Ủy ban phường ấy tự cho mình quyền đứng trên pháp luật?

(PLO) - Một thương binh ở Hà Tĩnh, loại ¼, tỷ lệ thương tật 81%, mua mảnh đất 900 m2 từ năm 1997 với giấy tờ hợp pháp lúc đó (Phiếu thu do Chủ tịch xã và Kế toán trưởng ký, ghi rõ “nộp tiền mua đất”).
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Do hoàn cảnh kinh tế, chưa thể làm nhà, miếng đất đó để trống. Năm 2009, người mua mới đến UBND phường làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bị từ chối. Cực chẳng đã, ông phải kiện ra Tòa, sau hai lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, đều tuyên mảnh đất này thuộc về ông và chính quyền phường phải làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông.

Tuy bản án đã có hiệu lực pháp luật được 2 năm song vẫn không được đem ra thi hành vì UBND phường sở tại tìm mọi cách trì hoãn, thậm chí, trong văn bản của phường còn khẳng định, bản án của TAND Hà Tĩnh tuyên không có căn cứ, không đúng sự thật và gửi đơn yêu cầu kháng nghị. TAND tối cao, trong một công văn trả lời, viết: “Sẽ xem xét đề nghị kháng nghị theo quy định pháp luật tố tụng hành chính”. Tuy nhiên, hơn một năm qua UBND phường chẳng đả động gì đến nhưng đó là một cái cớ để UBND phường dựa vào đó làm chậm trễ việc thi hành quyết định của một bản án đã có hiệu lực.

Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thị xã Hồng Lĩnh đã có những văn bản đốc thúc việc thi hành án nhưng hầu như những động thái này chẳng có tác động gì làm chuyển biến tình hình vì rốt cuộc cho đến nay, người chủ của mảnh đất vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”.

Ông thương binh nặng này đã gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi, sau khi báo chí đăng tải sự việc vào đúng dịp tri ân nhân Ngày Thương binh, Liệt sỹ thì mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản chỉ đạo thị xã Hồng Lĩnh khẩn trương kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức liên quan tới vụ việc này.

Không đề cập đến việc coi thường pháp luật của chính quyền sở tại gây một gương xấu trong thi hành án dân sự tại địa phương mà chỉ riêng cách đối xử với một công dân – thương binh của mình như thế cũng rất đáng phê phán.

Sự nhũng nhiễu được dung dưỡng dẫn đến một chính quyền cấp thấp nhất cũng cho mình cái quyền đứng trên pháp luật, phê phán và chối bỏ cả những phán quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh! 

Lâu nay, khiếu kiện đất đai luôn luôn nóng, gây bất ổn xã hội, phần nhiều là do những khuất tất, nhập nhèm từ chính những cán bộ được giao trách nhiệm quản lý đất đai gây ra. Đây là một việc nhỏ nhưng cũng là hiện tượng khá phổ biến tại không ít địa phương: cán bộ địa chính xã, phường “găm” sổ đỏ để "vòi tiền", có trường hợp bị phát hiện thì không xử lý đến nơi đến chốn.