Có lẽ vì biết được tâm lý này mà đầu tháng 4 vừa qua, group “Ghét bếp, không nghiện nhà” ra đời trên mạng xã hội đã có sức hút khủng khiếp với cộng đồng mạng. Chỉ sau mấy ngày ra mắt, nhóm đã đạt ngưỡng con số gần một triệu thành viên. Không chỉ chị em, trong nhóm này có rất nhiều ông chồng tham gia.
Đặc biệt, tham gia group có nhiều gương mặt nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh cho đến showbiz như Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, Hoa hậu Phan Hoàng Thu, Hoa hậu Dương Thùy Linh, ca sĩ Lan Anh, ca sĩ Nguyễn Thu Hằng, MC Minh Hà, nhà văn Hoàng Anh Tú, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, chuyên gia truyền thông Khôi Phan, doanh nhân Hoàng Nam Tiến, nhà thiết kế Hà Duy... Có lẽ từ trước tới nay, chưa một nhóm nào lại “hot” đến thế.
Tại sao lại “Ghét bếp, không nghiện nhà”?
Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy thử nghe một câu chuyện được chia sẻ trong đó nhé. Thành viên N.H đã kể câu chuyện đĩa bánh cuốn “phá tan hạnh phúc gia đình” mình như thế nào bằng cách vào chuyện rất tưng tửng: “Vâng, vào một buổi sáng cách ly đẹp trời, tuy ai cũng lười nhưng lại cùng ngẫu nhiên thích ăn bánh cuốn nên thay vì làm buổi sáng, nhưng lại dậy quá muộn nên cả nhà đã thống nhất để buổi tối làm để kết thúc một ngày tuyệt vời”.
Món bánh cuốn ấy rốt cuộc ra sao mà lại bị gắn cho cái tội “phá tan hạnh phúc gia đình” vậy? Hóa ra là không đơn giản chút nào. “Đúng là không phải cái gì cũng như tưởng tượng. Mẹ mình tuyên bố: “Làm 30 phút là xong” sau khi bị mọi người phàn nàn chuẩn bị nguyên liệu gì mà mất gần 2 tiếng. Và 30 phút của mẹ thực ra là 3 tiếng sau đó với việc mỗi tiếng lại có thêm người đứng theo dõi “đầu bếp” thao tác.
Sau 3 tiếng đứng bếp, mẹ mình dõng dạc khẳng định: “Làm không ra cái gì thế này thì sống làm gì nữa”, nghe rất rùng rợn nhưng hóa ra sau đó mẹ nhẹ nhàng vứt cán quết bánh, rồi đi thẳng ra tủ lạnh lấy đồ thừa hâm lại ăn. Và cái kết là cả nhà từ bỏ ước mơ bánh cuốn và hậm hực vừa ngồi nhìn nhau, vừa ăn đồ thừa hâm lại”.
Đọc câu chuyện trên đây và rất nhiều câu chuyện còn “rùng rợn và buồn cười” hơn rất nhiều trên group “Ghét bếp, không nghiện nhà”, nhiều người sẽ tự hỏi chẳng nhẽ vụng thế này mà cứ thản nhiên chia sẻ tùm lum trên mạng xã hội không xấu hổ sao, trong khi phụ nữ Việt Nam vốn mặc định là đảm, là khéo léo này nọ.
Nhưng hãy nghe nhà quay phim Đinh Đức Thành (Christopher Dinh) - người thành lập group này. Anh đã chia sẻ về mục đích thành lập group “Ghét bếp, không nghiện nhà” rằng: “Những ngày qua toàn xã hội thực hiện việc giãn cách xã hội để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19. Việc cả gia đình ở nhà, trong khi quán hàng phải đóng cửa dẫn đến việc phải nấu nướng, dọn dẹp quá nhiều, quá căng thẳng. Áp lực gia tăng khi vợ, chồng là thành viên của các group đầy ắp những món ăn ngon, những căn nhà đẹp.
Việc ngắm, khen “chồng/vợ/nhà người ta” quá nhiều có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc, cũng như tạo tâm lý hoang mang, tự ti với bản thân. Thậm chí, có lúc, có nơi, có người không thể kìm chế bản thân được đã sử dụng hình ảnh của người khác để sống ảo, hòng đắm mình trong những lời tán dương, ca tụng. Mạng có thể ảo nhưng ảnh cuộc sống nhất định phải thực. Chính vì thế, tôi tạo group này để mọi người giải trí, thư giãn, vui vẻ, để sống thật với bản thân và biết đâu lại tìm ra chân ái đời mình”.
Những hình ảnh chết cười trong group Ghét bếp, không nghiện nhà |
Dù thế nào tình yêu vẫn lấp lánh
Quả thực là như vậy, ở group “Ghét bếp, không nghiện nhà” hầu hết nội dung các bài đăng là các tình huống “dở khóc, dở cười” như nấu các món ăn cháy đen, nấu xôi hóa thành chè, vặt lông gà quá tay đến lột hết cả da và thịt, không phân biệt được các loại cá, nhà cửa bừa bộn... Toàn là những hình ảnh “hậu trường” mà từ trước tới nay vốn chỉ dám âm thầm lưu trong điện thoại cá nhân. Những hình ảnh, câu chuyện đó khiến cộng đồng mạng thú nhận là “cười như điên”, “nửa đêm cứ cười sằng sặc khiến người nằm cạnh tưởng có vấn đề thần kinh”...
