Hậu quả bất ngờ
Khi Pouya Jamshidi - một bác sỹ nội trú tại trường Đại học Y Weill Cornell – tham gia ca đỡ đẻ đầu tiên - bác sĩ phụ trách đã yêu cầu anh cách lý đứa trẻ sơ sinh khỏi mẹ. Bé gái mới sinh khỏe mạnh với làn da hồng hào và những lá phổi mạnh mẽ đã được cách ly. Lý do là bởi vào giữa thai kỳ, mẹ của bé bị bệnh lao. Người mẹ đã bị nhiễm trùng phổi truyền nhiễm từ khi còn ở tuổi thiếu niên và căn bệnh đã quay trở lại dù cô đã dùng kháng sinh phòng ngừa và kiểm tra thường xuyên.
Nguyên nhân sau đó được xác định là do một loại TPCN khá phổ biến được gọi là thảo dược St. John's wort. “Vấn đề ở đây là hầu hết mọi người không coi đó là thuốc vì họ không cần đơn thuốc khi muốn mua các loại TPCN như vậy. Do đó, cô ấy đã không nói với chúng tôi về việc bản thân dùng sản phẩm ấy”, Jamshidi kể lại.
St. John's wort từng là một trong những loại TPCN phổ biến được bán ở Mỹ. Tuy nhiên, năm 2000, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã công bố một nghiên cứu cho thấy St. John's wort có thể hạn chế nghiêm trọng hiệu quả của một số loại thuốc quan trọng - bao gồm kháng sinh, ngừa thai và thuốc kháng retrovirus nhằm kiểm soát các bệnh lây nhiễm như HIV - bằng cách tăng tốc độ phá vỡ cấu trúc thuốc trong cơ thể. “Về cơ bản, nó đã chuyển hóa quá mức các loại kháng sinh khiến chúng không có trong cơ thể của cô ấy với liều lượng chính xác”, Jamshidi lý giải.
Những phát hiện về St. John's wort đã khiến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo các bác sĩ về các phương thuốc thảo dược. Song, điều đó cũng không khiến việc công khai bán hoặc tiêu thụ các sản phẩm này trở nên ít đi. Trong 2 thập kỷ qua, các trung tâm kiểm soát chất độc của Mỹ đã nhận được khoảng 275.000 báo cáo – tức cứ khoảng 24 phút một lần – về những trường hợp người sử dụng có phản ứng xấu với các loại TPCN, mà 1/3 trong số đó là những tin báo về các phương thuốc thảo dược như St. John's wort.
Lợi bất cập hại
FDA định nghĩa TPCN là các sản phẩm nhằm tăng thêm giá trị dinh dưỡng để bổ sung cho chế độ ăn uống. Những loại sản phẩm này không được điều chỉnh như với các loại thuốc và chỉ khi một loại TPCN nào đó được chứng minh là gây ra tác hại đáng kể thì nó mới được gọi là không an toàn. Một nửa số người trưởng thành tham gia một cuộc khảo sát vào giữa những năm 2000 ở Mỹ cho biết họ đã dùng ít nhất một loại thực phẩm mỗi ngày, gần như tương đương với tỷ lệ đã dùng các sản phẩm này ở 2 thập kỷ trước đó.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã phát hiện những bằng chứng cho thấy các loại thuốc và bột đó không hiệu quả và đôi khi nguy hiểm. Vào tháng 11/2017, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Y Harvard và công ty thử nghiệm sản phẩm độc lập NSF International đã xác định 4 chất kích thích chưa được phê chuẩn, chưa được liệt kê trong 6 loại TPCN được bán trên thị trường với công dụng được giới thiệu là để giảm cân và cải thiện thể hình.
Bằng chứng cho thấy các chất này có thể tương tự như ephedrine - một hợp chất có nguồn gốc từ cây ma hoàng, một loại TPCN giảm cân nhưng nguy hiểm và gây chết người mà FDA đã cấm từ năm 2004.
Steve Mister - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng dinh dưỡng có trách nhiệm, một tổ chức thương mại có trụ sở tại Washington, đại diện cho hơn 150 công ty chuyên sản xuất và kinh doanh TPCN và một số công ty khác – nói rằng vụ việc này gây hại cho các công ty sản xuất các sản phẩm TPCN hợp pháp. “Các loại TPCN có chứa những thứ không được ghi trên nhãn mác như vậy là bất hợp pháp”, ông Mister nói.
Còn ông S. Bryn Austin - Giáo sư khoa học hành vi tại trường Harvard – thì khẳng định” “Người tiêu dùng nên không mong đợi gì từ các loại TPCN vì chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào cho thấy chúng có lợi, và họ nên tin rằng họ có thể gặp nguy hiểm khi sử dụng các sản phẩm đó. Dù có ghi trên chai hay không thì trong những sản phẩm đó vẫn có thể có các thành phần có thể gây hại”.
