Vẫn còn đó nỗi ám ảnh tảo hôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Gần 70% trẻ em người dân tộc thiểu số không được trang bị kiến thức tảo hôn, chỉ có 3% nhận diện được nguy cơ về buôn bán người. Trước thực trạng này, nhiều đơn vị đã cho ra mắt ứng dụng trực tuyến "Em vui" phòng ngừa tảo hôn và buôn bán người.
Một số hình ảnh trên nền tảng số emvui.vn.
Một số hình ảnh trên nền tảng số emvui.vn.

Chỉ 10% trẻ em dân tộc biết sử dụng Internet an toàn

Một khảo sát trên 1.725 trẻ em dân tộc của Dự án EMPoWR vào cuối năm 2020 tại 17 xã thuộc 6 huyện ở 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị cho thấy tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chỉ có 28% trẻ em được trang bị kiến thức về tảo hôn. Chỉ có 52% các em được khảo sát hiểu biết đúng về độ tuổi kết hôn tối thiểu. Các em thường hiểu sai về độ tuổi được kết hôn của nam giới, đồng thời, các em nữ cũng cảm thấy áp lực phải lấy chồng (để không bị “ế”) lớn hơn. Có 72% biết được ít nhất 2 hậu quả của việc tảo hôn, phổ biến nhất là ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai, việc học hành và sức khỏe bản thân. Chỉ có 60% sẵn sàng phản đối hôn nhân ép buộc. Tỉ lệ này cao hơn ở trẻ em gái và trẻ em được đi học.

Tương tự, chỉ có 3% trẻ em nhận diện được nguy cơ bị mua bán người. Chỉ có 11% biết về các cách phòng tránh rủi ro, tỷ lệ này thấp nhất ở nhóm 10 tuổi (2%). Có 37% trẻ em biết ít nhất 2 số điện thoại trợ giúp, là 111 (Tổng đài bảo vệ trẻ em) và 113 (Công an).

Theo bà Phan Thanh Ngọc, Điều phối dự án của Tổ chức Plan International Việt Nam, tại Hội thảo trực tuyến “Truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến “Em vui” nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS) phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người: Hành động của cơ quan báo chí - truyền thông”, có đến 91% trẻ em, thanh niên DTTS đang sử dụng Internet, chủ yếu bằng điện thoại thông minh (smartphone), và thường từ 1 - 3 giờ/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 10% các em tự khai là có hiểu biết về an toàn trực tuyến.

Bên cạnh đó, Facebook và YouTube là hai kênh được sử dụng nhiều nhất, hoạt động chính là chat, lướt mạng và xem phim/video. 42% trả lời đã từng hẹn gặp bạn quen trên mạng, trong đó 1/3 hẹn gặp mặt chỉ sau 1 lần nói chuyện. Hiện không có chương trình tập huấn bài bản tại địa phương cho các em về an toàn trực tuyến.

Nguy cơ nạn buôn bán người khá cao

Bà Phan Thanh Ngọc cũng cho biết, hiện nay, tình hình sử dụng smartphone của các em học sinh tại các trường học khá cao. Việc sử dụng smartphone có mặt lợi và mặt hại, việc tiếp cận với Internet và mạng xã hội (MXH) từ khi còn nhỏ tuổi, kết hợp với sự thiếu quản lý của phụ huynh học sinh và khó khăn trong công tác quản lý của thầy cô nhà trường, khiến các em dễ rơi vào những tệ nạn xã hội.

Tại một số trường học ở các thôn bản, tin học được đưa vào giảng dạy và là một môn học tự chọn. Tuy nhiên, bà Ngọc cho biết vì không có trang thiết bị đầy đủ, không có phòng chức năng nên các em chưa được làm quen với máy tính cũng như công nghệ và việc sử dụng Internet an toàn.

Chưa kể, ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, theo cán bộ địa phương, phụ huynh rất chiều chuộng con cái. Những gia đình mà có bố mẹ sang Trung Quốc làm việc, có điều kiện kinh tế hơn đều sắm smartphone cho con, bất kể con ở độ tuổi nào. Có tới 2/3 học sinh dùng smartphone tại một trường cấp II tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Theo bà Ngọc, việc quản lý cũng như hướng các em học sinh dùng điện thoại an toàn khá khó khăn. Các em học sinh DTTS nói riêng tiếp cận Internet rất nhanh. Một số trường các thầy cô cho biết, nhà trường đổi mật khẩu WiFi liên tục nhưng chỉ sau một tuần thì lại bị các em bẻ khóa để vào mạng.

Mức độ xử phạt đối với hành vi tảo hôn.

Mức độ xử phạt đối với hành vi tảo hôn.

