Hiện ra yên bình trong ánh chiều tà với hàng chục ngôi nhà chồ dựng trên mặt nước, làng chài Điền Hải được biết đến là làng chài cuối cùng trên phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phá Tam Giang - địa danh thơ mộng từng đi vào ca dao: “Yêu em anh cũng muốn vô/Sợ chuôm nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” hiện ra trước mắt chúng tôi không phải với vẻ hoang sơ, hùng vĩ mà nhuốm màu tiêu điều vì cuộc sống tạm bợ, nghèo khổ của các gia đình vạn chài lênh đênh trên sóng nước.
Giữa thời hiện đại, trong khi các gia đình từ quê đến phố đều có nhà xây, trang thiết bị hiện đại thì các gia đình vạn chài mưu sinh trên phá Tam Giang vẫn chỉ sống trong các ngôi nhà chồ nhếch nhác, nghèo nàn, phiêu bạt trên sông. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người dân, điều khiến phóng viên cảm thấy ấm lòng chính là tuy cuộc sống tạm bợ, nghèo khổ nhưng các gia đình ở đây đều chú trọng và đầu tư cho việc học hành của con em mình.
Một góc làng chài nghèo thôn 8, xã Điền Hải. |
Trên chiếc ghe máy tròng trành sau buổi thu lừ sáng sớm, ông Trần Văn Nề ( 68 tuổi) chia sẻ: “Đến nay đã gần 30 năm cả gia đình tôi gắn bó với làng chài này. Sau ngày giải phóng, vợ chồng ông mưu sinh bằng nghề chài lưới trên phá Tam Giang, biết bao sóng gió vất vả nhưng đó là kế mưu sinh của cả gia đình tôi. Năm 1990, ông quyết định mua miếng đất nho nhỏ nằm bên mép phá này để dựng nhà chồ làm chỗ ở cho các con. Nói là có nhà trên đất liền nhưng thực ra vợ chồng tôi suốt ngày lênh đênh trên phá để làm chài lưới”.
Khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng vợ chồng ông Nề vẫn nuôi được các con khôn lớn nên người, các con ông cũng được đi học dù ngày ấy con chữ học chưa được trọn vẹn. Sau này, vì không muốn các con theo nghiệp tôm cá cực khổ nên vợ chồng anh Trần Văn Kháng (47 tuổi, con trai ông Nề) đã nỗ lực để cho 3 người con có được miếng cơm manh áo và đặc biệt là các con được đến trường. Thế rồi, ở vùng sông nước bạc như những phận đời ở làng chài này lại có nhiều cô, cậu bé tốt nghiệp cử nhân trở thành người có ích cho xã hội.
Ông Phan Văn Chín (Trưởng thôn 8, xã Điền Hải) cho biết, toàn thôn có hơn 100 hộ thì có gần 70 hộ mưu sinh bằng nghề chài lưới, lừ, nò sáo trên phá Tam Giang. Hiện phần lớn các hộ dân đều sinh sống trong những căn nhà chồ chật hẹp, liêu xiêu nên rất lo sợ khi mùa mưa bão đang đến gần. Trước sự ham học của con em dân làng chài, thôn đã lập quỹ khuyến học để giúp sức các em học sinh giỏi và sinh viên đậu đại học với nguồn tiền vận động từ người dân trong thôn.
Chủ tịch UBND xã Điền Hải Nguyễn Xuân Công cho biết, do làng chài thôn 8 nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai nên năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất quy mô đầu tư khu tái định cư cho 40 hộ dân ở làng chài trên diện tích gần 2 hecta, tổng số vốn dự kiến khoảng 9 tỷ đồng với đầy đủ hệ thống điện, nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi thì đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Vì thế địa phương rất mong mỏi khu tái định cư sớm được xây dựng để người dân ở làng chài của xã sớm được an cư, lạc nghiệp.
Nhẫn nại vượt qua khó khăn như bao gia đình khác ở làng chài bên mép phá Tam Giang này, gần 20 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Trãi (48 tuổi) cùng 4 người con sống co cụm trong căn nhà chồ xập xệ rộng chưa đến 30m2. Ông Trãi cho hay, mỗi ngày ngoài giờ ra phá canh trộ sáo hoặc đặt lừ, lưới để kiếm tôm, cá thì ông Trãi lại trở về nhà làm lưới lừ (loại bẫy cá bằng lưới, có hình trụ để đặt sát đáy nước) cho đến tận đêm khuya để nuôi các con ăn học.
Mỗi cái lưới lừ được bán khoảng 60 ngàn đồng. Bây giờ thời tiết không thuận lợi, nguồn nước ô nhiễm nên cá tôm cũng dần khan hiếm. Hàng ngày ông Trãi vất vả lặn lội từ sớm tới khuya nhưng thu nhập trung bình cũng chỉ khoảng 150- 250 ngàn đồng, cũng có ngày thất thu nên chỉ kiếm được dưới 100 ngàn. “Những ngày đó chỉ đủ tiền mua gạo cho lũ trẻ no bụng mà đi học”- ông giãi bày.
“Nếu thất học là cảnh thường thấy ở các khu vạn đò vùng sông nước thì đối với làng chài bên phá Tam Giang nơi đây, dù cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình nào cũng khuyến khích con em mình đi học. Không chỉ riêng gia đình tôi mà những người dân ở đây luôn ấp ủ một ước mơ, đó là mong sớm được vào bờ định cư” – ông Trãi hãnh diện cho biết thêm.