“Vaccine Số” - giúp trẻ an toàn trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. 1/4 số trẻ được khảo sát chia sẻ rằng các em từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. 1/3 số trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lo ngại mạng ảo tấn công trẻ nhỏ

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tính tới tháng 1/2019, Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 66% dân số. Số người dùng Internet như vậy được xem là ở mức cao trên thế giới.

Việt Nam cũng có tới 62 triệu người dùng mạng xã hội. Hơn một phần ba trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24, theo số liệu của UNICEF). Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (60%).

Hầu hết, những người thực hiện clip, trò chơi độc hại khi xác định đây là nghề kiếm tiền đều nhận thức được điều này và lạm dụng các chiêu trò để câu view, bất chấp các chuẩn mực đạo đức khiến chính cộng đồng mạng lên tiếng. Các ứng dụng làm video trên điện thoại di động và độ mở của các mạng xã hội đang tạo điều kiện cho nhiều người có thể làm clip, video.

Tuy nhiên, với xu hướng câu view kiếm tiền, ngày càng nhiều video có nội dung không lành mạnh, thậm chí phản cảm, bạo lực đang tác động đến suy nghĩ, hành vi và định hướng của trẻ nhỏ.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày.

Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của trẻ nhỏ.

Theo nghiên cứu trên thế giới, cứ 100 trang web có 12 trang liên quan đến nội dung khiêu dâm, tỷ lệ lớn trẻ vị thành niên ghé thăm các trang web này rất lớn, dần dần dẫn đến việc nghiện xem các trang web này. Nguy hại hơn, các chuyên gia còn đề cập đến một loại rối nhiễu tâm lý gọi là “trầm cảm mạng xã hội, rối loạn tư duy do web độc, hại”. “Tuổi trung bình ghé thăm các trang web khiêu dâm là 11 tuổi, có em từ 9 tuổi… con trai nhiều hơn con gái”.

Việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng bất an, lo lắng gia tăng. Bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,… lâu dần sẽ sinh ra bệnh. Vì vậy, có không ít các vụ án xâm hại trẻ nhỏ gây ra từ đây.

Lo ngại mạng ảo tấn công trẻ.

Lo ngại mạng ảo tấn công trẻ.

Tại hội thảo trong chiến dịch “Vaccine Số - Sống số lành mạnh” vừa diễn ra ngày 8/11/2021, kênh TikTok Like Việt Nam, Fan page Lan Tỏa Yêu, Nguyễn Hải Ninh - Nhà sáng tạo nội dung TikTok đã từng có những trải nghiệm khó quên về quyền riêng tư và bảo mật khi sử dụng mạng xã hội bộc bạch: “Trong một lần đăng video, em đã vô tình để lộ thông tin về địa chỉ và biển số xe lên mạng, sau đó bị người lạ tìm đến làm phiền. May mắn khi đó em có bố mẹ bảo vệ, nhưng vẫn là bài học đáng nhớ. Từ đó, em luôn khuyên bạn bè và những người theo dõi cần chủ động bảo vệ bản thân, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin”.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ: “Tôi không phủ nhận ưu điểm to lớn của Internet nhưng không thể không lưu ý trước những mặt trái. Ngoài chuyện tin giả, thông tin tiêu cực thì người dùng còn dễ bị xâm hại quyền riêng tư và bảo mật như bị đánh cắp thông tin, bôi nhọ, lừa đảo qua mạng…

Với đối tượng trẻ vị thành niên thì càng nguy hiểm hơn do các em chưa có đủ nhận thức. Chính vì vậy phụ huynh, giáo viên, toàn thể xã hội và các nền tảng đang không ngừng nỗ lực để hỗ trợ, bảo vệ, giáo dục các em”.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho biết: “Thanh thiếu niên đang là độ tuổi dễ tiếp cận Internet, nhưng cũng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Sự xâm hại đến quyền riêng tư và bảo mật của các em có thể dẫn tới các hệ luỵ về cả thể chất lẫn tinh thần như xấu hổ, tự ti, bất an, mệt mỏi…”.

