ấy, cơ hội và sự may mắn đến với tất cả mọi người; có những người không thấy được hoặc có thấy cũng thờ ơ, chờ đợi, còn có những người thính hơi và nhạy cảm thấy biết sớm chụp lấy cơ hội thuận tiện ấy, cộng vào ưu điểm nên sau đây thì sẽ thành công, thành công lớn nhỏ tùy theo khả năng, dù rằng, cùng chung một cơ hội.

Cổ nhân có nói: “Ông Thần Tài luôn luôn đầu hói, chỉ có bộ râu dài, muốn nắm được cơ hội phải biết lúc nào ông đến, để đón giữ bộ râu ông , để khi ông qua rồi sẽ không giữ được gì cả…” 

Tôi nhận định rằng: Số vốn đầu tư tốt đẹp nhất mà ta có thể cung cấp lấy là “Sáng kiến và bản thân ta”, số vốn mà không ai có thể tước đoạt được”. Tiền vốn ấy bị chôn vùi trong tiềm thức, người có chí bất khuất những khi gặp áp bức, khinh khi, khó khăn, thử thách, chồng chất lên người, thêm vào sự đơn độc, buồn tủi, bắt buộc tôi phải quật khởi tìm đường sống. Tôi đã khai thác sử dụng được số tư bản ấy nên tôi đã thực hiện được nhiều đặc sắc mà giới ngân hàng nói là: “Phương thức không chính truyền”.

Khi hiểu biết được như vậy, tôi liền có quyết tâm rèn luyện các năng lực chí lực phát triển, đồng thời làm thức tỉnh những thiên tư tiềm tàng trong người mà tôi thấy thích thú, đi đến sự thành công là điều thích thú hơn nữa, nên tôi đã làm việc liên tiếp 7 ngày liên tục trong 5 năm, 17 giờ trên 24 giờ mà không biết mệt mỏi.

 Trụ sở một số ngân hàng thế lực tại Sài Gòn những năm 1960

Ngoài tài sản đầu tiên “sáng kiến và bản thân” ra, còn có trí thông minh, chịu khó, để thâu hoạch được thêm nhiều tài năng mới trong cơ thể ta, và làm cho chúng khai triển mở mang. Người không chịu khó dù thông minh đến bậc nào, dù có đạt đến thành công, chỉ trong một thời gian ngắn, khó mà giữ được những gì họ có.

Chỉ có sự hiểu biết thực tiễn, chỉ cương quyết hoạt động và ý chí liên tục, mới bảo đảm được kết quả lâu dài. Phải tự quan sát và học hỏi, không hề phó thác cho sự tình cờ, may rủi, phải biết lợi dụng các cơ hội thuận tiện xảy tới và biết áp dụng một cách thích nghi, tất cả thành công là ở đó.

Phải dám cưỡng đoạt cơ hội một cách cương quyết với một ý chí bướng bỉnh, cố gắng không ngừng hướng về mục tiêu đó, không nên chỉ ước ao, chỉ thèm muốn sự thành công của kẻ khác, mà luôn tự nhủ thầm, ta phải chiếm cứ địa vị đó như họ hoặc hơn nữa…

Phải nghĩ rằng mỗi phút trôi qua là một thời gian của đời ta, và nó chỉ có ý nghĩa khi ta biết sử dụng nó theo đúng thời cơ, do đó ta cần thấu triệt và thấm nhuần sâu sắc đề tài của sáng kiến, rồi cần nỗ lực liên tục, và vĩnh viễn để thực thi không để dở dang, không chùn bước thi hành một nhiệm vụ đã quyết định.

Việc chưa thành tựu chắc chắn, chớ lên đình chỉ để bắt đầu một công việc khác. Phải ghi nhớ: “Người nào hay nhảy từ việc này sang việc nọ, họ sẽ không bao giờ làm được việc chi tốt đẹp hoặc hoàn hảo”.

