Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2013

(PLO) - Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2013. 
Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2013
Cụ thể như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 9 năm 2013, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 11 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
   Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2013 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
3. Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
5. Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
6. Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ. 
7. Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
8. Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
9. Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
10. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
11. Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
   Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg ngày 13 tháng 9 năm 2013 về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
2. Quyết định số 54/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2013 về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Kho bạc Nhà nước.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH; SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 20/10/2013.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để kịp thời điều chỉnh một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 2 điều, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 14 về: Xác định giới hạn đất dành cho đường bộ; đất hành lang an toàn đường bộ đối với đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo và đường bộ đang khai thác.
- Sửa đổi Điều 15 về giới hạn hành lang an toàn đường bộ.
- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 16 về giới hạn hành lang an toàn theo chiều ngang đối với cầu trên đường trong đô thị.
- Bổ sung vào sau Điều 25 của Nghị định 11/2010/NĐ-CP các Điều 25a, Điều 25b, Điều 25c và Điều 25d về các nội dung: Sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông; sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe; xử lý các trường hợp đã được cấp phép tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
2. Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 20/10/2013.
Nghị định này thay thế Nghị định số 47/2012/NĐ-CP ngày 28/5/2012 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2013.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để điều chỉnh các mức trợ cấp và phụ cấp ưu đãi phù hợp với thực tế, góp phần tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 4 điều, kèm theo 3 Phụ lục về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
Theo Nghị định, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.220.000 đồng.
3. Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 01/11/2013.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định sau của Chính phủ hết hiệu lực thi hành: Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đối với giấy phép lao động đang còn hiệu lực tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải đổi giấy phép lao động mới.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 chương, 20 điều, quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động về cấp giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, việc trục xuất lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động.
Theo Nghị định, ngoài các trường hợp người lao động là công dân nước ngoài được vào làm việc tại Việt Nam theo quy định hiện hành (gồm: thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính...; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài), có 04 trường hợp khác cũng được vào làm việc tại Việt Nam là: Tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nơi người lao động làm việc hoặc nơi đóng trụ sở chính của người sử dụng lao động là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp, cấp lại giấy phép lao động.
4. Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 01/11/2013.
Nghị định này thay thế Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; cụ thể hóa chế tài xử phạt đối với một số hành vi đã được các văn bản quy phạm pháp luật mới về thủy sản quy định (như các hành vi về quản lý cảng cá, khu neo đậu, tránh, trú bão tàu cá; về quản lý tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam; về quản lý hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị giám sát trên tàu cá; về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2003…); đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản phù hợp, thống nhất với các quy định mới của pháp luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012), Luật Thanh tra (năm 2010), các Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định có 4 chương, 46 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động thủy sản.
Đối tượng bị xử phạt là các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản áp dụng đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức là 200.000.000 đồng, đồng thời các tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.  
5. Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 01/12/2013.
Nghị định này thay thế Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 và Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/5/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm được quy định trong Nghị định này để xử phạt.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán; cụ thể hóa chế tài xử phạt đối với các hành vi trong lĩnh vực kiểm toán độc lập theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập (năm 2011); đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 5 chương, 58 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Nghị định được áp dụng xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài vi phạm quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán độc lập trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán độc lập đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.
6. Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 02/11/2013.
Đối với Chứng minh nhân dân đã được cấp theo Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục một số điểm bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về Chứng minh nhân dân và cấp Chứng minh nhân dân cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong giao dịch, đi lại.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 điều, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ như sau:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 2: Bổ sung cụm từ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" vào bên dưới cụm từ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam'’ tại mặt trước của Chứng minh nhân dân. Bỏ cụm từ "họ và tên cha", "họ và tên mẹ" tại mặt sau của Chứng minh nhân dân.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/ 02/1999 về Chứng minh nhân dân, quy định theo hướng cơ quan Công an phải làm xong Chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất. Theo đó, tại thành phố, thị xã, thời gian cấp mới, cấp đổi Chứng minh nhân dân không quá 07 ngày làm việc, cấp lại là 15 ngày làm việc; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc; tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.
7. Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 15/11/2013.
Nghị định này thay thế Nghị định số 111/2009/NĐ-CP ngày 11/12/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử xảy ra trước ngày 01/7/2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012), Luật Thanh tra (năm 2010).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 4 chương, 49 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng. Mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 2.000.000.000 đồng.
8. Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 15/11/2013.
Nghị định này thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang trong quá trình xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm được quy định trong Nghị định này để xử phạt.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;  đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh này phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012), Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 4 chương, 45 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng, đối với tổ chức là 2.000.000.000 đồng, .
9. Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 09/11/2013.
Nghị định này thay thế các Nghị định sau của Chính phủ: Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí; Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và Chương V Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh này phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 chương, 46 điều, quy định về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn là 01 năm; trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí là 02 năm. Đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế.
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá là 150.000.000 đồng; trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, hóa đơn là 50.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
10. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 11/11/2013.
Nghị định này thay thế các Nghị định: Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 06/02/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.
Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm trong Nghị định này để xử lý.  
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nêu trên phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012) và các văn bản pháp luật liên quan mới được ban hành như: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Luật Lý lịch tư pháp...
c) Nội dung chủ yếu:
Nghị định gồm 8 chương, 75 điều quy định về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp bao (gồm: Luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại); hành chính tư pháp (gồm: Chứng thực; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm); hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
11. Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ  quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 15/11/2013.
Nghị định này thay thế Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Bãi bỏ việc không áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng đối với người nghiện ma túy đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (được quy định tại Điều 16 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng).
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội như sau:
“Điều 5. Đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, gồm:
2. Các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp: Trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động; người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đang trong thời gian lập hồ sơ, thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định chi tiết việc áp dụng và thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012); khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 163/3003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 5 chương, 48 điều, quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; việc xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên.
Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 03 tháng đến 06 tháng, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của người vi phạm.
Nghị định quy định chỉ áp dụng biện pháp nêu trên đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong quá trình xem xét quyết định áp dụng đối với người chưa thành niên, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ.
Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, chỉ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi không đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.
Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nước ngoài.
12. Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg ngày 13 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 01/11/2013.
Bãi bỏ nội dung quy định liên quan đến việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe gắn máy phục vụ nhu cầu công tác, sinh hoạt của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ và những người làm việc tại các cơ quan này được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam tại Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BCT-BTC-BNG ngày 15/10/2007 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao và các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe gắn máy phục vụ nhu cầu công tác, sinh hoạt của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ và những người làm việc tại các cơ quan này được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông phục vụ công tác ngoại giao của Nhà nước Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 3 chương, 13 điều, kèm theo 2 Phụ lục về chủng loại và định lượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy phục vụ nhu cầu công tác, sinh hoạt của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam; chủng loại và định lượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy phục vụ nhu cầu công tác, sinh hoạt của viên chức ngoại giao thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, viên chức lãnh sự thuộc cơ quan lãnh sự, viên chức thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam.
Quyết định quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, chủng loại, định lượng đối với xe ô tô, xe gắn máy được tạm nhập khẩu miễn thuế; điều kiện đối với đối tượng được tạm nhập khẩu miễn thuế xe ô tô, xe gắn máy; thủ tục về việc cấp sổ định mức, tạm nhập khẩu miễn thuế, cấp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe, đăng kiểm xe ô tô, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; thủ tục và điều kiện về tái xuất khẩu, chuyển nhượng, tiêu hủy xe ô tô, xe gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam. Quyết định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc thực hiện Quyết định.
13. Quyết định số 54/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Kho bạc Nhà nước
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 01/01/2014.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để tạo điều kiện cho hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) có cơ chế quản lý tài chính và biên chế ổn định theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, đảm bảo tốt việc công khai, dân chủ và quyền lợi hợp pháp của cán bộ KBNN trong quá trình thực hiện cơ chế tài chính, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức, thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 điều, quy định việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế áp dụng đối với hệ thống KBNN thuộc Bộ Tài chính (bao gồm KBNN; KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các đơn vị sự nghiệp thuộc KBNN).
Quyết định quy định cụ thể về mục tiêu, yêu cầu; biên chế, nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động, nội dung chi, tiêu chuẩn định mức chế độ chi tiêu, quản lý nguồn kinh phí hoạt động, sử dụng kinh phí tăng thu tiết kiệm chi của KBNN; kinh phí bảo đảm hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc KBNN.

Đọc thêm