Dù có nhiều cảnh báo như vậy nhưng theo một ước tính, thị trường ngành công nghiệp TPCN tại Mỹ có giá trị lên tới 37 tỷ USD mỗi năm. Quảng cáo các chất bổ sung có thể được tìm thấy trên các cửa sổ internet, trên các phương tiện truyền thông xã hội, các trang tạp chí và trên TV. Các sản phẩm này được bày bán nhan nhản trong các cửa hàng y tế, hiệu thuốc và cả các cửa hàng tạp hóa lớn.
Các sản phẩm Thực phẩm chức năng được bày bán tràn lan khắp các cửa hàng y tế, tạp hóa.. |
Nhưng các loại TPCN thường không đi kèm với hướng dẫn rõ ràng về việc nên dùng bao nhiêu mà chỉ đưa ra liều lượng được đề xuất, đồng thời cũng không nêu khả năng xảy ra tương tác với các loại thuốc khác. Điển hình chính là thai phụ bệnh nhân của Jamshidi. Người này không hề hay biết rằng cô đang đặt mạng sống của mình hoặc của em bé vào nguy cơ do dùng TPCN.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Tờ Business Insider cho biết, từ dữ liệu từ năm 2004 đến 2013, các tác giả của một nghiên cứu được tiến hành năm 2016 và được công bố trên Tạp chí Y học New England ước tính rằng mỗi năm có 23.005 lượt khám tại phòng cấp cứu có liên quan đến các chất bổ sung. Từ năm 2000 đến năm 2012, tỷ lệ phản ứng tiêu cực hàng năm đối với các loại TPCN – hay còn gọi là “phơi nhiễm” - đã tăng từ 3,5 đến 9,3 trường hợp trên 100.000 người, tương đương mức tăng 166%.
Theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Tạp chí Độc tính Y khoa, trong khoảng thời gian đó, 34 người đã chết vì sử dụng TPCN. 6 trong số các trường hợp tử vong do sử dụng TPCN chức ma hoàng vốn bị cấm và 3 người chết vì các biện pháp vi lượng đồng căn. 1 người đã chết sau khi sử dụng yohimbe - một loại thảo dược bổ sung được sử dụng để giảm cân và rối loạn cương dương.
Bác sỹ khó xử trí
Jamshidi cho hay anh biết nhiều người dùng các loại vitamin tổng hợp hàng ngày và hết lần này đến lần khác thử các công thức thảo dược khi họ cảm thấy mệt mỏi hoặc không khỏe. Trước đây, anh không hề phán xét gì họ. Tuy nhiên, khoảnh khắc xảy ra với thai phụ nói trên đã khiến anh trở nên cảnh giác với các loại TPCN. “Cô ấy là một bệnh nhân cực kỳ hợp tác, siêu tích cực, luôn có mặt đúng giờ trong các lần thăm khám, thực hiện cẩn thận tất cả các hướng dẫn của chúng tôi - một bệnh nhân thực sự tốt”, Jamshidi nói.
Khi Jamshidi và nhóm của anh nhận ra rằng bệnh nhân đã bị tái phát bệnh lao, họ đã hỏi cô có bắt đầu dùng loại thuốc mới nào hay không. Ban đầu, bệnh nhân quả quyết không nhưng vào ngày hôm sau, cô này đến phòng khám với một lọ St. John's wort nhỏ.
Bệnh nhân cho biết cô đã uống thuốc loại TPCN được quảng cáo có nguồn gốc từ thảo dược này để giảm thiểu cảm giác chán nản mà cô đã trải qua khi mang thai. Dù một số nghiên cứu quy mô nhỏ ban đầu cho thấy St. John's wort có thể mang lại lợi ích cho những người có triệu chứng trầm cảm nhưng các nhà nghiên cứu của Viện y tế quốc gia của Mỹ đã không tìm thấy đủ bằng chứng để hỗ trợ tuyên bố này.
Nhiều người mắc phải các căn bệnh nguy hiểm do sử dụng TPCN khi không biết rõ chúng |
Bệnh nhân của Jamshidi sau đó phải cách ly để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng phổi không lan rộng. Suốt 3 tháng cuối của thai kỳ, bệnh nhân đã phải ở một mình. “Thật là đau khổ, cô ấy đã bị cách ly suốt thời gian đó, và sau đó cô ấy thậm chí không thể bế đứa bé”, Jamshidi nói.
