Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc: Tâm nguyện cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

(PLVN) - Gần nửa thế kỷ gắn bó với công tác Mặt trận, đến nay đã 85 tuổi nhưng ông Nguyễn Túc vẫn luôn tâm huyết với công việc, bởi ông tâm niệm, còn sức khỏe, còn trí tuệ thì còn phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Túc vẫn rất tâm huyết với công việc.

Noi gương sáng để trưởng thành

“Tôi may mắn khi được giúp việc cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí ấy đều là những tấm gương sáng mẫu mực về phẩm chất đạo đức, luôn tận tụy hết mình vì nước, vì dân. Nhờ soi vào những gương sáng ấy mà tôi trưởng thành dần lên, công việc dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng làm cho đến nơi đến chốn”- ông Nguyễn Túc mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng chia sẻ chân tình như vậy.

Nhắc lại cơ duyên đến với Mặt trận, ông không khỏi bồi hồi: Cuối năm 1957, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi được phân công về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với nhiệm vụ dạy tiếng Nga cho sinh viên và dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho cán bộ giảng dạy. Đến tháng 5/1960, Trung ương cử tôi đi phục vụ Đại hội III của Đảng. Tôi cùng anh Đậu Ngọc Xuân và Trịnh Ngọc Thái được phân công phụ trách khối phiên dịch văn kiện và hội trường; do tôi trẻ hơn nên được phân công khâu tổ chức và hậu cần. Vì phụ trách công tác này nên tôi thường xuyên họp với Ban tổ chức Đại hội và được gặp Bác Hồ.

Dù trước đó tôi được gặp Bác nhiều lần tại Trường Đại học Bách Khoa, nhưng những dịp được gần gũi với Bác, được Người thăm hỏi, động viên trong thời gian phục vụ Đại hội III của Đảng đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Đó là kỷ niệm thiêng liêng và đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi, nó khích lệ tôi luôn sống và cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Vào đầu năm 1970, ông được điều về Ban Quốc tế của Tổng Công đoàn Việt Nam; sau đó được phân công làm Thư ký cho ông Hoàng Quốc Việt, (lúc đó là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp công đoàn thế giới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao). “Năm 1970, sau khi Bác Hồ mất, bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước nhưng về danh nghĩa vẫn kiêm Chủ tịch Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, còn cụ Hoàng Quốc Việt được phân công trực tiếp phụ trách công tác Mặt trận. Cụ Hoàng Quốc Việt định bố trí cho bác Tôn một thư ký riêng về công tác Mặt trận, nhưng bác Tôn xua tay: Không cần tốn kém như vậy. Thư ký của anh cứ làm việc cho anh, thứ Bảy hàng tuần bảo anh ấy lên báo cáo công việc cho tôi là được. Thế là tôi vừa làm thư ký cho bác Việt vừa kiêm thư ký “bất đắc dĩ” của bác Tôn về công tác Mặt trận”- ông Túc chia sẻ.

Với những cống hiến không mệt mỏi, ông Nguyễn Túc đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Đại đoàn kết, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và 18 huy chương, huy hiệu của hầu hết các bộ, ngành. Ông cũng được Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương ISALA cao quý.

Là Thư ký của các lãnh đạo cấp cao nên công việc của ông bận tối ngày. Tuy nhiên, qua phong cách làm việc của lãnh đạo và những chuyến tháp tùng thủ trưởng đi công tác, ông đã lĩnh hội được nhiều bài học quý.

Đó là năm 1970, trước âm mưu của bọn Vàng Pao, Trung ương cử ông Hoàng Quốc Việt lên Tuần Giáo (Điện Biên) thăm hỏi và động viên đồng bào không theo địch. Khi đến nơi, đoàn công tác được đồng bào tiếp đón rất trọng thị, nhưng trong bữa ăn có món tiết canh trâu. “Bác sĩ riêng của cụ Hoàng Quốc Việt ghé tai thủ trưởng dặn không được ăn. Cụ bảo: “Anh đừng xui bậy tôi, dân ăn được thì cớ sao mình không ăn”. Mà thủ trưởng ăn, chả nhẽ tôi lại ngồi nhìn, vì thế tôi cũng đành bê bát tiết canh lên miệng, sau đó bắt chước thủ trưởng uống vài ngụm rượu, dù cả đời tôi chưa từng uống rượu. Uống xong tôi say đến hoa mắt, chóng mặt…Tối hôm đó, khi ngồi lại để bàn công việc và rút kinh nghiệm, cụ Hoàng Quốc Việt nói với chúng tôi: Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng thì phải tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào; đồng bào ăn gì thì mình ăn nấy, đồng bào sống ra sao, mình sống như vậy, có như thế mới vận động được nhân dân. Nghe thủ trưởng nói, chúng tôi mới vỡ ra nhiều điều. Đó là bài học đầu tiên từ khi tôi về làm công tác Mặt trận”- ông Túc hồi tưởng.

Lần khác, vào đầu năm 2001 tại Tây Nguyên xảy ra tranh chấp đất giữa một số hộ dân đồng bào dân tộc với một số gia đình người Kinh đến đây làm kinh tế mới. Lợi dụng tình hình này, bọn Fun-rô đã lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào biểu tình, bạo loạn, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc… Ông nhận được mệnh lệnh “Phải đi Tây Nguyên ngay”.

Đến nơi, ông nhận thấy nhiều cán bộ đến làm việc với dân nhưng chỉ gặp nam giới mà không gặp phụ nữ, trong khi phong tục của đồng bào ở đây theo chế độ mẫu hệ. “Trong những vụ việc như thế này rất cần những người am hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc, bởi vậy tôi tìm gặp những người có uy tín trong vùng và các già làng, trưởng bản để nhờ họ động viên, tuyên truyền cho nhân dân hiểu.”- ông Túc nói.

