Ước vọng đầu Xuân của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lâm

(PLVN) - Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, Mẹ Việt Nam anh Hùng Nguyễn Thị Lâm chỉ có một nguyện vọng nhỏ nhoi là hoàn tất việc tặng cho căn nhà tình nghĩa mình đang sống.  

Khi Tết đến, Xuân về, người người, nhà nhà hối hả chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên đán đầm ấm, sum vầy thì Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lâm (SN 1930, ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại cùng vợ chồng chị  Ngô Thị Dung và anh Nguyễn Phương Duy – cháu gọi Mẹ bằng bà thím đến Văn phòng Công chứng Nguyễn Đức Thịnh (số 12, ngõ 168 Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy) Hà Nội để làm Hợp đồng tặng cho ngôi nhà tình nghĩa mình đang sống.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lâm cùng vợ chồng chị Ngô Thị Dung và anh Nguyễn Phương Duy tại Văn phòng Công chứng.
 Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lâm cùng vợ chồng chị  Ngô Thị Dung và anh Nguyễn Phương Duy tại Văn phòng Công chứng.

Theo ghi nhận của PV, quá trình lập Hợp đồng tặng cho, Mẹ Lâm tỏ ra khá vui vẻ khi biết nguyện vọng của mình sẽ được thực hiện nhanh chóng theo đúng thủ tục quy định của pháp luật.

Trước đó, Mẹ Lâm và vợ chồng anh Duy đã phải đi nhiều nơi tìm hiểu thông tin để thực hiện nguyện vọng của Mẹ Lâm. Chỗ thì nói Mẹ Lâm cứ làm di chúc, chỗ thì nói mẹ phải vài chục năm nữa Mẹ Lâm mới được cho tặng… “Điều đó là “làm khó Mẹ Lâm”, Trưởng văn phòng công chứng Nguyễn Đức Thịnh nói.

 

Theo Trưởng văn phòng, khi Mẹ Lâm tới Văn phòng, bà có chia sẻ mong muốn được tặng cho căn nhà tình nghĩa cho vợ chồng chị Dung. Sau khi nghe  từng điều cặn kẽ, Văn phòng đã đồng ý giúp bà thực hiện ý nguyện miễn phí. Việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình thực hiện việc tặng cho theo đúng quy định của pháp luật, bà Lâm vẫn rôm rả kể lại những câu chuyện về ngày bé thơ, khi lấy chồng và hiện tại. BảLâm bảo bà sinh ra trong gia đình rất cơ cực, bố cờ bạc, bán hết ruộng đất. Mới mấy tuổi đầu, bà Lâm đã phải đi ở cho người ta để có miếng cơm, manh áo.

Năm 18 tuổi, bàLâm gặp rồi nên duyên vợ chồng với ông Nguyễn Quang Dung tại vùng tự do -"1 bao thuốc lá mời chung mọi người, thế là thành vợ chồng."

“Lúc đó, ông nhà tôi là Việt Minh, đi rải truyền đơn”, Mẹ Lâm kể và cho biết cứ tối đến, ông Dung lại vào thành để rải truyền đơn. Nhưng hạnh phúc vợ chồng của họ thật ngắn ngủi. Chồng bà bị phát hiện là Việt Minh do một người phụ nữ đi cắt cỏ tình cờ biết. Người phụ nữ đó đã báo cho chồng theo Tây, khiến ông bị địch bắn chết.

Chồng mất, con nhỏ hơn 1 tuổi bệnh tật, một mình Mẹ Lâm phải làm lụng vất vả để nuôi con trưởng thành. Tuy nhiên, đến năm ông Nguyễn Duy Hùng (con trai Mẹ Lâm) cũng tiếp tục đòi đi bộ đội. 

Theo lời kể của Mẹ Lâm, khi đó mẹ con bà ở một ngôi nhà nhỏ trong ngõ. Ngõ đó có 5 thanh niên lên đường nhập ngũ. Ông Hùng thấy thế cũng đòi đi cho bằng được vào năm Mậu Thân 1968. “Nó đi năm trước, năm sau mất ở mặt trận phía Tây Nam”, Mẹ Lâm nói và cho biết 5 thanh niên trong ngõ đi trước ông Hùng một năm cũng không bao giờ trở về.

“Tôi đã khóc một mình”,  bà Lâm nói. Hòa bình lập lại, Mẹ Lâm đã đi tìm con. Nhưng khi tìm được, chỉ là nắm đất đen. Từ đó bà sống một mình thờ chồng, con. Năm 1995, bà được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Cách đây khoảng chục năm, Mẹ Lâm được chính quyền tặng ngôi nhà tình nghĩa để có nơi ở cố định thờ chồng, con.

Mẹ Lâm nói hiện tại cuộc sống của bà sướng rồi. Bà được hưởng chế độ, được  chính quyền, đoàn thể quan tâm, chăm sóc. Hiện tại, Mẹ chỉ có một ước vọng đó là tặng cho căn nhà tình nghĩa Mẹ đang ở cho vợ chồng chị Dung. Mẹ Lâm hi vọng sau này chồng, con và mẹ tiếp tục có người thờ phụng đúng theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn của dân tộc”.

Đọc thêm