Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2014

(PLO) - Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2014 như sau:
Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2014

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

      Trong tháng 02 năm 2014, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 06 Nghị định của Chính phủ và 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 10/2014/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2014 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Nam.

2. Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ.

3. Nghị định số 12/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

4. Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

5. Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.

6. Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 13/2014/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2014 về việc quy định đóng bảo hiểm xã hội bổ sung để tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng sinh hoạt phí trong Công an nhân dân giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006, sau đó chuyển thành người hưởng lương.

2. Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

3. Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2014 về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành.

4. Quyết định số 16/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH; SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 10/2014/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Nam

a) Hiệu lực thi hành:  01/04/2014.

Bãi bỏ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Tổng công ty Lương thực miền Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 07/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ và những quy định trước đây trái với Nghị định này.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cao hơn, đầy đủ hơn cho tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Nam (tên giao dịch là VINAFOOD II) phù hợp với các quy định liên quan của Chính phủ mới được ban hành và thực tiễn đổi mới, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước; nâng cao quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, của các bộ, ngành và của Tổng công ty trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư, quản lý tài sản, tài chính; phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan, cụ thể hóa các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, tăng cường việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 điều; Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định gồm 10 chương, 75 điều (kèm theo phụ lục về Danh sách các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty, Danh sách các công ty con thuộc Tổng công ty, Danh sách các công ty liên kết của Tổng công ty) quy định về hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân, mục tiêu và ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của Tổng công ty; quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty; phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với Tổng công ty; tổ chức quản lý Tổng công ty; người lao động tham gia quản lý Tổng công ty; quan hệ của Tổng công ty với đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty liên kết, công ty tự nguyện tham gia liên kết; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản Tổng công ty.

Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ này.

Các đơn vị trực thuộc, các công ty con của Tổng công ty Lương thực miền Nam căn cứ vào các quy định của pháp luật tương ứng và Điều lệ này để xây dựng điều lệ hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có những quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Tổng công ty chưa quy định tại Điều lệ này hoặc các quy định mới của pháp luật mâu thuẫn với những quy định tại Điều lệ này thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Chủ sở hữu, Tổng công ty, các tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Điều lệ này. Các quy chế nội bộ của Tổng công ty do Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc ban hành phải tuân thủ nguyên tắc, nội dung của Điều lệ này.

2. Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ        

a)  Hiệu lực thi hành: 15/4/2014.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 quy định về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ hết hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những  hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ; bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Khoa học và công nghệ (năm 2013), đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 chương, 38 điều, quy định về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, bao gồm: Nội dung hoạt động, hạ tầng thông tin và Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, các biện pháp bảo đảm phát triển, tổ chức và quản lý nhà nước về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ.

Đối tượng áp dụng của Nghị định là tổ chức, cá nhân hoạt động thông tin khoa học và công nghệ tại Việt Nam; các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo Nghị định, hạ tầng thông tin quốc gia về khoa học và công nghệ bao gồm: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; các cơ sở dữ liệu về thông tin và thống kê khoa học và công nghệ; các trung tâm dữ liệu, trang thông tin và cổng thông tin điện tử; các nguồn tin khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế dưới dạng điện tử; (2) Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để xử lý, truyền tải và lưu giữ thông tin khoa học và công nghệ; các mạng thông tin khoa học và công nghệ kết nối khu vực và quốc tế, bao gồm mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo quốc gia và các mạng thông tin khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương.

Nghị định quy định cụ thể về: Các loại hình hoạt động thông tin khoa học và công nghệ; thu thập thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang tiến hành; đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; thu thập, xử lý và công bố thông tin về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thu thập các công bố khoa học và công nghệ; sử dụng thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ; dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ; đầu tư, xây dựng, duy trì, phát triển, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; duy trì và phát triển mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo quốc gia; định hướng phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; kinh phí hoạt động thông tin khoa học và công nghệ; quyền và  nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thông tin khoa học và công nghệ.

3. Nghị định số 12/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc  

a) Hiệu lực thi hành: 15/4/2014.

