Trong khi đó, cũng với hành vi vận chuyển mua bán loài rùa này, TAND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã tuyên mức án 10 năm tù với đối tượng phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự. Phải chăng, với vấn đề thực thi pháp luật về động vật hoang dã (ĐVHD) và quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD đã và đang tồn tại tình trạng hiểu không thống nhất về pháp luật khi áp dụng?
Dấu hiệu tắc trách của cơ quan chức năng
18 giờ 30 phút ngày 04/11/2018, lực lượng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Kon Tum đã kiểm tra và phát hiện một khối lượng lớn ĐVHD được vận chuyển trên xe khách mang biển kiểm soát 36B-022.32 qua địa bàn tỉnh Kon Tum. Các cá thể ĐVHD bị bắt giữ bao gồm rắn và nhiều loài rùa, trong đó có 26 cá thể (có tổng khối lượng 14,5kg) được xác định là loài rùa đầu to (Platysternon megacephalum) – loài rùa đặc biệt nguy cấp, quý, hiếm được liệt kê trong Phụ lục I Công ước CITES.
Điều đáng nói là lái xe đã cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 11kg rùa đầu to tại trang trại của ông Trần Chí Đại (trú tại xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Cụ thể, lái xe đã cung cấp giấy phép vận chuyển (đề ngày 30/10/2018) cho 6kg rùa đầu to ngay tại thời điểm bị bắt giữ và tiếp tục cung cấp giấy phép vận chuyển (đề ngày 2/11/2018) cho 5kg rùa đầu to sau 24h kể từ thời điểm bị bắt giữ. Tất cả giấy phép vận chuyển nói trên đều do Hạt Kiểm lâm huyện Tam Nông – Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cấp.
Sau sự việc, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tham khảo ý kiến 4 cơ quan khoa học CITES Việt Nam bao gồm: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thuộc Bộ NN&PTNT, Viện Nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ NN&PTNT và Trung tâm Nghiên cứu TN&MT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, các cơ quan này cho biết chưa bao giờ xác nhận bằng văn bản về khả năng nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng rùa đầu to.
Việc không xác nhận của 4 cơ quan này dựa trên quy định tại Điều 10 Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/08/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 98/2011/NĐ-CP), một trong các điều kiện tiên quyết để đăng ký thành lập các trang trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục của CITES (như rùa đầu to) là: đối với trại nuôi sinh sản loài ĐVHD phải “được cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản là có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát”; đối với trại nuôi sinh trưởng loài ĐVHD phải “được cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản là việc nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng tới việc bảo tồn loài đó trong tự nhiên”.
Như vậy, từ câu trả lời của 4 cơ quan khoa học CITES Việt Nam thì việc cơ quan kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cấp phép cho cơ sở của ông Trần Chí Đại gây nuôi sinh sản, sinh trưởng loài rùa đầu to và sau đó cấp phép vận chuyển loài này là trái quy định hiện hành của pháp luật cũng như có dấu hiệu tắc trách của cơ quan chức năng trong quá trình quản lý.
Cán bộ Trung tâm bảo tồn rùa Vườn Quốc gia Cúc Phương khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ (nguồn ATP-IMC). |
“Tương tự như tê tê, việc gây nuôi thương mại rùa đầu to là không có khả năng. Thế nhưng không biết vì lí do gì mà những chuyến hàng chở rùa đầu to “có nguồn gốc hợp pháp từ các trang trại” vẫn ngang nhiên di chuyển ra Móng Cái, Quảng Ninh?” - bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV đưa ra câu hỏi.
Chưa thực sự nắm rõ các quy định của pháp luật
Bà Bùi Thị Hà cho biết, ENV đã đề xuất Bộ NN&PTNT cũng như các cơ quan quản lý nhà nước ngay lập tức vào cuộc để chấm dứt tình trạng cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại đối với rùa đầu to và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác tại các địa phương cũng như xử lý các cơ quan, đối tượng có dấu hiệu tắc trách theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết rút giấy phép những cơ sở không đủ điều kiện nuôi ĐVHD, thắt chặt quy trình cấp phép vận chuyển ĐVHD.
Ngay sau khi truyền thông cũng như các tổ chức, chuyên gia về ĐVHD lên tiếng về việc cơ quan kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cấp phép gây nuôi sinh sản, sinh trưởng loài rùa đầu to thì ông Nguyễn Tấn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đã có phản hồi tới cơ quan báo chí.
Trong đó, cơ quan này xác định rùa đầu to là loài thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Nghị định 32) và nêu quan điểm rằng CITES chỉ quy định về việc buôn bán quốc tế và không áp dụng đối với hoạt động trao đổi trong nước.
Việc cấp Giấy chứng nhận của Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp là tuân thủ đúng trình tự, thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26/10/2011 của Chính phủ) (Nghị định 82) và các cá thể rùa đầu to có nguồn gốc hợp pháp từ trang trại theo Bảng kê lâm sản được Chi cục Kiểm lâm TP HCM xác nhận ngày 3/4/2017.
Từ phản hồi của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đưa ra, có thể thấy đã và đang tồn tại việc hiểu không thống nhất về quy định pháp luật liên quan đến loại ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Cụ thể, theo phân tích của ENV với phóng viên thì rùa đầu to được liệt kê đồng thời trong Phụ lục I CITES (Công ước mà Việt Nam là thành viên từ năm 1994) và Nhóm IIB Nghị định 32.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 32: “Trường hợp điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó”. Như vậy, trong trường hợp này, phải hiểu rùa đầu to là loài thuộc Phụ lục I CITES.
Điều đáng nói đây là cách hiểu được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong những vụ việc xét xử về ĐVHD trong thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 19/9/2018, TAND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã đưa ra xét xử một đối tượng vận chuyển 27 cá thể rùa đầu to và 4 chi gấu và áp dụng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) – tuyên phạt 10 năm tù giam với đối tượng phạm tội. Điểm b khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với các hành vi phạm tội tác động đến loài thuộc Phụ lục I CITES và loài nhóm IB của Nghị định 32.
Mặt khác, như đã nói ở trên vì rùa đầu to là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I CITES nên điều kiện tiên quyết để đăng ký thành lập các trang trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục của CITES là phải được cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản. Nhưng với trường hợp ở Đồng Tháp 4 cơ quan khoa học CITES Việt Nam khẳng định chưa bao giờ xác nhận bằng văn bản về khả năng nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng rùa đầu to.
Do đó, có thể thấy việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng đối với loài rùa đầu to (loài Phụ lục I CITES) là trái với quy định hiện hành của pháp luật vì cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật là cơ quan quản lý CITES Việt Nam và yêu cầu bắt buộc khi cấp phép là phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan khoa học CITES về khả năng sinh sản trong môi trường có kiểm soát hoặc hoạt động nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến quần thể loài trong tự nhiên.
Rộng hơn từ vụ việc này có thể thấy đang có việc quản lý gây nuôi thương mại rùa đầu to nói riêng và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nói chung đang là một vấn đề lớn tại các địa phương trong cả nước. “Thật đáng buồn là các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi pháp luật về ĐVHD và quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD lại chưa thực sự nắm rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD, cũng như chưa hiểu được các đặc tính sinh học của các loài ĐVHD.
Việc cấp phép gây nuôi thương mại cho những loài không hề có khả năng sinh sản, phát triển trong môi trường có kiểm soát đã vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hợp pháp hóa ĐVHD bất hợp pháp” - bà Bùi Thị Hà nêu quan điểm.