Ưu ái như vậy đã đủ thiếu trong sáng chưa?

(PLO) -Trong việc bổ nhiệm cán bộ, hành vi “nâng đỡ không trong sáng” đã có trường hợp cụ thể ở Thanh Hóa, còn sự ưu ái cũng được nhắc tới nhiều, tuy nhiên, chưa thấy trường hợp nào “thiếu trong sáng” cả.
 

Mới đây, xôn xao chuyện một vị Phó trưởng Ban Chỉ đạo miền Tây Nam bộ, cho dù bị kỷ luật bởi những sai phạm của mình nhưng vẫn có tên trong danh sách được tặng thưởng Huân chương Độc lập, phải chăng đây cũng là một sự ưu ái dành cho người không “hạ cánh án toàn”?. Đây không phải chuyện “mặt trái của tấm huân chương” mà là một cách hạ thấp danh hiệu cao quý và giá trị tinh thần của tấm huân chương!

Sự ưu ái cán bộ không chỉ ở việc cứ lãnh đạo là có huân chương (công chức, viên chức dù cả đời công tác mẫn cán cũng không bao giờ được xem xét) mà cả trong các lĩnh vực khác như xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Những cán bộ ở Quảng Ngãi làm thất thoát tiền ngân sách tới 26 tỷ trong một dự án thủy điện, đền bù đất đai mà người chịu hình phạt cao nhất cũng chỉ 3 năm tù treo. Mức án như vậy răn đe, cảnh cáo thế nào được bọn tham nhũng, với tội danh Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng mà tuyên xử như vậy có còn là tý ti gì là nghiêm minh pháp luật nữa hay không. Không chỉ là quá ưu ái đối với tội phạm tham nhũng mà còn là sự coi thường quá đáng pháp luật của những người nhân danh “bảo vệ công lý”!

Một nữ thư ký tòa án tống tiền bị cáo là phụ nữ đã ly hôn nuôi 3 con nhỏ, mặc cả cái giá cho án treo 85 triệu đồng, vừa rồi đưa ra xét xử chỉ phải nhận án treo. Còn nữ bị cáo, người đã tố cáo việc chạy án, tống tiền thì bị xử nặng gấp 5 lần án sơ thẩm, đồng thời còn lôi cả em trai chị ta vào vòng tố tụng. Tất nhiên, đồng nghiệp với nhau thì ưu ái là chuyện thường nhưng nếu so sánh với người dân cùng vụ việc này thì mới thấy cán cân công lý nghiêng ngả đến mức nào, người ta đã biến pháp luật thành trò đùa, ở đó có thể hành xử theo kiểu ưu ái hay trả đũa đều được thực hiện dưới cái nguyên tắc “Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật” một cách hết sức tùy tiện.

Sự ưu ái cán bộ phạm tội bị xét xử đã rõ, còn có trường hợp chưa bị xét xử đã “bênh” nhau rồi” Khi một loạt cán bộ Sơn La bị khởi tố vì hành vi tương tự như các cán bộ môi trường ở Quảng Ngãi thì trả lời báo chí, người lãnh đạo của tỉnh Sơn La đã cho rằng cái hành vi tham nhũng của cán bộ cấp dưới của mình là “vì dân”(?!). Một sự đánh tráo khái niệm khủng khiếp!

Điểm qua vài vụ việc như vậy để bạn đọc tự rút ra câu trả lời là ưu ái như vậy đã đủ thiếu trong sáng chưa?