Vượt lên nỗi mặc cảm “khoa bảng”

Trở lại buổi họp, hoàn cảnh của tôi trong buổi họp dù tôi không thù oán ai, nhưng đã làm cho tôi buồn man mác và nghĩ rằng họ có phước được ăn học thành tài và đỗ đạt được gọi là “khoa bảng”.

Còn tôi không may vì chiến tranh nên sự học dở dang chỉ có Brevet Pháp vào thập niên 40, tuy nhiên tôi rất hãnh diện sự thành công rực rỡ với tài sức, tiền và của tôi hiện tại. Tôi đủ sức trả thù lao, các cấp bậc như họ, thế mà họ khinh khi tôi.

Tôi cũng có dịp đọc tiểu sử của các bậc vĩ nhân, các nhà triệu phú trên thế giới, đâu phải tất cả họ đều xuất thân khoa bảng vậy tôi phải tìm cho ra một sáng kiến khả thi, tạo ra một lối đi riêng rẽ để vượt xa hẳn họ để cho họ nể và khâm phục mới được.

Trong bối rối họ lo sợ, thì họ chống đối tôi bằng cách “chánh truyền” rỉ tai, phao truyền tạo ra dư luận đồn ầm nên: “Tín Nghĩa Ngân Hàng sắp sập tiệm, để tiền vào không lấy ra được. Ông Đời là người điều khiển mà không biết nghề, là thằng chăn trâu mới học được chữ ký, làm giàu nhờ lúc chiến tranh lượm được một hòm vàng của người ta chôn giấu”. Được dịp họ thổi phồng và phao truyền để gây hoang mang bôi nhọ.

Biển quảng cáo của ngân hàng Chase Manhattan tại Sài Gòn năm 1971

Một ngày sau khi tôi vừa nhận thêm chức Tổng Giám đốc khi nhóm viện trợ  kỹ thuật vừa rút về, các cán sự cũng bỏ đi, nhân viên đình công đòi tăng lương phá rối một cách vô lý khó khăn càng gặp khó khăn, đến các bạn hữu cũng sợ mà xa lánh Tín Nghĩa.

Sau một thời gian chịu đựng, tôi nghiền ngẫm và nghiên cứu, cố tìm ra sáng kiến để tìm lối đi riêng. Tôi nhận thấy rõ rệt các khe hở của các ngân hàng mà với suy luận và kinh nghiệm trên đường kinh doanh, tôi tin chắc có thể làm được cái gì để phục hồi Tín Nghĩa:

1.Họ đua nhau tranh giành khách hàng to, bỏ quên khách hàng nhỏ.

2.Họ không khai thác trương mục tiết kiệm sâu rộng trong dân chúng. 

3.Họ không trả tiền lời ký thác công bằng (chỉ trả tiền lời trên kết số tối thiểu trong tháng.)

4.Tiền chi phí lập hồ sơ vay quá cao.

5.Lệ phí chuyển ngân, mở trương mục, phát hành chi phí quá cao.

6.Không dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng để giúp đỡ giới bình dân và giữ uy tín dân tộc.

Bí quyết “bảy điều lợi may”

Nhận định như vậy, tôi quyết định tuần tự thực hiện triệt để sáng kiến “Lợi May Bảy Điều”, để tìm khách hàng mới, để bạch hóa sự trao truyền bôi nhọ tôi, tôi sẽ lôi cuốn khách hàng thường.

Bắt đầu tôi lập Ban Mại Bản để giáp thiệp và cung cấp cho tôi tin tức, thành lập danh sách khách hàng bán sỉ và lẻ.

Nói đến mại bản, mọi người đều nghĩ ngay đến người nước ngoài, nhưng tôi không làm như vậy, tôi tìm mời một kỹ nghệ gia Việt Nam là kỹ sư Đình Xáng, cựu Chủ tịch công ty bông vải (Sicovina) vừa làm mại bản và luôn cố vấn nghiệp vụ Tín Nghĩa, cốt để gây thêm tin tưởng.