Theo Jamshidi, một trong những lý do khiến nhiều người phải vào viện cấp cứu sau khi uống TPCN là số lượng hoạt chất trong đó có thể thay đổi đáng kể. Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí BMC Medicine cho thấy liều lượng các thành phần trong các loại TPCN thậm chí có thể thay đổi từ thành phần này sang thành phần khác, gây trở ngại đáng kể cho các bác sĩ khi điều trị phản ứng tiêu cực mà bệnh nhân gặp phải.
“Với các những loại thuốc khác có thể có tác dụng phụ, nhưng bệnh nhân đến và cho bạn biết liều lượng, và bạn có thể thay đổi. Nhưng với các loại TPCN, bạn không biết đang xử lý với cái gì”, Jamshidi nói về khó khăn với các bác sỹ trong việc điều trị cho các bệnh nhân như vậy.
Cần tham khảo ý kiến chuyên gia
Bằng cách cô lập “vitamine” đầu tiên vào năm 1912, nhà hóa học người Ba Lan Casimir Funk đã vô tình đưa đến việc các nhà hóa học điên cuồng tạo ra hoặc tổng hợp vitamin trong phòng thí nghiệm. Từ năm 1929 đến 1943, 10 giải thưởng Nobel đã được trao cho công trình nghiên cứu vitamin. Vào giữa những năm 1950, các nhà khoa học đã tổng hợp được 12 trong số 13 loại vitamin thiết yếu. Chúng được thêm vào các loại thực phẩm như bánh mì, ngũ cốc và sữa, và được bán dưới dạng “tăng cường”. Thực phẩm bị mất chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến đã được bổ sung các vitamin này và được dán nhãn “đã được làm giàu”.
Khi TPCN ra mắt vào những năm 1930 và 1940, chúng được giới thiệu như một cách để giải quyết sự thiếu hụt chất dinh dưỡng gây ra các bệnh như còi xương và bệnh scurvy. Các loại TPCN cũng được coi là một cách để tránh phải điều trị y tế tốn kém và khó tiếp cận.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một thế hệ TPCN mới đã xuất hiện, nhắm mục tiêu chủ yếu là những phụ nữ trung lưu và giàu có. Năm 2017, nữ diễn viên Gwyneth Paltrow cho ra mắt dòng sản phẩm mới trị giá 90 USD cho 1 tháng sử dụng thông qua công ty chăm sóc sức khỏe gây tranh cãi của cô, Goop. Các sản phẩm đó được quảng cáo là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường năng lượng và thúc đẩy chuyển hóa.
Theo đơn vị sản xuất, một loại TPCN phổ biến của hãng là tên “Why Am I So Effing Tired” được bổ sung thêm nhiều thành phần để “giải quyết sự thiếu hụt chất dinh dưỡng-khoáng chất phổ biến nhất hiện nay như vitamin B, C, D và E, i-ốt, magiê, molypden và nhiều chất khác. Tuy nhiên, phân tích cho thấy công thức của sản phẩm không dựa trên khoa học nghiêm ngặt.
Thực phẩm chức năng không phải là vô hại |
Các gói TPCN bổ sung vitamin này chứa 12,5 miligam vitamin B6 – tương đương khoảng 960% mức bổ sung hàng ngày được đề nghị (mặc dù trên nhãn của Goop, tỉ lệ này được liệt kê là 625%) - và các thành phần như chiết xuất hương thảo và củ mài Trung Quốc.
Những tác dụng của các thành phần này chưa từng được nghiên cứu ở người và cũng không có mức bổ sung tiêu chuẩn hàng ngày. “Điều khác biệt so với quảng cáo của Goop là các thành phần được các bác sỹ của họ tự ý kết hợp với nhau”, bác sỹ Alejandro Junger cho hay.
Theo Mayo Clinic, vitamin B6 “nhiều khả năng là an toàn” với lượng tiêu thụ hàng ngày được đề nghị là 1,3 miligam cho những người ở độ tuổi 19-50. Nhưng việc dùng quá nhiều TPCN có chứa chất này có thể dẫn tới nhịp tim bất thường, giảm trương lực cơ và hen suyễn nặng hơn. B6 liều cao cũng có thể làm giảm huyết áp, và có thể tương tác với các loại thuốc như Advil, Motrin và những thuốc được kê đơn để điều trị chứng lo âu và Alzheimer. “Những người sử dụng bất kỳ loại TPCN nào cũng nên kiểm tra tờ rơi đi kèm và thảo luận với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ, bao gồm dược sĩ, về các tương tác có thể xảy ra”, Mayo Clinic khuyến cáo.
