Thời gian gần đây quanh một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở đất Sài Thành đã xuất hiện những quán cà phê chiếu phim… tươi mát. Thậm chí, nếu sau khi “rửa mắt” mà có “nhu cầu”, các nhân viên của quán còn sẵn sàng đưa các “thượng đế” lên cả “thiên đường”...
Thời gian gần đây quanh một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở đất Sài Thành đã xuất hiện những quán cà phê chiếu phim… tươi mát. Thậm chí, nếu sau khi “rửa mắt” mà có “nhu cầu”, các nhân viên của quán còn sẵn sàng đưa các “thượng đế” lên cả “thiên đường”.
Tụ điểm tệ nạn “trá hình” quán cà phê
Trên các con đường Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè), Nguyễn Văn Quỳ (Quận 7, Tp Hồ Chí Minh), người ta sẽ ngay lập tức thắc mắc việc nhiều quán cà phê khá lụp xụp nhưng vì sao lại thu hút rất đông khách. Ghé vào một quán cà phê không tên trên đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), đon đả chạy ra mời khách là người phụ nữ chừng hơn 30 tuổi với giọng vồn vã: “Các anh cứ để xe đó đi, không sao đâu”.
Nhìn qua, quán này cũng giống như những quán cà phê bình thường khác nhưng theo sự giới thiệu của người dẫn đường: “Chờ đi, hấp dẫn còn ở phía sau”. Trong quán lúc này có khoảng 5 vị khách, không gian ngột ngạt do mùi thuốc lá nồng nặc cộng với bụi đường ùa vào. Chủ quán thấy khách định ngồi xuống thì nhanh miệng tiếp thị: “Hay là các anh ra phía sau ngồi cho mát mẻ, có cả không gian riêng nữa đấy”.
Quán cà phê này có hai lớp, phía bên ngoài chỉ là lớp “bọc hậu”, còn không gian chính là quán cà phê phía bên trong. Dắt vội xe vào phía sau, chúng tôi tìm một góc ở phía cuối để dễ quan sát. Quán là một khoảng sân khá rộng, bố trí bàn ghế cho khách ngồi ở khoảng giữa sân và “điểm nhấn” là hai màn hình tinh thể lỏng lớn áp vách tường. Lúc này là 19h30 và hàng chục khách uống nước là nam giới đang chăm chú vào màn hình theo dõi một bộ phim kiếm hiệp.
Đang đưa mắt quan sát quanh quán thì giọng một cô gái vang lên: “Hai anh uống gì để em làm luôn ạ?”. Gọi hai ly cà phê sữa đá, chỉ sau vài phút cà phê được đã bưng ra và thực khách phải trả tiền trước với giá khá “chát”: 25 ngàn, đắt gấp khoảng 3 lần so với các quán cà phê cóc thông thường. “Lý giải” cho sự đắt đỏ này, cô gái phục vụ nói: “Ở đây mát mẻ hơn và đây cũng là “phụ thu” tiền phim ấy mà”.
Ngồi uống được chừng 20 phút, cô gái lúc nãy lại chầm chậm đi ra và hỏi: “Các anh ngồi đây uống cà phê xem phim hay có muốn “không gian riêng” để thư giãn?”. Thấy lạ về cụm từ “không gian riêng” nên gặng hỏi thì được cô gái lả lơi cười, chỉ tay về những chiếc võng trong những góc khuất mờ mờ ảo ảo của khu vườn: “Các anh có thể ra đấy nằm võng thưởng thức cà phê và nói chuyện với mấy em”. “Thôi để bữa khác, hôm nay anh muốn xem phim một lát”.
Bỗng một vài khách lao nhao: “Đổi phim đi, muộn rồi, coi chút còn về ngủ, mai đi xách hồ chứ”. Có tiếng vọng ra từ bên trong quán: “Đợi chút nữa mấy anh ơi, còn sớm mà, khuya coi phim mới hay”.
Mại dâm “biến tướng”
Qua cô gái phục vụ, chúng tôi biết được giá thức uống để xem phim là đồng giá 25 ngàn, còn nếu muốn có “không gian riêng” ở những góc khuất thì phải phải trả thêm 10 ngàn tiền thuê võng và “tiền giờ” cho “các em ngồi nói chuyện cùng”. “Tiền giờ này không quy định, tùy ý khách nhưng “bèo” nhất cũng phải là 50 ngàn đồng/ giờ”, cô gái “tiêp thị”.