Bãi bỏ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Tổng công ty Lương thực miền Bắc được ban hành kèm theo Quyết định số 982/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và những quy định trước đây trái với Nghị định này.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cao hơn, đầy đủ hơn cho tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (tên giao dịch là VINAFOOD I) phù hợp với các quy định liên quan của Chính phủ mới được ban hành và thực tiễn đổi mới, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước; nâng cao quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, của các bộ, ngành và của Tổng công ty trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư, quản lý tài sản, tài chính; phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan, cụ thể hóa các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, tăng cường việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 điều; Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định gồm 10 chương, 75 điều (kèm theo phụ lục về Danh sách các đơn vị  phụ thuộc Tổng công ty, Danh sách các công ty con thuộc Tổng công ty, Danh sách các công ty liên kết của Tổng công ty) quy định về hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân, mục tiêu và ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của Tổng công ty Lương thực miền Bắc; quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty; phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với Tổng công ty; tổ chức quản lý Tổng công ty; người lao động tham gia quản lý Tổng công ty; quan hệ của Tổng công ty với đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty liên kết, công ty tự nguyện tham gia liên kết; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản Tổng công ty.

Tổng công ty Lương thực miền Bắc là doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ này.

Các đơn vị trực thuộc, các công ty con của Tổng công ty Lương thực miền Bắc căn cứ vào các quy định của pháp luật tương ứng và Điều lệ này để xây dựng điều lệ hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có những quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Tổng công ty chưa quy định tại Điều lệ này hoặc các quy định mới của pháp luật mâu thuẫn với những quy định tại Điều lệ này thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Chủ sở hữu, Tổng công ty, các tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Điều lệ này. Các quy chế nội bộ của Tổng công ty do Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc ban hành phải tuân thủ nguyên tắc, nội dung của Điều lệ này.

4. Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.          

a)  Hiệu lực thi hành: 10/4/2014.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (năm 2013) theo quy định của Luật.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 14 điều, quy định chi tiết thi hành: Điều 17, Khoản 3 Điều 23, Khoản 3 Điều 24, Khoản 4 Điều 29, Khoản 4 Điều 30 của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; xây dựng, phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; thẩm quyền quy định mẫu giấy chứng nhận và quản lý giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

Nghị định quy định cụ thể về: Thẩm quyền triệu tập đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; các cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh và thời gian, lộ trình hoàn thành về trình độ chuẩn; điều kiện để cơ sở giáo dục đại học, trường của lực lượng vũ trang nhân dân được đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; nguồn kinh phí cho giáo dục quốc phòng và an ninh

5. Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện          

a)  Hiệu lực thi hành: 15/4/2014.

Nghị định này thay thế các Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình lưới điện cao áp, Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP/17/2005.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về an toàn điện; bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (năm 2012) về mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện lực.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 4 chương, 27 điều, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện, bao gồm: An toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện trong sản xuất; bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi xây dựng các công trình lưới điện cao áp.

Đối tượng áp dụng của Nghị định là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.

Nghị định quy định việc huấn luyện về an toàn điện phải được thực hiện theo định kỳ một năm một lần và có kiểm tra, sát hạch xếp bậc an toàn điện. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động. Để bảo đảm sức khỏe người lao động trong khu vực có điện trường lớn (từ 220KV trở lên), Nghị định quy định cường độ điện trường tại khu vực có người thường xuyên làm việc phải đảm bảo yêu cầu không được vượt quá 5 kV/m, nếu lớn hơn 5 kV/m thì phải áp dụng quy định về thời gian cho phép làm việc trong một ngày đêm theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.

Trường hợp đặc biệt, khi xây dựng, cải tạo đường dây điện cấp điện áp đến 35 kV dọc theo hành lang đường giao thông nội bộ ở các khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, nếu sử dụng dây bọc thì cho phép khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất không nhỏ hơn 11m. Đối với đường cáp ngầm đặt trong nước phải có báo hiệu chỉ vị trí đường cáp, theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa hoặc quản lý cảng biển và luồng hàng hải để phương tiện giao thông đường thủy nhận biết và tránh va chạm.

Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc hỗ trợ được thực hiện một lần, không lớn hơn 30% mức bồi thường thu hồi đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, tính trên diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.

6. Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

a)  Hiệu lực thi hành: 25/4/2014.

Nghị định này thay thế Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải được thành lập theo Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhưng nay không đủ số lượng, thành phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì phải được bầu bổ sung hòa giải viên theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 8 của Luật Hòa giải ở cơ sở trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hòa giải ở cơ sở (năm 2013) theo quy định của Luật.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 5 chương, 20 điều, quy định chi tiết về phạm vi hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên và một số biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Theo Nghị định, cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở được Nhà nước hỗ trợ tài liệu, được phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; được khen thưởng khi tham gia tích cực hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được Nhà nước cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan; được khen thưởng khi có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Trong trường hợp chưa xác định được vụ việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn.

Nghị định quy định cụ thể về các hoạt động hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.

7. Quyết định số 13/2014/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định đóng bảo hiểm xã hội bổ sung để tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng sinh hoạt phí trong Công an nhân dân giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006, sau đó chuyển thành người hưởng lương

a)  Hiệu lực thi hành: 26/3/2014.

b) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 5 điều, áp dụng đối với: Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; học sinh, sinh viên hưởng sinh hoạt phí học tại các trường Công an nhân dân hoặc gửi học tại các trường ngoài Công an nhân dân giai đoạn từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2006, sau đó chuyển thành người hưởng lương, hiện nay đang công tác hoặc đã thôi công tác (phục vụ) trong Công an nhân dân, được đóng bảo hiểm xã hội bổ sung cho thời gian hưởng sinh hoạt phí, để tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội,

Mức đóng bảo hiểm xã hội bổ sung vào quỹ bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng nêu trên được tính như sau: Mức đóng bảo hiểm xã hội bổ sung hằng năm = Số đối tượng x mức lương tối thiểu chung từng giai đoạn x tỷ lệ đóng x số tháng đóng. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bổ sung bằng 14% mức lương tối thiểu chung/người/tháng thời gian đóng bổ sung.

Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội bổ sung vào quỹ bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng nêu trên do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

 8. Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

a)  Hiệu lực thi hành: 05/4/2014.

Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hết hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hoàn thiện về cơ chế, phương thức thực hiện hoạt động này, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đối với việc góp phần giúp các cơ quan Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách và các dự án đầu tư phát triển.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 điều, quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đối với các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức.

Quyết định được áp dụng đối với: (1) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; (2) Các Hội Khoa học và Kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;  (3) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Quyết định quy định cụ thể về: Loại đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội; yêu cầu về nội dung báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội; quy trình, thủ tục lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội; trách nhiệm của các cơ quan lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội; trách nhiệm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên; cơ chế tài chính để thực hiện.

9. Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành

a) Hiệu lực thi hành: 15/4/2014.

Quyết định này thay thế Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành; tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác này, đáp ứng yêu cầu biên soạn Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia và Niên giám thống kê.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 4 điều, quy định về các nội dung: (1) Những quy định chung về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành; (2) Danh mục biểu mẫu báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành; (3) Biểu mẫu báo cáo áp dụng đối với từng bộ, ngành và giải thích biểu mẫu (gồm: biểu mẫu báo cáo, khái niệm, phương pháp tính, cách ghi biểu, phạm vi và thời kỳ thu thập số liệu (nếu có), nguồn số liệu).

10. Quyết định số 16/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Hiệu lực thi hành: 10/4/2014.

Quyết định này thay thế Quyết định số 26/2011/QĐ-TTg ngày 04/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định mới của Chính phủ.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 5 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về địa chất và khoáng sản trong phạm vi cả nước; quản lý, thực hiện các dịch vụ công về địa chất và khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có 26 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 đơn vị giúp việc Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 15 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Đọc thêm