“Uyển ngữ”, “xảo ngữ” và cái giá của sự minh bạch

(PLO) - Suốt một tuần, câu chuyện “thu giá” BOT giao thông “nổi sóng” trên các diễn đàn truyền thông cũng như mạng xã hội. Người ta sẽ không chú ý đến việc dùng từ đến thế nếu việc thu tiền tại các BOT giao thông là điểm nóng trong thời gian dài và đến bây giờ, giải quyết căn cơ vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ.
Ảnh từ internet.

Thẳng thắn mà nhận định vấn đề, dư luận có cơ sở để khẳng định rằng, BOT đang chứa đựng biểu hiện của “lợi ích nhóm” khá rõ ràng, từ chỉ định thầu, giá trị đầu tư, đặt trạm thu tiền đến mức thu, thời gian thu, chi phí.

Khi bắt đầu một dự án BOT, người ta nhấn mạnh đến vai trò tầm cỡ của một công trình quốc gia nhưng khi thu tiền thì họ bảo là của doanh nghiệp, Nhà nước không kiểm soát được như phí, mà để họ tự “làm giá’ mà thôi.

Đây hoàn toàn không phải là cách dùng “uyển ngữ” để giảm nhẹ hoặc xoa dịu bất bình của dân chúng mà đích thực là một “xảo ngữ” che đậy những khuất tất bên trong. Nếu đường hoàng, minh bạch thì dù có gọi một cách khó hiểu, tối nghĩa là “thu giá” hoặc trắng phớ là “thu tiền đường” thì hẳn mọi người đều chấp nhận, chẳng ai phản ứng gì.

Họ phản ứng là cái cách “lập lờ đánh lận con đen”, trao quyền “làm giá” cho các nhà đầu tư mà làm nhạt đi vai trò điều hành của Nhà nước, giám sát của nhân dân ở đó.

“Uyển ngữ” chính xác là trường hợp TP Hồ Chí Minh ngày càng lún sâu vào cảnh ngập lụt, thế mà người đại diện cho cơ quan chức năng phụ trách lĩnh vực này gọi là “đường tụ nước”. Đó là cách nói lái đi để tránh nhìn vào một sự thật theo đúng tình trạng của nó.

Câu nói này lặp lại câu chuyện  gần 3 năm trước khi ông Giám đốc Sở Giao thông lúc đó nhận định “không có kẹt xe kéo dài ở thành phố này, đó chỉ là "ùn ứ" vì xe vẫn có thể nhúc nhích được”. Nhận định đó đã từng làm dậy sóng dư luận, thế mà vết xe đổ đó vẫn có người theo!

Một lần nữa “đường tụ nước” thành đề tài để dư luận chỉ trích và châm biếm.

Không dùng đến “uyển ngữ”, “xảo ngữ” nhưng tai tiếng hơn nhiều là việc dùng “xảo thuật” trong công tác tổ chức cán bộ. Tuần qua, dư luận rộ lên vì có 2 cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật được bố trí công việc “thích hợp” “đúng quy định, quy trình”.

Đó là trường hợp của ông Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, bị cách hết chức vụ vì hành vi “nâng đỡ không trong sáng”, giờ được “đồng liêu” nâng đỡ là Tổ trưởng tổ giúp việc ở một cơ quan mới được thành lập có tên là Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở do Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban.

Chức vụ này không khiêm tốn chút nào so với một Ban quyền thế đến vậy và một lần nữa “uyển ngữ” được áp dụng thành công. Họ không dùng từ “bổ nhiệm” mà gọi là “phân công”!

Trường hợp thứ hai là ông Giám đốc Sở Giao thông TP Cần Thơ sau khi bị kỷ luật thì được điều động sang làm Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp – ngang với chức cũ!

Một trong những thành tố làm nên Chính phủ kiến tạo là minh bạch, nếu cứ ứng xử theo kiểu như thế này thì cái giá phải trả cho sự minh bạch là rất lớn, thậm chí không trả nổi!