Nhưng ở đời mấy ai hoàn hảo 100%, thế nên group “Ghét bếp, không nghiện nhà” được nhiệt liệt hưởng ứng, như lời chia sẻ rất thật của một thành viên: “Vào nhiều nhóm nấu ăn em thấy mọi người cao siêu quá, khéo tay quá. Trong khi đó, em luộc trứng muốn lòng đào còn phải dùng đồng hồ bấm giờ. Nhưng từ sau khi biết đến group “Ghét bếp, không nghiện nhà”, em như thấy mình được hạ cánh một cách an toàn, nhẹ nhàng, thấy cuộc sống bớt áp lực, gần gũi thực tế, vui vẻ bội phần”.
Căn nguyên ra đời của group “Ghét bếp, không nghiện nhà” được khởi nguồn từ hai group khiến cộng đồng mạng xôn xao từ khi dịch Covid-19 bùng phát là “Yêu bếp” và “Nghiện nhà” Ở hai group này, nhiều anh, chị em trổ tài nấu nướng, bày biện món ăn và khoe không gian sống của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ngắm, khen “chồng/vợ/nhà người ta” quá nhiều có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc, cũng như tạo tâm lý hoang mang, tự ti với bản thân. Và hạnh phúc gia đình có thể cũng vì đây mà rạn nứt.
Chính vì thế, “Ghét bếp, không nghiện nhà” là một group đối lập hoàn toàn khi tại đây mọi người liên tục chia sẻ những “thành quả” vụng về của mình trong việc bếp núc hay dọn dẹp nhà cửa. Không cần phải hoàn hảo, mỗi người đều có thể tìm được niềm vui cho mình và gia đình trong chính những điểm hạn chế - có lẽ đó chính là điều khiến group “Ghét bếp, không nghiện nhà” hút cộng đồng mạng.
Và dù có “ghét bếp”, nhưng hầu hết các thành viên của nhóm đều có điểm chung là vẫn yêu gia đình. Trong nhiều bức ảnh, nhiều câu chuyện “tai nạn bếp núc”, dù có tệ đến đâu, có khiến “các bác có tiền sử bệnh huyết áp, tim mạch, các bệnh về tiền liệt tuyến hay rối loạn kiểm soát đường tiết niệu không nên tham gia nhóm, các mẹ mới mổ đẻ cũng không nên tham gia nhóm kẻo ảnh hưởng đến vết mổ” – như lời khuyến cáo của admin thì người ta vẫn dễ nhìn thấy tình yêu lấp lánh trong đó.
Bởi tình yêu rất đơn giản, đôi khi chỉ là sự vượt qua bản thân mình vì người mình yêu như nhiều người dù biết mình vụng về nhưng vẫn không ngại ngần vào bếp nấu ăn cho gia đình, để rồi sau đó khối “tai nạn nhớ đời” xảy ra. Nhưng không vì thế mà nản, lần sau lại tiếp tục. Ở đời, không cứ phải là người hoàn hảo mới hạnh phúc, mỗi người đều có thể tìm được niềm vui hạnh phúc cho mình và gia đình trong chính những khiếm khuyết.
Điều gì làm nên giá trị của đàn ông và phụ nữ?
Tuy chỉ là một nhóm vui được thành lập trong thời cách ly xã hội, nhưng group “Ghét bếp, không nghiện nhà” đã ẩn sau một thông điệp về điều gì làm nên giá trị của đàn ông và phụ nữ.
Công - dung - ngôn - hạnh thời nào cũng cần, tuy nhiên chuẩn mực đó sẽ thay đổi thuận theo sự phát triển chung của xã hội. Phụ nữ thời nay ra ngoài làm việc và phấn đấu phát triển sự nghiệp cá nhân, chia sẻ gánh nặng tài chính với chồng nhiều hơn nên công việc nhà đôi khi sẽ được chồng san sẻ hoặc họ có điều kiện thì thuê người giúp việc, không nhất thiết phải đầu bù tóc rối tất bật việc nhà, việc nước. Nhiều phụ nữ trẻ đã và đang nghĩ như vậy và suy nghĩ này của họ không hề sai.
Và cũng cần biết rằng, khi phụ nữ bị biến thành ba đầu sáu tay để có thể làm việc gấp hai người thường, giỏi việc nước, đảm việc nhà thì đàn ông cũng trở thành nạn nhân của chính sự phân biệt ấy. PGS.TS Nguyễn Phương Mai - Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan đã có những quan điểm rất hay về vấn đề này. Chị viết: “Sự kỳ thị giới luôn là đồng xu hai mặt. Khi phụ nữ bị biến thành siêu nhân ba đầu sáu tay để có thể làm việc gấp hai người thường giỏi việc nước, đảm việc nhà thì đàn ông cũng trở thành nạn nhân của chính sự phân biệt ấy… Xã hội thiếu bình quyền cơ hội cũng là một xã hội mà đàn ông phải chịu đựng nhiều áp lực không thể dễ dàng bày tỏ: Phải mạnh mẽ, phải kiếm tiền, phải làm chủ gia đình, phải nuôi được cho vợ con, phải sống kiểu “nam vô tửu như cờ vô phong”, phải “vinh thân phì gia”, đó là chưa kể phải có con nối dõi tông đường nếu không muốn phạm tội bất hiếu.
Trớ trêu thay, những áp lực đó chính là hệ quả của những áp lực với phụ nữ. Đàn ông văn minh ai cũng hiểu rằng, giải thoát cho phụ nữ cũng là giải thoát cho chính mình. Để chính mình không bị áp lực phải thành người tài và người phụ nữ bên mình không bị đánh giá chỉ bằng thước đo của phù du…”.