Minh họa: nguồn Internet |
Câu chuyện về một "quan" to nước ta tham ô hàng triệu đô la, mua cho vợ bé , con riêng hai ngôi nhà ở Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tên tuổi của "quan" ấy đã gắn liền với cái ụ sắt nổi chỉ đáng bán làm sắt vụn mà “thổi giá” lên hàng chục triệu đô khiến những người dân đóng thuế rưng rưng nước mắt.
Việc tham ô của ông và đồng đảng bị phanh phui đã giúp người dân hiểu các thủ đoạn, mánh khóe rút tiền của Nhà nước sang túi mình như thế nào và đáng kinh ngạc là nó thật dễ dàng, chỉ qua vài động thái chuyển tiền là xong!.
Vụ việc này cũng cho người ta thấy sự luân chuyển ghế ngồi của cán bộ thoái hóa diễn ra linh diệu như thế nào và cả cách sống của ông ta nữa. Nếu ông ta còn tại vị, nghĩa là ông ta trong sạch, đơn vị ông ta vững mạnh, những việc làm thuộc trách nhiệm của ông ta sẽ được vinh danh, gọi là cống hiến(!?). Ông ta thuộc “bộ phận không nhỏ” thì hẳn những người như ông ta không phải là hiếm trong bộ máy cán bộ nhà nước hiện nay.
Việc một "ông quan" có vợ bé hàng chục năm mà sao không bị phát hiện cũng không lạ, phải chăng đã thịnh hành một quan niệm đó là “việc riêng”, “đời tư” của người ta và không thuộc phạm trù đạo đức, lối sống, không vi phạm chế độ một vợ, một chồng?.
Dân ta rất tinh tường, đạo đức và nhân cách của từng cán bộ họ đều biết rõ. Có điều, những câu chuyện thuộc loại đó chỉ lan truyền trong dư luận chứ không ai đứng ra phát giác, bởi họ có suy nghĩ là có tố cáo thì cũng chẳng giải quyết được gì, trừ phi những việc làm phi pháp bị phanh phui.
Đó cũng là một thái độ tiêu cực trước những tiêu cực xã hội, ngăn trở sự tiến bộ xã hội. Những người đi đường xông đến cướp tiền của người bị cướp chứ không bắt cướp là biểu hiện của thái độ đó. Người ta chọn cách hành xử như vậy tức xã hội có vấn đề, nền tảng đạo lý bị lung lay tận gốc.