Điều đáng nói, việc sử dụng điện thoại truy cập mạng, làm quen, hẹn hò trên mạng của trẻ em, thanh niên DTTS ngày càng phổ biến, đa phần các em chưa có nhận thức đầy đủ về rủi ro từ Internet mà trong đó có mua bán người. Bà Ngọc chia sẻ một thủ đoạn phổ biến của kẻ buôn người là lợi dụng việc kết bạn, làm quen trên MXH để giả làm người yêu 1-2 tháng, rồi lừa gặp mặt để bắt cóc sang biên giới bán. Qua khảo sát thầy cô ở Lai Châu, năm 2018 đã xảy ra trường hợp một em học sinh nữ đang học lớp 11 bị bán sang biên giới Trung Quốc. Em ấy có quen một người qua MXH, giả danh công an, rồi bị lừa qua biên giới. Một trường hợp khác, hai bạn nam và nữ quen nhau qua MXH và kết hôn. Nhưng bạn trai này đã có gia đình, khi tổ chức đám cưới thì thuê họ hàng giả đến gặp nhà gái.

Ngoài ra, cũng có trường hợp một nhóm các em học sinh cấp 2 từng bị rủ rê qua điện thoại để đi làm thêm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Các em rủ nhau tự đi từ Hoàng Su Phì đến Hà Giang để gặp người môi giới đã hẹn chờ sẵn ở đó, dù chưa từng gặp mặt người này. May mắn, vụ việc kịp thời được thầy cô phát hiện và báo cho cơ quan chức năng.

Theo bà Khuất Thu Hồng, Giám đốc Dự án tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh niên DTTS về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số do Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Plan International Bỉ đồng tài trợ được tiến hành tại 4 tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Quảng Trị và Quảng Bình. Đây là những khu vực có tỉ lệ người DTTS cư trú cao, thành phần dân tộc đa dạng, có tỉ lệ tảo hôn cao so với cả nước, đồng thời có vị trí giáp biên giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mua bán người. Dự án của Plan triển khai trên 6 huyện, 17 xã và 22 trường nội trú, bán trú từ cấp tiểu học đến THPT tại 4 tỉnh nói trên.

Do đó, việc cần làm là hỗ trợ các em thanh, thiếu niên DTTS có thể hiểu và vận động cho quyền của mình được an toàn, được trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng để bảo vệ bản thân trước nạn buôn người cũng như phòng tránh được nạn kết hôn sớm.

Đồng thời, đây cũng là kênh nhằm phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông có thể hỗ trợ cùng làm việc, sử dụng thông tin, kết quả của nền tảng “Em vui” để thúc đẩy các em sử dụng thông tin trên nền tảng nhiều hơn, lan toả thông điệp, thông tin kiến thức và cung cấp trên nền tảng để cùng chính quyền, ban ngành chấm dứt nạn buôn người cũng như tình trạng kết hôn sớm.

Với sự kết hợp với các cơ quan chính phủ như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan hữu quan để thực thi các chính sách đã được xây dựng toàn diện và đưa vào cuộc sống để ngăn ngừa các tệ nạn liên quan.

Để thực hiện các mục tiêu này, bà Hồng cho biết dự án đã thiết kế nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có lan toả, phổ biến các thông tin trên nền tảng “Em vui” đến các em thanh, thiếu niên không chỉ trong 4 tỉnh dự án được nhiều kiến thức, kỹ năng liên quan để các em có cơ hội phát triển bản thân.

Diễn đàn mở về pháp luật phòng chống tảo hôn, buôn người…

Chia sẻ về nền tảng số “Em vui” (emvui.vn), ông Hoàng Hải Vương, cán bộ Dự án cho biết nền tảng là một không gian kỹ thuật số, nhằm trang bị cho trẻ em, thanh, thiếu niên DTTS những kiến thức, kỹ năng để các em có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn buôn bán người.

Nền tảng được xây dựng như một diễn đàn thân thiện, tin cậy với nhiều thông tin bổ ích, lý thú để các em có thể học tập, giao lưu, chia sẻ kiến thức về 5 chủ đề chính là: kiến thức pháp luật, phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người, sức khỏe sinh sản và an toàn trên mạng cùng những kỹ năng mềm khác.

“Em vui” cung cấp không gian, công cụ kết nối các em thanh, thiếu niên DTTS với các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan của Chính phủ, ban ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, qua đó, nền tảng như là một cầu nối giữa các em thanh niên và các tổ chức tương tác. Các em có thể nói lên các câu chuyện của các em để các tổ chức có thể lắng nghe, trả lời, từ đó có những phản hồi cho việc xây dựng chính sách. Cũng theo ông Vương, đây là nền tảng mở, qua nền tảng các tổ chức cũng có thể đóng góp các tài liệu về những vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, trang web, ứng dụng và kết nối với các trang MXH phổ biến khác của Việt Nam như là Facebook, YouTube, Intasgram, Tik Tok, Twitter… để lan toả thông tin rộng rãi.

Trên nền tảng “Em vui” hiện có 6 mục: học vui, chơi vui, thư viện, trợ giúp, đối thoại, giới thiệu. Mục học vui có nhiều video để các em không cần phải đọc mà vẫn học được nhiều thứ. Mục này cũng sẽ cộng điểm cho các em đăng ký tài khoản khi tương tác, xem nhiều, đọc nhiều… sẽ nhận được 1 khoản kinh phí. Bên cạnh đó, mục chơi vui có 15 câu hỏi mà để có thể trả lời được các em phải xem các tài liệu rất kỹ.

Đọc thêm