Giai đoạn 1: Tôi nhờ Ban Mại Bản mời khách hàng nhỏ (lẻ) tiếp tân tại tư gia, 121Yên Đổ Sài Gòn, mà xưa nay giới khách hàng này bị bỏ quên nên không bao giờ được ngân hàng để ý đến, dù là nhân viên ngân hàng cấp bậc nhỏ. Nay họ lại được tôi mời ăn uống vuốt ve mà còn được lợi, Tín Nghĩa bỏ lệ phí bỏ trương mục và phát hành chi phiếu.

Theo đề nghị này của tôi, liền sau đó họ bằng lòng mở trương mục và phát hành chi phiếu tiền trả cho nhà bản sỉ, như vậy họ không lo sợ Tín Nghĩa sập tiệm bất ngờ, làm họ kẹt tiền, cứ như vậy mà họ tiếp tục làm ăn với Tín Nghĩa. Người này làm được, đã có lời và an toàn rồi đồn ra cho người khác là Tín Nghĩa đã tử tế, tiếp đãi ân cần mà lại không tốn chi phí như các ngân hàng khác.

Các giới buôn lẻ đều dồn về Tín Nghĩa càng ngày càng đông, chi phí đi giao hoán càng nhiều, giới buôn lẻ đương nhiên hơn buôn sỉ, không bao lâu chi phiếu của Tín Nghĩa tràn ngập phòng giao hoán, rồi giới buôn lẻ quên lần sự sợ hãi và làm ăn bình thường với Tín Nghĩa.

Ngân hàng Tín Nghĩa được cho là đã thu hút lượng lớn khách hàng tiểu thương, giới bình dân

Giai đoạn 2: Kế tiếp tôi nhờ Ban Mại Bản mời thương gia sỉ đến tư thất dùng cơm và cũng được tôi trình bày trong quyền lợi của họ, được tôi giải thích như sau đây: “Phần đông giới buôn lẻ làm ăn với Tín Nghĩa, nên trả chi phiếu Tín Nghĩa cho quí ông, đem gửi vào ngân hàng khác, phải 24 hoặc 48 giờ sau mới có giá trị, còn ở các tỉnh thì phải chờ cả tuần, hoặc đến khi nào ngân hàng nhận được tiền rồi mới cho vào trương mục tại Tín Nghĩa, dùng gửi vào chứa tạm rồi ký chi phiếu đem về ngân hàng nào tùy ý, như vậy giữa Tín Nghĩa với Tín Nghĩa, tôi cho chi phiếu có giá trị trong ngày, như vậy mấy ông đã an toàn và còn có lợi vì không tổn hao chi cả”.

Đề nghị có lợi và hợp lý đó được đáp ứng mạnh mẽ, ban đầu tiền gửi vào chứa tạm, lần lần họ để tiền luôn tại Tín Nghĩa như các nhà buôn lẻ.

Giai đoạn 3: Thừa thắng xông lên, tôi mở cuộc thi biên soạn tuồng tích, ca nhạc về trương mục “Tiết Kiệm Thần Tài Tín Nghĩa Ngân Hàng” mà tuồng “Của Hồi Môn” được chấm giải nhất. Tôi mời Hùng Cường và Bạch Tuyết đóng vai chính, in ra đĩa hát và băng nhạc tặng khách hàng mở trương mục mới.

Đem xe phóng thanh lưu động trên các đường phố và vùng phụ cận, truyền bá tư tưởng lợi ích tiết kiệm Thần Tài Tín Nghĩa sâu rộng trong dân chúng, từ thành thị đến nông thôn để hiểu rõ tiện nghi và an toàn, mà có sinh lợi hàng ngày của việc ký gửi tiền vào Trương Mục Tiết Kiệm Thần Tài Tín Nghĩa.

Tôi thu hút tiền tiết kiệm, nhằm vào ba tác dụng:

1.Về bình diện quốc gia, khối tiền tệ lưu hành được bổ sung, tránh nạn lạm phát, vì tiền bị dân chúng cất giấu trên mái nhà, dưới đầu nằm, sự thành công thấy rõ.  