Một loại thực phẩm có tên là Ritual được đóng gói trong một hộp màu trắng và vàng có dòng chữ “Tương lai của vitamin là rõ ràng”. Lượng viên nang đủ sử dụng trong 1 tháng theo khuyến cáo của nhà sản xuất có giá 30 USD. Nhưng theo các nghiên cứu, thành phần của nó cũng không khác nhiều so với các loại vitamin tổng hợp tiêu chuẩn, rẻ hơn, có lượng magiê, vitamin K, folate, vitamin B12, sắt, boron, vitamin E và vitamin D tương đương các loại này.
Theo nhiều chuyên gia, con người không cần nhiều TPCN để khỏe mạnh. Một đánh giá lớn được công bố trên tờ Annals of Internal Medicine cho biết đã phân tích 27 thử nghiệm vitamin liên quan đến hơn 400.000 người. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người dùng vitamin không sống lâu hơn hoặc có ít trường hợp mắc bệnh tim hoặc ung thư hơn những người không dùng.
Một nghiên cứu dài hạn khác được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ vào tháng 5/2017 đã chia gần 6.000 người đàn ông thành các nhóm và đưa cho họ một giả dược hoặc 1 trong 4 loại TPCN được quảng cáo là có khả năng bảo vệ não của họ. Kết quả cho thấy không có sự giảm tỷ lệ mắc bệnh mất trí nhớ trong số các nhóm dùng TPCN.
Các nghiên cứu cũng liên tiếp phát hiện ra rằng nhiều chất bổ sung phổ biến có thể gây hại. Ví dụ, một nghiên cứu lớn, dài hạn về những người hút thuốc nam cho thấy những người thường xuyên sử dụng vitamin A có khả năng bị ung thư phổi cao hơn những người không dùng. Và một đánh giá năm 2007 về các thử nghiệm của một số loại chất bổ sung chất chống oxy hóa đã kết luận rằng việc điều trị bằng beta carotene, vitamin A và vitamin E có thể làm tăng tỷ lệ tử vong.
Đặt rủi ro sang một bên, các nghiên cứu cũng cho thấy cơ thể chúng ta được trang bị tốt hơn để hấp thụ các vitamin và khoáng chất trong thực phẩm toàn phần so với những viên thuốc. Đó là lý do các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm nguyên chất chứ không phải những thứ đã được đóng gói và cho vào hộp.
Hầu như bất kỳ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ hoặc chuyên gia y tế công cộng nào cũng nhắc lại lời khuyên mà các chuyên gia y tế đã đưa ra trong nhiều thập kỷ: ăn các thực phẩm thực sự, như trái cây và rau trong chừng mực, và tránh xa thực phẩm chế biến và đồ uống có đường.
Tại Việt Nam, trong buổi giao lưu trực tuyến “Phổ biến các quy định về quản lý TPCN” được tổ chức mới đây ở Hà Nội, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam - cho biết, dùng TPCN không thay thế được thuốc. Thuốc được chỉ định của bác sĩ, phải sử dụng đúng liều, đúng phác đồ, đúng liều lượng. Còn TPCN chỉ nhằm nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng để hỗ trợ trong việc điều trị bệnh. Trong trường hợp phòng ngừa thì nên sử dụng TPCN với liều lượng nhỏ và duy trì lâu dài để ngăn ngừa bệnh tật và phòng tránh một số bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho hay, TPCN là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc. Vì thế, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa ra thị trường những sản phẩm không như đăng kí với cơ quan quản lý, quảng cáo sai sự thật… dẫn đến tình trạng người tiêu dùng hoài nghi về công dụng TPCN.
Trong tuần qua, Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty cổ phần quốc tế Dreamt Life Việt Nam có địa chỉ tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. 13 sản phẩm bị thu hồi bao gồm Bổ gan An Khang, Diabet Dream, An giấc khang, Trinh nữ hoàng cung, Sắc xuân EVA, Curcumin nano lus, Khớp an bình, Họng an khang, An phế Poloco, Thymokid Mymy, Mymy Kid, Mymy Calci, Dạ dày Bà Đang.
Ngày 21/11/2019, Cục trên tiếp tục ban hành quyết định thu hồi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Euginca của Công ty cổ phần dược phẩm liên doanh Việt Đức có địa chỉ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội; và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Eurica Forte của Công ty Cổ Phần Dược Phẩm Liên Doanh Việt Pháp, địa chỉ cũng ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Ngày 14/11, VFA cho biết đã nhận được Phiếu kết qủa kiểm nghiệm của Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh và báo cáo của Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Thừa Thiên Huế liên quan đến sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên giảm cân Giáng ngọc Eva và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Men Pro New hộp 30 viên của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML phát hiện các chất không phù hợp với Bản công bố sản phẩm đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong lúc các cơ quan chức năng đang giải quyết vụ việc, Cục khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có các thông tin nêu trên.