Công tác Mặt trận là thế, rất khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy, nhưng đó cũng là môi trường là điều kiện tốt cho ông rèn rũa ý chí và nghị lực. Ông tâm sự: công tác Mặt trận gắn liền với dân, luôn tiếp xúc với mọi tầng lớp, tôn giáo, vì vậy muốn làm tốt công việc thì ngoài đức tính kiên trì, phải am hiểu phong tục tập quán của từng dân tộc, phải biết giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Ngoài ra, muốn vận động, tuyên truyền nhân dân sống theo Hiến pháp và pháp luật thì người cán bộ phải thạo pháp luật… Những việc đó đòi hỏi người làm công tác Mặt trận phải thực hiện cho được phương châm “Học, học nữa, học mãi”, học tập suốt đời.

Phải luôn gần dân, hiểu dân, lắng nghe nhân dân

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều Nghị quyết của UBTƯ MTTQ Việt Nam đều do ông chấp bút. Và trong nhiều sự việc quan trọng, nhiều “điểm nóng” cần giải quyết, ông Nguyễn Túc thường được tín nhiệm cử đi “tiền trạm”. Không phụ lòng tin của cấp trên, khi nhận công việc là ông dốc hết trí lực để hoàn thành nhiệm vụ. Vào cuối năm 1988, xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp đầm nuôi cá giữa các cựu chiến binh xã Cộng Hòa với cán bộ lãnh đạo xã Thọ Ngọc (tỉnh Thanh Hóa). Khi mâu thuẫn xảy ra, huyện ủy không nắm chắc tình hình nên báo cáo lên cấp trên không chính xác. Tỉnh Thanh Hóa đã điều tổ công tác về giải quyết, tuy nhiên một số cán bộ trong đoàn công tác đã bị người dân ở đây bắt giữ trong gần một tháng.

Ông Nguyễn Túc (hàng đầu, thứ tư từ phải sang) cùng các thành viên Tổ biên tập văn kiện Đại hội X của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó làm Tổ trưởng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (lúc đó là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) có nói với ông: “Tôi cần anh đi ngay giải quyết vụ này”. Ông về địa phương, gặp gỡ nhiều bên và hiểu rõ nguyên nhân tại sao có mâu thuẫn nghiêm trọng như vậy, đồng thời tìm ra hướng hòa giải hợp tình, hợp lý. Bài học giá trị ông rút ra được từ vụ việc này đó là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nếu không nắm chắc và giải quyết không khéo sẽ trở thành xung đột. Vì vậy, sau chuyến công tác đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đặt vấn đề với Bộ Tư pháp về vấn đề hòa giải trong dân, để rồi sau đó không lâu, văn bản pháp luật về công tác hòa giải trong nhân dân đã ra đời.

Ông quan niệm, cán bộ Mặt trận là phải luôn gần dân, hiểu dân, lắng nghe nhân dân nói và đi thẳng vào những vấn đề người dân mong mỏi. Dũng khí của người cán bộ Mặt trận là phải nói lên tiếng nói thực sự của nhân dân. Kể lại câu chuyện khi ông được phân công vào Tiểu ban Văn kiện Đại hội X của Đảng, giọng ông trùng xuống: Dự thảo lần thứ 4 của Văn kiện đại hội bỏ đi cụm từ “không nhỏ” trong câu “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất”. Tôi kiến nghị là chưa thể bỏ được cụm từ này, vì tệ tham nhũng vẫn có chiều hướng nghiêm trọng và bắt đầu có hiện tượng tham nhũng có tổ chức, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai… Trước ý kiến của tôi, một lãnh đạo cấp cao tỏ ý không đồng tình và cho rằng tôi có cái nhìn phiến diện.

Giờ giải lao, có đồng chí ghé tai ông: Anh nói vấn đề này làm gì cho khổ? Ông bảo ngay: nếu không nói thì mình không còn là đại diện của dân nữa; đã là sự thật thì phải nói đúng sự thật. Hôm sau, báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, số cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng bị kỷ luật từ Đại hội IX đến Đại hội X tăng gấp rưỡi so với Đại hội VIII sang Đại hội IX, ngoài ra còn rất nhiều vi phạm mới chưa từng xảy ra trước đây... Khi có số liệu này, vị lãnh đạo phê bình ông trước đó tới vỗ vai ông xin lỗi và nhất trí cho rằng không thể bỏ được cụm từ “không nhỏ” trong việc đánh giá tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong dự thảo Văn kiện Đại hội X của Đảng. Với thái độ chân thành, dám nói thẳng, nói thật, ông Nguyễn Túc được nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước tin cậy, quý mến.

Với 85 năm tuổi đời, ông có gần 17 năm làm Ủy viên thư ký của UBTƯ MTTQ Việt Nam (tương đương chức vụ Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bây giờ). Đặc biệt, ông cũng là người có thâm niên cao nhất trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ với hơn 30 năm (từ khóa IV đến nay). Dù đã về hưu nhưng ông luôn nhiệt huyết, say mê với công việc, đóng góp cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn, chân tình.

“Tôi đã trải qua 10 đời Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ thời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến nay. Dù tuổi đã cao nhưng khi còn sức khỏe, còn trí tuệ thì tôi còn phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cho công tác xây dựng Đảng và phát triển đất nước”, vị cán bộ luôn tận tụy với công việc nở nụ cười hồn hậu khi tiễn khách ra cửa.

Đọc thêm