2.Về phương diện ngân hàng, ký thác tiết kiệm được vững chắc nhất vì tiểu trương chủ trong loại này ít nhạy cảm không rút tiền ra để đầu cơ, tích trữ mỗi khi có biến động kinh tế, vì tiền của họ là tiền để dành…

3.Về phương diện người ký thác, họ được hưởng lời làm tăng thêm lợi tức hàng ngày của người dân.

Kế hoạch được thành công mỹ mãn, tôi phát động thêm tặng phẩm như lịch treo tường “Thần Tài” tăng cho trương chủ, tiếp theo xổ số trúng radio, cassette, máy may, xe gắn máy, xe hơi…

Tiền ký thác tăng lên nhanh chóng, tôi xin phép Ngân hàng Quốc gia mở thêm nhiều chi nhánh để phục vụ đồng bào, càng ngày càng được đắc lực hơn.

“Cái gai” trong mắt Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch là ông Nguyễn Thành Lập. Ông Bravard Tổng Giám đốc Pháp Á Ngân hàng là Tổng thư ký Hiệp hội.

Hiệp hội xốn mắt trước sự tiến triển của Tín Nghĩa, nên ông Chủ tịch Hiệp hội nhiều lần viết thư khiếu nại với Ngân hàng Quốc gia, triệu tập buộc tôi phải trả lời các khiếu nại:

1.Hiệp hội cho rằng nghề ngân hàng là nghề “noble” mà Tín Nghĩa không theo thông lệ và truyền thống của ngành ngân hàng, làm bảng hiệu néo và treo hình tứ tung như tiệm bán cao đơn hoàn tán, làm mất giá trị ngành ngân hàng.

2.Quảng bá trương mục tiết kiệm như bán thuốc dán sơn đông mại võ.

3.Xổ số có tích cách cờ bạc.

Kết luận của Hiệp hội, yêu cầu Ngân hàng Quốc gia buộc Tín Nghĩa trở về “cương vị đứng đắn” như Hiệp hội đang làm, mà cá nhân của ông Chủ tịch đã làm trên 30 năm nay đã thành công.

Đáp:

1.Trước hết tôi xin phép được quan niệm nghề ngân hàng cũng là một nghề thương mại để kiếm lời mà tất cả nghề thương mại và kỹ nghệ nào cũng đều cùng chung một mục đích như nhau là để kiếm lời. Tất cả nghề đều noble như nhau. Việc bảng hiệu bằng neon, treo hình Thần Tài Tín Nghĩa là một lối quảng cáo gây sự chú ý của khách hàng, tôi cũng quan niệm không thể đánh giá được người qua áo mặc.

Khung cảnh Sài Gòn năm xưa

2.Cho rằng quảng cáo Trương Mục Thần Tài Tín Nghĩa như bán thuốc dán sơn đông, tôi quan niệm việc quảng cáo có thiên hình vạn trạng, miễn là làm sao thu hút được khách hàng để kiếm lời, giữ đúng lời hứa, không giả đạo đức để lừa gạt, bịp bợm khách hàng, là đủ.

3.Cho rằng việc xổ số có tính cách cờ bạc… chúng ta sống ở một chế độ tự do. Ông chủ tịch có quyền nghĩ sao cũng được nhưng không nên bắt người khác phải nghĩ như mình. Còn riêng tôi, tôi cho rằng đó là một lối quảng cáo hấp dẫn để thu hút khách hàng mà không phạm luật.