Cần bảo mật trên không gian số

Là người bố của 3 đứa con, nhà báo Hoàng Anh Tú đã từng có nhiều quan điểm xoay quanh việc nuôi dạy con văn minh - cởi mở thời hiện đại, dù vậy trong khía cạnh an toàn bảo mật trên không gian số, “anh Chánh Văn” cho rằng các phụ huynh không được buông lỏng, cần có những phương pháp khéo léo: “Việc kết bạn với con trên mạng xã hội là một việc cần có sự tinh tế, chừng mực để sao cho con thấy mình là “người bạn” dễ dàng tâm sự, nhờ cậy, chứ không phải “sợ” mình.

Thay vì kiểm soát, cấm đoán, phụ huynh có thể thường xuyên nhắc nhở con bảo vệ tài khoản, chia sẻ những tài liệu về quyền riêng tư. Ngoài ra, các bố mẹ nên khuyên con thay đổi mật khẩu các tài khoản thường xuyên, không đặt trùng lặp; bật bảo vệ hai lớp; cài đặt quyền riêng tư cho bài đăng… Và không thể thiếu khoản tự trau dồi, chúng ta cần là một chuyên gia trước tiên đã, để khi còn cần giúp đỡ là có thể gỡ rối cho các con”.

Hướng dẫn trẻ sử dụng internet an toàn.

Hướng dẫn trẻ sử dụng internet an toàn.

Nhằm phòng tránh những trường hợp không đáng có, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, thanh thiếu niên, phụ huynh, giáo viên cùng những đối tượng liên quan cần nhận thức được tầm quan trọng của quyền riêng tư và bảo mật trong môi trường mạng.

“Trong thời đại 4.0, mọi thông tin con trẻ đăng lên mạng đều rất dễ bị kẻ xấu lưu về, lan truyền rộng rãi, vậy nên cần cài đặt đối tượng cũng như quyền riêng tư thật cẩn thận. Ngoài ra, trẻ dưới 18 tuổi chưa thể tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình cùng như không đủ kiến thức về những vấn đề bảo mật và quyền riêng tư này, nên cần sự trợ giúp của phụ huynh cũng như thầy cô giáo, người lớn có trách nhiệm xung quanh để giúp đỡ các em”, bà Nga chia sẻ.

Hiện TikTok đã đưa ra những cam kết và nỗ lực trong việc đảm bảo môi trường “sống số lành mạnh” trên không gian mạng dành cho tất cả người dùng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Với các tài khoản được cài đặt ở trạng thái riêng tư, chỉ những tài khoản được người dùng phê duyệt mới có thể theo dõi, xem các video, và nhắn tin trực tiếp. Ngoài ra, bộ lọc bình luận, quản lý thời gian truy cập, chế độ hạn chế và tính năng báo cáo trong ứng dụng cũng là những tính năng an toàn vừa được cập nhật trong thời gian vừa qua.

Để tận dụng điểm tốt của công nghệ, khi con trẻ chưa được trang bị bộ lọc cần thiết giữa một môi trường hỗn độn của thông tin, chúng ta – những bậc làm cha, làm mẹ – phải trở thành chiếc cầu nối giữa con và thế giới ảo. Cha mẹ là bộ lọc chủ động lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng đang chập chững bước vào đời. Cha mẹ nên hướng dẫn con dùng mạng

Internet, điện thoại, máy tính vào các hoạt động bổ ích như nghiên cứu tài liệu, học tiếng Anh, học online… Hiện nay, một phương pháp học tập thông minh đang được nhiều cha mẹ và học sinh lựa chọn là học online. Với cách học này, con hoàn toàn có thể chủ động thời gian, không gian ôn bài. Ngoài ra, trẻ có thể học nhóm với bạn bè để tăng sự hứng thú. Hơn nữa, bố mẹ có thể theo dõi tiến độ và kết quả học của con một cách nhanh chóng.

Các phụ huynh, giáo viên và thanh thiếu niên có thể liên hệ tới những mạng lưới hỗ trợ như:

- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

- Trình báo tới Cơ quan công an các cấp hoặc gọi Đường dây nóng của Công an 113.

- Liên hệ Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680.

- Liên hệ Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân.

Đọc thêm