Uẩn khúc sau sự biến mất của số điện thoại… 88888

Số điện thoại đẹp “bỗng  dưng” biến mất sau chuyến công tác của chủ thuê bao. Khổ chủ đi tìm, phát hiện nhiều uẩn khúc vượt khuôn khổ một cuộc tranh chấp số điện thoại thông thường…

Một số điện thoại đẹp “bỗng  dưng” biến mất. Khổ chủ đi tìm, phát hiện ra nhiều uẩn khúc vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc tranh chấp số điện thoại thông thường…

“Bỗng dưng” biết mất

Sở hữu một số điện thoại VinaPhone đẹp 091..88888, ông H.N.Hồng đã cẩn thận đi hòa mạng trả sau từ ngày 1/11/2007 trước khi đi công tác ở nước ngoài. Trong thời gian ông đi vắng, chiếc điện thoại cùng với số điện thoại đẹp và SIM gốc 2000523… được “tạm nghỉ”, người nhà ông vẫn đều đặn trả tiền thuê bao tháng tại địa chỉ trả cước, cũng là nơi gia đình ông đang sinh sống.

Tháng 8/2010, sau chuyến công tác dài, ông Hồng khởi động lại máy để tiếp tục sử dụng số điện thoại cũ thì thấy SIM không sử dụng được nữa. Kiểm tra hóa đơn điện thoại, ông phát hiện ra từ tháng 10/2009 đến nay không có hóa đơn tiền thuê bao tháng nào của số điện thoại trên được chuyển đến nhà ông.

Đem thắc mắc trên ra khiếu nại tại Điểm dịch vụ khách hàng số 3 Hàng Chuối, sau gần 2 tháng, ngày 12/11/2010, ông Hồng nhận được văn bản số 4896/VNP1-KDTT ngày 12/11/2010 của Trung tâm Dịch vụ viễn thông KV1  (thuộc VinaPhone) trả lời khiếu nại của ông.

Theo văn bản này, Hợp đồng trả sau  đối với số thuê bao 091..88888 của ông đã được thanh lý ngày 12/10/2009, đồng thời chuyển hình thức sử dụng từ thuê bao trả sau sang trả trước. Ngày 19/10/2009, tức là chỉ sau đó 1 tuần, số thuê bao này được chuyển sang trả sau với người đứng tên chủ hợp đồng là người khác.

Hai chiếc CMND trùng tên

Để giải đáp khiếu nại của khách hàng, Trung tâm Dịch vụ viễn thông Khu vực 1 lần giở lại hồ sơ quá trình hoạt động của số điện thoại nói trên. Trong quá trình rà soát hồ sơ thanh lý hợp đồng trả sau VinaPhone, trên bản lưu hồ sơ có bản phô tô CMND (công chứng) của chủ hợp đồng đứng tên H.N.Hồng, số CMND 012002712, sinh năm 1980, nguyên quán An Châu – Đông Hưng – Thái Bình, địa chỉ thường trú tại 50/12 Đào Tấn, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội.

Điều đáng nói, dữ liệu CMND nói trên không phù hợp với dữ liệu CMND của ông Hồng khi hòa mạng trả sau, chỉ giống nhau mỗi… cái tên. Còn địa chỉ thường trú ở bản sao đó lại chính là địa chỉ nhận hóa đơn tiền cước của ông Hồng.  

Trên thị trường chợ đen, số điện thoại… 88888 (dãy số 10 chữ số) đang được giao dịch từ 90 triệu đồng đến 150 triệu đồng tùy vào “mức độ đẹp” của dãy số đứng trước.
Làm việc với đại diện VinaPhone, chúng tôi được biết, trước khi thanh lý hợp đồng, ngày 30/9/2009, số điện thoại trên đã bị thay SIM ở Viễn thông Móng Cái (Quảng Ninh). Người đến thực hiện thay SIM trình bản sao CMND có công chứng mang tên H.N.Hồng, kê khai các cuộc gọi đến gọi đi, và đã được thay SIM mới.
Theo tường trình từ giao dịch viên tên Tuấn của Viễn thông Quảng Ninh – người đã thực hiện việc thay SIM nói trên, giao dịch viên này khi thấy tên khách hàng phù hợp và các số điện thoại gọi đến gọi đi được kê khai trùng khớp với các dữ liệu lưu trong hệ thống nên đã thực hiện việc thay SIM cho khách hàng mà chủ quan không kiểm tra kỹ các dữ liệu CMND.

Âm mưu hay sự “chủ quan”

Đáng lưu ý, mạng di động VinaPhone, đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Việt Nam VNPT, được tổ chức “cài răng lược” chặt chẽ với Viễn thông các tỉnh thành (VNPT địa phương). Dữ liệu được quản lý trong hệ thống thống nhất toàn quốc và giao dịch viên luôn có thể kiểm tra, đối soát một cách dễ dàng khi cần. Những thao tác truy cập hệ thống đều được lưu lại và có thể biết rõ thời điểm nào ai là người truy cập vào hệ thống để kiểm tra thông tin của một thuê bao bất kỳ nào đó.

Trở lại cuộc giao dịch ở Móng Cái. Tài liệu cơ sở mà người đến giao dịch đưa ra là bản sao CMND có công chứng là giấy tờ hợp pháp được VinaPhone chấp nhận khi thực hiện các giao dịch, vì thế giao dịch viên đã nhận để đổi SIM cho khách.

Thế nhưng, các dữ liệu trên tờ bản sao này, từ số CMND đến năm sinh, nguyên quán, địa chỉ thường trú… đều không phù hợp. Ngoài sự chủ quan vì tên khách hàng trùng khớp ra, tại sao giao dịch viên lại có thể “yên tâm” thực hiện giao dịch? Đó là vì giao dịch viên kiểm tra thấy sự phù hợp ở các số điện thoại gọi đến, gọi đi  - vốn được coi là “vân tay” của mỗi số điện thoại, là thông tin cá nhân mà chỉ khách hàng và nhà mạng nắm vững nhất.

Thời điểm đó, ông H.N.Hồng, người hiện vẫn giữ SIM gốc, đang đi công tác nước ngoài, chiếc điện thoại ngủ yên trong tủ suốt gần 2 năm trước khi sự việc diễn ra.

Như vậy, ông Hồng nào là người đã đi đổi SIM cũng như thanh lý thuê bao? Tại sao người này lại có các dữ liệu cuộc đến ,cuộc đi từ số điện thoại 091... 88888?. Tại sao dữ liệu khách hàng không trùng khớp mà Viễn thông Hà Nội vẫn thanh lý hợp đồng, chuyển sang thuê bao trả trước, “dọn đường” cho số  điện thoại đẹp “biến mất”?.

Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc trong bài báo tiếp theo.

Bách Nguyễn 

Đọc thêm