Về việc kết luận của ông chủ tịch, nhờ Ngân hàng Quốc Gia buộc tôi phải làm y như các ngân hàng của quý ông đã hoạt động từ xưa nay không thay đổi cũng đã thành công… Tôi xin phép được nêu ra sự nhận xét và ý kiến riêng tôi, nói về 30 năm kinh nghiệm trong nghề của ông Chủ tịch, thì không ai dám chối cãi, riêng về sự hoạt động 30 năm của ngân hàng ông, không có mở một chi nhánh nào cả…

Xin ông Thống đốc vui lòng cho phép ông Chủ tịch của tôi được phép đem ký gửi vào “Bảo Tàng Viện”, để ai muốn chiêm ngưỡng sự bảo thủ đó thì đến đó mà xem. Riêng tôi, tôi hiểu rằng việc thương mại thì mỗi ngày mỗi cải cách để tiến bộ.

Chiến dịch vì quyền lợi khách hàng

Dựa vào quyền lợi của công chúng, tôi mở chiến dịch tấn công thêm để tự hóa giải sự đơn độc. 

Tôi vốn có tính bộc trực và công bằng. Tôi tự hỏi tại sao mình không đối xử công bằng với người ký thác tiền vào ngân hàng, khi cho vay ta bắt trương chủ trả lời từ ngày, còn tiền trương chủ ký thác thì chỉ trả kết số tối thiểu trong tháng, nghĩa là trương chủ ký thác 100.000 đồng, để 29 ngày mới lấy ra 90 ngàn thì chỉ được tính tiền lời trên kết số tối thiểu là 10 ngày mà thôi, còn 90 ngàn trên 29 ngày lại bỏ qua?

Nghĩ là làm, tôi bắt đầu quảng cáo mạnh mẽ, thật mạnh “Lợi may bảy điều”, Tín Nghĩa Ngân Hàng trả tiền lời tiết kiệm và ký thác tính trả từng ngày, thay vì tính trên kết số tối thiểu như xưa. Tôi bị Hiệp hội Ngân hàng phản đối, nhờ Ngân hàng Quốc gia buộc tôi không được phá lệ, mà phải làm như các ngân hàng khác đã làm. Hiệp hội còn cho rằng tôi có ý phá hoại, vì làm như Tín Nghĩa đã mất lời mà còn nặng nề bút toán và do đó còn tăng chi phí điều hành.

Trụ sở Hạ nghị viện, nơi ông Đời từng có thời gian làm dân biểu

Tôi đáp: Tôi chỉ lấy lẽ công bằng mà hành xử với trương chủ, như trương chủ đã đối xử với ngân hàng được tính trả tiền lời từng ngày, không có lý ngân hàng vay lại của trương chủ không được trả tiền lời cho trương chủ y như vậy sao?

Việc này Hiệp hội làm áp lực gắt với Ngân hàng Quốc gia, nên Ngân hàng Quốc gia không có quyết định liền mà nói để cứu xét lại.

Tôi cảm thấy mình rất đơn độc, dù thấy mình rất hữu lý, tôi không cách nào khác để thực hành sáng kiến đó, bằng cách thông tin cho báo chí hay, để phổ biến cuộc họp vừa qua. Đương nhiên báo chí nắm lấy khai thác triệt để, đứng vào quyền lợi của dân chúng đã bị thiệt lâu nay, cũng là ủng hộ Tín Nghĩa, nên cuộc tranh chấp ảnh hưởng từ đây về sau, Tín Nghĩa luôn luôn thắng thế. 

Thừa dịp này, Ngân hàng Quốc gia cấp tốc cho hay chấp nhận đường lối của Tín Nghĩa. Các ngân hàng khác tùy ý chọn lựa, hoặc giữ y cũ, hoặc làm theo Tín Nghĩa.

Tôi tiếp tục tìm thêm những sáng kiến dựa trên quyền lợi của dân chúng, như trương mục tiết kiệm được lãnh bất cứ nơi nào có Tín Nghĩa. Trương mục tiết kiệm được phát hành chi phiếu, bỏ lệ phí mở trương mục, bỏ lệ phí phát hành chi phiếu bảo chứng. Bỏ lệ phí chuyển ngân giữa Tín Nghĩa.

