Cuộc sống khốn khổ của những bậc phụ huynh nơi làng An Xá, Ba Đình, Hà Nội đã khiến những trẻ thơ ở đây không giám mơ ước xa vời, các em chỉ ước được làm nông dân, chăn bò, làm ruộng khi lớn lên.
Những đứa trẻ ước mơ làm nông dân |
Khát khao lên bờ
Làng chài An Xá có khoảng 20 hộ dân sinh sống, họ đều là người của dân tỉnh lẻ như: Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Tây cũ lên sinh sống. Do không đủ tiền thuê nhà, họ phải sống cảnh lênh đênh trên mặt nước sông Hồng.
Trước đây cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào việc đánh bắt cá trên sông Hồng. Nhưng hiện nay họ không còn đánh bắt cá nữa mà bôn ba khắp thành phố Hà Nội để kiếm tiền với nhiều công việc khác nhau như: xe ôm, bốc vác, đạp xích lô,... họ làm bất cứ việc gì để có thể có tiền sống qua ngày.
Đến với làng An Xá một buổi chiều cuối năm chúng tôi hơi bất ngờ bởi hiện nay số hộ dân sống dưới nước đã giảm đi một nửa so với trước đây. Những hộ dân lên bờ thì thuê nhà sống ngay cạnh chỗ những hộ dân dưới nước.
Cuộc sống của những con người nơi đây đang phải chống cự với sự ô nhiễm môi trường. Các hộ dân sống dưới nước thì đang phải sống chung với sự ô nhiễm của nguồn nước, buộc họ phải lên bờ mua nước máy để dùng. Còn với những hộ dân sống trên bờ thuê nhà để ở thì phải sống chung với đống rác to ụ của thành phố đổ ra.
Râc của thành phố đang càng ngày lấn át không gian sống của những đứa trẻ |
Cuộc sống của những đứa trẻ ở đây thì luôn sống trong sự nguy hiểm rình rập. Những cây cầu nhỏ bé nối liền nhà của các em trôi lềnh bềnh trên mặt nước sông Hồng và mặt đất có thể gãy hoặc sẩy chân là các em có thể rơi xuống dòng sông. Ở xóm chài lại không có chỗ để bọn trẻ có thể chơi đùa, nên những bãi bồi ngoài sông vẫn là chỗ chơi hàng ngày của trẻ con ở đây.
Cách đây hơn một năm, do rủ nhau ra bãi bồi chơi, một đứa trẻ đã bị chết đuối, gây nên nỗi xót xa cho những hộ dân ở đây. Cũng do các căn nhà dưới nước được người dân dựng lên bằng các tấm mền, nilon, giấy báo, nhựa, gỗ nên cũng cách đây 1 năm đã xảy ra một vụ cháy, cướp đi sinh mạng của một em nhỏ.
Nguy hiểm luôn luôn rình rập khi mà mơ ước lên bờ vẫn còn xa vời đối với những hộ dân dưới nước.
Những cây cầu bé nhỏ nối liền nhà của các em nhỏ với mặt đất |
Ước mơ làm nông dân của những đứa trẻ
Hàng ngày ngoài những lúc đến trường thì những đứa trẻ 9 – 10 tuổi ở đây phải đi kiếm tiền cùng bố mẹ. Trước đây thì theo bố mẹ đi bốc gạch phụ hồ cùng bố mẹ. Nhưng giờ đây công việc hàng ngày của các em là đạp xích lô ngoài chợ cóc Phúc Xá để kiếm tiền. “Hằng ngày em đi học về nấu cơm ăn xong đi chở rau bằng xích lô ngoài chợ, một ngày em kiếm được 35 nghìn một ngày” – Vũ Xuân Trường, theo bố mẹ từ Nam Định lên Hà Nội từ bé chia sẻ công việc hàng ngày của mình.
Còn với Hùng bạn của Trường có sức khỏe hơn thì chở rau và hoa quả ở tận ngoài Cống Thối vào chợ, chở vào các buổi tối, Tùng được trả tới 100 nghìn một buổi tối. Công việc rất vất vả nhưng các em rất hồ hởi, phấn chấn làm việc bở các em đã giúp đỡ một phần nào đó cho bố mẹ.
Vũ Xuân Trường với công việc chở ra hàng ngày ngoài chợ của mình. |
Vũ Xuân Trường hiện đang là học sinh lớp 5 trường tiểu học Nghĩa Dũng, Long Biên, Hà Nội. Khi chúng tôi hỏi về mơ ước của em thì em trả lời “Em chỉ thích làm nông dân thôi, hoặc nếu không làm được nông dân thì em đi lái taxi”. Dường như cổng trường ĐH và các vị trí như giám đốc, bác sĩ, giáo viên,... đó là điều mà các em không bao giờ giám nghĩ tới.
Hoàng Văn Hoan lớp 3 trường tiểu học Nghĩa Dũng đều là học sinh giỏi ba năm liên tiếp chỉ muốn được đi làm ruộng khi lớn lên. Sau khi chúng tôi hỏi tại sao con không mơ ước làm giám đốc, giáo viên? Hoan suy nghĩ rồi trả lời “Nếu mà có thể thì con muốn làm bác sĩ để chữa ung thư cho mẹ”.
Còn Lã Thanh Tùng học cùng lớp với Hoan thì muốn được đi chăn bò khi lớn lên. Tùng chia sẻ trong niềm vui: “Vì ở quê em nhiều bò lắm, em thích chăn bò ngoài đồng”.
Ắt hẳn những ước mơ của các em nơi đây quá bé nhỏ cũng chỉ vì không giám ước mơ xa vời, bở nếu làm được nghề có vị trí cao trong xã hội buộc các em phải có tiền để trang trải. Nhưng cuộc sống khó khăn, khi cái ăn chưa đủ thì đó vẫn mãi là ước mơ xa với của trẻ nhỏ nơi này.
Hồ Sỹ Anh