Ước mơ giản dị của 'cậu bé rái cá' cứu sống 16 người

(PLO) - Sáng 29/4/2007 đã ăn sâu vào ký ức của cậu thiếu niên Trần Văn Truyền, ngày ấy cậu mới 14 tuổi mà đã dũng cảm cứu sống 16 người bị gặp nạn lật thuyền trên biển Nam Ô cạnh chân núi Hải Vân, qua truyền thông nhân dân cả nước biết đến và hết lời ca ngợi, cảm phục lòng gan dạ của cậu bé. 
Trần Văn Truyền và những tấm Bằng khen…
Trần Văn Truyền và những tấm Bằng khen…

Ba lượt bơi đôi cứu 16 mạng người

Chúng tôi đã tìm đến nhà em ở H30/15 – K177 đường Nguyễn Văn Cừ, tổ 29 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), Trần Văn Truyền ngày ấy giờ đã là chàng thanh niên tuổi 24 với vóc dáng cao to, vạm vỡ, cường tráng. Quay về thời gian cách đây hơn 10 năm, cậu thiếu niên Trần Văn Truyền là học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thái Bình (phường Hòa Hiệp Bắc) với gương mặt lanh lợi, năng động, những ngày hè thích đi câu cá và vẫy vùng với sóng biển Nam Ô.

Tuổi thơ của Truyền khá vất vả, lúc nhỏ cùng với cha mẹ lên vùng rìa chân núi Hải Vân lao động tỉa bắp, trồng khoai, làm ruộng…

Buổi sáng 29/4/2007, một ngày đầu mùa hạ nắng nóng, một tốp thanh niên gồm 22 người thuê chiếc thuyền nhỏ xuôi biển Nam Ô để tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển dưới chân đèo Hải Vân. Lúc thuyền ra đến khu vực bãi Hẳm, cách bờ khoảng 150m thì không may gặp phải gió mạnh, sóng biển dâng cao làm con thuyền nghiêng ngả rồi lật úp.

Lúc này tầm hơn 10 giờ trưa cậu bé Truyền đang đứng trên rẫy nhìn xuống, thoạt đầu cậu bé tưởng đó là một trò đùa vui cùng sóng biển của nhóm thanh niên, nhưng sau đó Truyền nghe tiếng kêu cứu, tiếng la hét thất thanh vang lên giữa biển sâu, theo đó là những bàn tay nhỏ bé đưa lên giữa biển cả mênh mông dần dần yếu ớt. Thấy chuyện chẳng lành, Truyền liền chạy ngược lên triền núi báo với cha đang làm rẫy cạnh đó, lấy rựa chặt đứt ống dây bơm nước, rồi cùng cha chạy nhanh xuống mép biển. 

Cha cậu bé, ông Trần Văn Mến chưa kịp hiểu chuyện gì, đã thấy Truyền nhảy xuống nước mang theo ống dây bơi ra xa, thấy những cánh tay chới với giữa mặt nước biển, ông Mến hiểu chuyện và cố giữ chặt ống dây, những sải tay bơi thần tốc của cậu bé, đã nhanh chóng tiếp cận được những người gặp nạn…Với 3 lượt bơi đôi, cậu bé đã dìu, đưa 16 người vào bờ an toàn dưới sự trợ giúp của người cha, đến lượt bơi cuối khi đến nơi thì những người còn lại đã chìm ngỉm xuống biển.

“Lúc đó trong đầu em chỉ nghĩ làm sao có thể cứu sống được tất cả mọi người càng nhanh càng tốt. Em cảm thấy tiếc nuối khi những người còn lại đã vĩnh viễn ra đi, đêm đó về em cứ ám ảnh, chập chờn, trằn trọc mãi mà không sao chợp mắt được…” – Truyền ngậm ngùi nhớ lại.

Rõ ràng một người lớn có khả năng bơi lội tốt, mà cứu được 16 con người đang gặp nạn trên biển để đưa vào bờ an toàn đã là một kỳ tích. Đằng này một cậu thiếu niên tuổi 14 nhưng đã lanh trí, gan dạ, dũng cảm với 3 lượt bơi đôi đã cứu sống đến 16 người, xứng đáng là người hùng mà mọi người phong tặng…

Sau đó Trần Văn Truyền đã được mời ra Hà Nội, nhận Kỷ niệm chương Vinh quang Việt Nam dành cho “hiệp sĩ nhí” xuất sắc cứu người và đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố thăm hỏi và khen thưởng.

Ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi đó khi đến thăm Truyền đã nhận thấy con đường hẻm vào nhà cậu bé quá lầy lội và khó đi, ông Thanh đã yêu cầu cho xây dựng gấp một con đường bê tông dài hơn 200m chạy ngang qua nhà cậu bé. Vậy là sau hơn 10 ngày người dân trong khu vực này đã có một con đường mới tươm tất, thuận lợi cho việc đi lại. Người dân tại địa phương đã ví von đặt tên đường là Trần Văn Truyền để cảm ơn việc làm dũng cảm của em. 

Danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” của Trần Văn Truyền…
Danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” của Trần Văn Truyền…

Khó khăn vẫn nhớ làm việc tốt

Sau khi Truyền trở thành một hiện tượng nổi tiếng, nhận thấy được những tố chất để trở thành một vận động viên bơi lội, Câu lạc bộ bơi lội Đà Nẵng đã chú ý và tuyển thẳng Truyền vào đội bơi lội thành phố, trong thời gian ở đây Truyền được tập luyện và được cử đi thi tại nhiều giải đấu trong và ngoài nước. Bộ sưu tập huy chương của cậu khá đồ sộ, trong 6 năm làm thành viên đội bơi lội Đà Nẵng, trong đó có tấm Huy chương Bạc tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2009. Mãi cho đến năm 2012, khi nhận thấy thành tích thi đấu của mình không còn tốt như trước, Truyền đã xin nghỉ vì không muốn làm ảnh hưởng đến thành tích của Câu lạc bộ. 

Truyền sinh ra và lớn lên từ phố biển Nam Ô, chính lẽ đó mà Truyền tìm một công việc thật sự phù hợp với sở thích, với cuộc sống gắn liền với biển cả. Đặc biệt với thành tích đã cứu sống nhiều người gặp nạn trên biển, cùng với khả năng bơi lội của mình, Truyền được nhận vào làm việc một đội cứu hộ tại bãi biển Ngũ Hành Sơn TP Đà Nẵng. Công việc của Truyền bắt đầu từ 4g sáng đến 14g chiều và từ 14g chiều đến 22g đêm, một nhân viên cứu hộ không chỉ đòi hỏi phải có sức lực, mà còn phải có kỹ năng quan sát, tập trung cao độ, chỉ cần sơ suất một chút là có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Đối với Truyền trong công việc có vất vả nhưng đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được trở về đứng trước biển cả mênh mông…

Cuộc sống của gia đình Truyền tuy không dư giả song rất đầm ấm, yêu thương, hạnh phúc nhưng rồi biến cố chợt ập đến với gia đình nhỏ này khi cha Truyền, ông Trần Văn Mến người cha thương yêu của em đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông thương tâm.

“Hai cha con đã cứu được nhiều người trong vụ lật thuyền thảm khốc, nhưng em lại không cứu được cha sau vụ tai nạn giao thông, vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh và đau lòng. Ngày cha bị tai nạn giao thông qua đời, em và mẹ như chết điếng và không tin nổi sự thật đau lòng này. Cũng từ đó sức khỏe của mẹ ngày một sa sút dần, bệnh tật liên miên. Thương mẹ không có ai chăm sóc, lại thêm phần đi làm xa, từ sáng đến tối mới về đến nhà, nên em đã chủ động xin nghỉ việc và sẽ tìm một công việc gần nhà hơn. Hiện tại em thay cha chăm sóc mẹ, người mẹ bị bệnh dạ dày kinh niên và em muốn được ở bên cạnh mẹ nhiều hơn…” – Truyền xót xa và trải lòng mình. 

Trong lúc chờ đợi công việc mới, ngoài thời gian chăm sóc mẹ ốm đau, Truyền tranh thủ trở về với cái thú vui câu cá mà em vẫn hay làm cùng cha lúc nhỏ, mỗi ngày lúc rảnh rỗi Truyền thường đi câu cá dưới chân đèo Hải Vân, vừa kiếm thêm thức ăn vừa có ít tiền phụ giúp thuốc thang cho mẹ. Với nghề tay trái của mình, Truyền đã đoạt giải ba trong cuộc thi câu cá cấp thành phố. Ngoài ra, Truyền còn dành thời gian dạy tập bơi cho các bạn, các em ở địa phương để biết phòng thân và biết cách cứu giúp người khác, khi gặp sự cố đuối nước. 

Bà Nguyễn Thị Lùm, mẹ của Truyền tâm sự: “Bà con địa phương ai cũng yêu thương cái tính ngoan, hiền, lễ phép của thằng Truyền, hễ ai cần gì là nó giúp liền. Nhà tôi đời sống còn gặp nhiều khó khăn, song đối với Truyền là niềm vui, niềm tự hào và niềm hạnh phúc nhất của gia đình…”. 

Đọc thêm