Cải cách chế độ kế toán

Đến giai đoạn 5, tôi canh tân bút toán, vì nhận thấy rằng hãng IBM Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của Tín Nghĩa để cập nhật hóa kế toán, nên thừa lúc tôi đi Canada để thăm con ăn học, tôi dò hỏi để hiểu biết thêm và tìm hiểu các cập nhật hóa kế toán bằng máy NCR, tôi mua máy và thiết lập một hệ thống kiểm soát riêng cho Tín Nghĩa.

Hiệp hội Ngân hàng cũng khiếu nại các sáng kiến này, cho rằng Tín Nghĩa dùng hệ thống NCR không chính xác và vững chắc bằng IBM, nếu có lầm lẫn sẽ gây xáo trộn cho hệ thống ngân hàng, yêu cầu tôi phải dùng lại hệ thống IBM như những ngân hàng khác đang dùng.

Đáp: Xét vì hãng IBM nhận chạy cho các ngân hàng tùy theo thâm niên, mà chạy máy trước hoặc sau, vì vậy mà Tín Nghĩa được hãng IBM chạy sau chót, nghĩa là 2 hoặc 3 ngày sau mới có kết quả, nên tôi đã e sợ, tôi có dịp đi Canada học hỏi, và mang máy NCR về làm lấy cũng không ngoài mục đích an toàn. Và đáng lẽ đàn anh trong Hiệp hội thấy trước việc nguy hiểm trễ nải này của hãng IBM, thay vì khuyến cáo Tín Nghĩa thì để tâm khuyến cáo hãng IBM là hay hơn và thực tế hơn…

Ông Đời cho áp dụng nhiều cách quảng cáo mới để khuyếch trương Tín Nghĩa Ngân hàng 

Hiệp hội yêu cầu: Tín Nghĩa trình bày rõ sự chính xác cách làm để được Hiệp hội chấp thuận.

Đáp: Xin cảm ơn Hiệp hội quá lo về việc nội bộ của Tín Nghĩa. Trường hợp Hiệp hội có ý muốn tìm hiểu biết thì cứ chính thức xin Tín Nghĩa sẵn sàng chỉ cho, chớ đừng tìm cách bắt chẹt Tín Nghĩa. Chỉ có Ngân hàng Quốc gia mới có quyền muốn biết hoặc kiểm soát việc làm của Tín Nghĩa, chừng ấy Tín Nghĩa sẽ giải thích riêng với Ngân hàng Quốc gia.

Đến giai đoạn 6, năm 1972, tôi tung ra Thẻ Tín dụng. Tôi vừa mua máy và in cartes, xong các giấy tờ để mở màn cho một kỷ nguyên mới ở Việt Nam, tôi cũng bị cản trở.

Công việc đang bù đầu thì tôi bị bắt giam, và hệ thống của Tín Nghĩa bị phong tỏa và đánh sập, mà cho đến ngày nay tôi chưa rõ lý do, chỉ hiểu theo dư luận và tin đồn… không biết đâu là sự thật.

Dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng

Đa số cấp điều khiển ngân hàng  ở Việt Nam, trước kia được đào tạo bởi Banque de Indochine gọi là Đông Dương Ngân hàng, nên cũng dễ hiểu và thông cảm, sau này dù được độc lập mà các ngân hàng Pháp còn được vị nể cũng thường tình.

Bởi vậy Hiệp hội Ngân hàng được điều khiển do Tổng thư ký Pháp kiều Bravard, là Tổng Giám đốc Pháp Á Ngân hàng, nên mọi công văn đều là Pháp văn, hội họp đều dùng toàn Pháp ngữ. 

Trong phiên họp thường niên 1970 của Ngân hàng Quốc gia, tất cả các ngân hàng đều được mời để nghe Ngân hàng Quốc gia cho biết kết quả và tình hình chung của ngành ngân hàng trong năm vừa qua, và đặt mục tiêu cho năm tới.

