Ước mơ nơi “cùng trời, cuối đất”

Bản Lài là nơi xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất của xã Đồng Nghê thuộc huyện Đà Bắc; là nơi “cùng trời, cuối đất” của tỉnh Hòa Bình. Ở đây, tộc người Dao từ lâu chỉ có 15 nóc nhà với 80 khẩu sinh sống dựa vào nguồn lợi từ rừng. Rừng đã đóng cửa, cuộc sống của họ cũng đang từng bước đổi  thay.    

Bản Lài là nơi xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất của xã Đồng Nghê thuộc huyện Đà Bắc; là nơi “cùng trời, cuối đất” của tỉnh Hòa Bình. Ở đây, tộc người Dao từ lâu chỉ có 15 nóc nhà với 80 khẩu sinh sống dựa vào nguồn lợi từ rừng. Rừng đã đóng cửa, cuộc sống của họ cũng đang từng bước đổi  thay.   

Một góc xóm Lài
Mưa lớt phớt bay. Thấy chúng tôi chuẩn bị đồ lên bản Lài, anh Xa Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê, can: “Các Nhà báo đi trong thời tiết này, đèo trơn, rất khó đi. Nếu trời mưa nặng hạt thì nguy hiểm lắm. Muốn yên tâm, các nhà báo nên gửi xe máy ở bản Nghê rồi đi bộ lên bản Lài”.
Anh Mạnh căn dặn, lên bản Lài bằng hai con đường. Thứ nhất, các nhà báo xuất phát từ xóm Nghê lên theo đường mòn rộng chừng 1m ngược đồi dài hơn 4km là đến thẳng bản Lài. Với những ai cứng tay lái đi xe máy một mình thì mới đi được. Thứ hai là từ bản Nghê lên bản Đăm bằng đường rải cấp phối dài hơn 5km rồi đi theo đường rừng hơn 4km mới lên đến nơi. Những người chưa quen xe máy đi đồi dốc thường chọn “phương án” đi bộ từ xóm Nghê lên qua bản Đăm rồi đến bản Lài mất chừng hơn hai tiếng đồng hồ. Rốt cuộc, chúng tôi chọn “phương án” đi xe máy từ bản Nghê lên thẳng bản Lài. 
 Bản Lài của người Dao ở Đồng Nghê được che chở bên sườn đồi, bao bọc xung quanh là những vạt ngô vào mùa chắc hạt, đang úa lá cứa vào trời chiều. Đứng ở giữa bản nhìn sang bên kia là rừng quốc gia Xuân Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ. Ở cuối bản, sáng sớm người Dao nơi đây có thể nghe tiếng gà gáy của 3 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Phú Thọ. Đêm đó, chúng tôi ngủ lại ở bản Lài nghe bà con kể nhiều chuyện nơi “cùng trời, cuối đất” của tỉnh Hòa Bình... 
Cách đây gần 100 năm, ở Đồng Nghê rừng núi mịt mùng; bản Lài chỉ là cánh rừng già cây cổ thụ tầng tầng lớp lớp, không có đường đi. Thấy đất đai màu mỡ, hai vợ chồng cụ Bàn Văn Phiêm lên bản Lài để khai hoang, lập nghiệp. Cụ Phiêm kể: “Ngày đó, cây gỗ quý cổ thụ nhiều vô kể, đi đến đâu cũng gặp thú rừng. Làm nhà xong, thú vào nhà ở cùng là chuyện bình thường. Chỉ cần mang súng kíp hoặc nỏ ra rừng vài phút là có thú mang về làm thức ăn”.
Vài năm sau, gia đình cụ Phiêm đã phát hoang có đất trồng ngô và hoa màu, thu hoạch ngày càng bội thu. Sau lần đi săn, thấy gia đình nhà cụ Phiêm dựa vào rừng để mưu sinh no đủ nên hộ ông Bàn Văn Sênh và Lý Văn Hoà cũng rủ nhau tìm về bản Lài. Hàng ngày, các hộ người Dao chỉ sống bằng săn thú, bắt chim và phát rừng làm rẫy. Sản phẩm làm ra không biết tiêu thụ được, vì không có đường xuống núi, nên buộc phải sống tự cung tự cấp. 

Theo cụ Phiêm kể, những năm kháng chiến chống Pháp, với địa hình đồi núi phức tạp, rừng Lài là nơi nuôi dưỡng nhiều du kích và bộ đội. Để tránh sự truy lùng của giặc, bộ độ tập kích ở trong rừng Lài hàng tháng trời mà không bị địch phát hiện. 