Hỏi chuyện một khách tên Thanh ngồi kế bên, thanh niên này tỏ vẻ “hồ hởi”: “Phim ở đây “được” lắm, đi xách hồ cả ngày, tối coi chút là khỏe người liền”. Tôi tò mò muốn hỏi thêm về loại hình cà phê “không gian riêng”, Thanh không ngần ngại chỉ dẫn: “Có gì đâu, ra đó nằm trên võng, thưởng thức ly cà phê rồi nói chuyện với mấy em út, rồi “đụng chạm” tí, nếu muốn thì mình hẹn mấy em “đi chơi””.
Ánh sáng trên hai màn hình chợt tắt, Thanh nhanh nhảu: “Có phim rồi đấy”. Cùng lúc đó, bốn thanh niên to cao vạm vỡ với những hình xăm chằng chịt trên tay, ngực cũng chia ra bốn góc của khoảng sân để canh cho những “thượng đế” “rửa mắt”. Rồi những dòng chữ Nhật Bản chạy lằng nhằng trên màn hình mở đầu cho buổi chiếu phim được các thanh niên “ham vui” chờ đợi. Lúc này quán đã khá đông khách, các hàng ghế cũng được lấp gần kín. Hàng chục cặp mắt hau háu dán vào màn hình.
Sau một hồi dạo đầu xì xào ngôn ngữ nước ngoài, cũng đến những phút giây mà khách chờ đợi. Một cảnh phim cực “nóng” với hai nhân vật chính đang quấn lấy nhau với những động tác rất chuyên nghiệp. Bên dưới, tiếng ồ à, suýt xoa vang lên, có người còn lên tiếng “thế này mới “đã” chứ, phim hay, phim hay”. Tập phim dài cũng hơn một giờ đồng hồ và khi kết thúc tập phim, nhiều người khách ra về với tâm trạng “mãn nhãn”.
Không chỉ có ở huyện Nhà Bè, Quận 7, tại một số quận, huyện ngoại thành khác ở Sài Thành, loại hình cà phê này cũng đang “nở rộ”. Cách hầm chui Tân Tạo (Quốc lộ 1A, Quận Bình Tân) khoảng một km đi về hướng vòng xoay An Lạc, có một quán cà phê chuyên chiếu phim tươi mát. Quán không bảng hiệu, nhưng có đặc điểm là phía trước được che một tấm vải có chiều dài bằng mặt tiền quán. Theo chân người bạn là một công nhân thường đến xem phim tại đây, tối một ngày cuối tháng 12/2011, chúng tôi đến quán trên để tìm hiểu.
Tiềm ẩn hệ lụy
Khoảng 18h, trong quán lúc này có trên 10 khách, tôi quay sang một khách uống cà phê dò hỏi: “Nghe nói quán này có chiếu phim “nóng” sao không thấy mà chiếu phim Hồng Kông vậy?”. Anh bạn quay sang, nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên: “Ráng đợi đi, 19h trở đi mới chiếu”.
19h, chủ quán bắt đầu trình chiếu những thước phim “tươi mát”, khách bên ngoài vào xem mỗi lúc một đông. Cứ đến cảnh nóng, mọi người mắt tròn xoe trầm trồ: “Vầy mới đáng xem chứ”, có người thì: “Đổi phim Hàn Quốc đi, có mấy em tuyệt lắm, phim Hồng Kông “làm” không đã đâu…”.
Làm quen với anh T.H.K (công nhân khu công nghiệp Tân Tạo), tôi hỏi: “Chắc anh hay ra đây xem lắm hả?” Nam công nhân này cho biết: “Ngày nào cũng ra coi, chứ đi làm nguyên ngày rồi ở nhà buồn chết. Ở đây thú vị hơn nhiều”. Không chỉ N.T.N mà có rất nhiều công nhân khu công nghiệp Tân Tạo gần đó cũng bị “cuốn” vào loại hình giải trí đồi trụy này.
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh cho biết, hành vi chiếu phim tươi mát của các chủ quán cà phê có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Điều 253 BLHS quy định rõ: “Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy… thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Cũng theo luật sư này, hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội như mại dâm nên những vi phạm này cần sớm bị dẹp bỏ. Trò chuyện với chúng tôi, những người dân sống gần quán cà phê chiếu phim “tươi mát” tỏ vẻ ngao ngán: “Chúng tôi ở đây mong chính quyền sớm kiểm tra dẹp bỏ chứ tình trạng này kéo dài thì vừa mất trật tự, lại lo con cái chúng tôi sớm bị “đầu độc””.
Theo Pháp luật & Thời đại