Bấy lâu nay tôi bị lép vế trong việc bàn cãi bằng Pháp ngữ, cũng như những ngân hàng khác, không thuộc ảnh hưởng Pháp, thừa dịp này tôi xin phát biểu ý kiến: 

“Kính thưa ông Thống đốc,

Kính thưa quý vị Chủ tịch và Tổng Giám đốc.

Tất cả công văn của Chính phủ đều dùng Việt ngữ từ lâu, ngoại trừ ngành ngân hàng chưa được “Việt ngữ hóa”, tôi yêu cầu đầu năm nay tiếng Việt phải được dùng lúc hội họp, và dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng, tôi nhấn mạnh, lời yêu cầu này có tính cách lịch sử quan trọng của dân tộc tôi xin được ghi vào biên bản đề nghị này, và ý kiến của mọi người…”.

Phòng họp bắt đầu nhốn nháo, ồn ào không sao tả xiết, người này bỏ ghế đến nói thầm người kia, như bầy ong vỡ ổ, tôi chỉ còn biết nhìn quang cảnh đó mà cười thầm.

Ông Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng chống đối rằng: “Ngành ngân hàng chưa thể dùng tiếng Việt được, vì mình chưa có danh từ kỹ thuật, và chúng ta chưa có Hàm Lâm Viện, hơn nữa chúng ta đang làm việc trôi chảy, tại sao phải thay đổi, làm chở ngại sự hoạt động, và còn làm khó khăn việc giao thiệp với ngoại quốc”.

Tôi đáp: Lý do của ông chủ tịch vừa viện dẫn không được chính đáng, nếu chúng ta có thiện chí và quyết tâm vì quốc gia Việt Nam thì việc gì mà không thể làm được.

Ông Chủ tịch: Ông Đời, xin ông biết rằng, ở đây ngân hàng ngoại quốc là đa số, không nên vì tự ái mà gây khó khăn cho họ, mà họ đã góp công không ít cho nền kinh tế tài chính Việt Nam.

Đáp: Tôi xin lưu ý ông Chủ tịch, đa số ngân hàng ngoại quốc ở đây đều thạo Anh ngữ, chỉ có Pháp Á Ngân hàng và một số rất ít thạo Pháp ngữ, và nếu vì quyền lợi quốc gia, mà ông Chủ tịch cho rằng tự ái cũng được, nếu thật sự có gây khó khăn cho họ lúc đầu đi nữa, thì họ phải chấp nhận, để tỏ ra họ biết trọng chủ quyền của dân tộc ta, được như vậy mới công bằng, với tất cả ngân hàng ngoại quốc đang sinh hoạt ở Việt Nam.

Ông Thống đốc Ngân hàng Quốc gia ngồi im để nghe, ông rất khôn ngoan và tế nhị, khi nhìn thấy hai lập trường đối chọi như nước với lửa, khó mà hòa hợp nên ông xin gác việc này vào dịp khác, sẽ bàn lại.

Dứt phiên họp tôi ra về mà lòng buồn và ngao ngán sự đời, vì cô đơn tôi phải đương đầu với đa số ngân hàng có thế lực.

Nhưng lòng tôi đã quyết tiến lên, tiến xa khỏi tầm tay của họ, để tôi không còn bị họ đánh đòn hội chợ, với chủ thuyết “chánh truyền”, thì tôi phải tìm ra lối đi cho đến đích, để tự giải cứu.

Tôi tự nghĩ, hành động vì quyền lợi, danh dự chung của người Việt, chứ không phải riêng tôi, sẽ không cô đơn, nếu tôi khéo léo kéo dân chúng và báo chí nhập cuộc, quả đúng như tôi đã dự liệu… Sau khi tung tin cuộc họp hôm ấy, báo chí nắm được cơ hội tốt làm ầm lên, dân chúng rầm rộ ủng hộ lập trường của Tín Nghĩa.

Ông Thống đốc thừa dịp mời tái họp, bàn cãi soạn thảo rồi 3 tháng sau áp dụng, dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng.

(Còn tiếp)

Đọc thêm