Được sự đầu tư của Chương trình 135 nên các hộ Dao bản Lài được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trưởng bản Bàn Văn Thanh cho biết: “Đến nay, bản Lài đã có 15 nóc nhà người Dao với 80 khẩu sinh sống. Ngoài gia đình cụ Phiêm, cụ Sênh và ông Hòa sống lâu đời, còn lại hầu hết là các hộ ở Sơn La, Phú Thọ di cư sang”.
Theo trưởng bản, người Dao ở bản Lài cũng mang nét văn hóa hòa vào nhịp sống cùng các dân tộc khác đang sinh sống tập trung ở một số xã vùng cao của huyện Đà Bắc, như: Tân Minh, Tân Pheo, Đoàn Kết, Trung Thành, mường Chiềng, Đồng Chum…, và Suối Nánh. Họ cư trú quần tụ theo các bản, làng ven đường, dưới chân núi, ven sông, suối và trên các thung lũng; mỗi bản quy tụ khoảng 30 nóc nhà của từ 2 đến 10 dòng họ, có bản cư trú thành từng cụm 5 - 7 nóc nhà. 
Cuộc sống của người Dao ở bản Lài giờ đây đang có một số nét đổi thay. Nhiều năm trước, họ sống phụ thuộc vào việc săn bắn, khai thác gỗ rừng trái phép. Do không có đường ô tô lên núi, xuống bản, buộc phải biệt lập với thế giới bên ngoài, nên việc khai thác các nguồn lợi từ rừng ở bản Lài không được quản lý. Có nhiều rừng nên trước đây một người đi làm gỗ có thể nuôi cả nhà. 
Từ khi Nhà nước chủ trương “đóng cửa rừng” người dân trong bản được các chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ, đầu tư nên các hộ người Dao dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ trong bản Lài tích cực khai hoang bồi bổ đất, mở mang ruộng nương, học tập kinh nghiệm canh tác lúa nước của người Kinh. Hiện nay, cả bản đã có hơn 0,4 ha lúa nước và hơn 10 ha đất vườn trồng ngô. Ngoài việc trồng trọt, các hộ người Dao nơi đây đang phát triển chăn nuôi gần 100 con trâu, bò.
Trong đó, gia đình anh Bàn Văn Thọ đang là gia đình điển hình. Mỗi năm, gia đình anh Thọ bán cặp bò và trồng hơn 10 cân ngô giống, cũng đủ mua sắm, chi tiêu và còn có thêm rượu ngô để đãi khách. 
Từ năm 2000, Chương trình 135, 747 và 15 của Chính phủ đã đầu tư xây dựng 3 gian nhà làm lớp học và một hệ thống bể nước hợp vệ sinh được dẫn về tận cụm dân cư. Năm 2007, điện đã “trèo núi” mang ánh sáng tưng bừng lên bản. Ông Vi Văn Hiềm (Bí thư Chi bộ bản Lài) vui sướng: “Cả bản Lài nay không còn hộ đói, 100% hộ đều có ti vi, 6 hộ mua được xe máy. Mừng nhất là bản Lài nay có lớp học tiểu học nên các em không phải cơm đùm cơm nắm leo núi đi học xa nữa. Cuộc sống và nếp nghĩ của người Dao bản Lài đang dần được thay đổi. Thấy rừng ngay trước mặt mà chẳng ai dám vào rừng lấy gỗ nữa…”.
***
Ông Hiềm cũng là người rất thạo thông tin. Lúc chia tay, ông Hiềm bảo mới nhận được tin vui: Tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Quỹ Kuwait vừa qua đã ký Hiệp  định vay vốn Quỹ Phát triển kinh tế Ả Rập của Kuwait cho Dự án phát triển nông thôn đa mục tiêu tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, trị giá 14,4 triệu USD. Dự án sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân ở Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình phát triển kinh tế, thực hiện chương trình phát triển các công trình giao thông, thủy lợi nhỏ ở vùng sâu vùng xa, xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đại diện tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc cam kết sẽ triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và các quy định của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. 
Tất nhiên, ông Hiềm cũng đang mơ ước ở nơi “cùng trời, cuối đất” của huyện Đà Bắc sớm được dự án trên ưu tiên đầu tư một con đường từ trung tâm xã Đồng Nghê lên tận bản Lài, để đồng bào dân tộc Dao nơi đây được giao lưu với các xã vùng cao lân cận.
Đà Bắc, 10/2012
Phóng sự của: Trọng Anh – Việt Lâm

Đọc thêm